Tin liên quan
>> Dạy và học thêm sẽ khó kiểm soát
>> Dạy thêm theo kiểu "Ép buộc tự nguyện"
>> Dạy thêm ngay từ đầu năm học
Học thêm, dạy thêm tràn lan không chỉ làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh (HS) mà còn khiến không ít em phải nhập viện vì rối nhiễu tâm lý.
Con đường ngắn nhất để thành... thiểu năng
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc học thêm tràn lan đã giết chết tính chủ động, sáng tạo của học trò. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), trong bức tâm thư gửi cho HS của mình nhân ngày khai trường năm học này đã viết: “Ngoài giờ lên lớp, các con hãy tự học chứ đừng đi học thêm. Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vững kiến thức và linh hoạt áp dụng. Còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ dần trở thành “thiểu năng”. Nên biết rằng, trong kỳ thi vào ĐH, CĐ vừa qua, 80% thủ khoa là ở vùng nông thôn, trong số đó phần lớn là không đi học thêm. Đó là điều đáng để chúng ta suy nghĩ”.
Theo ông Lê Sỹ Tứ, nguyên giáo viên (GV) Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), học thêm dạy thêm dù với mục đích gì cũng phải được sắp xếp phù hợp với sự tiếp nhận của HS. Học thêm ngay sau giờ học chính khóa là vắt kiệt sức các em. “Người lớn đi làm cũng chỉ 8 tiếng một ngày thì không lý gì bắt một HS phải học liên tục 10 tiếng/ngày. Ép trẻ học thêm như vậy thực ra chỉ vì sự thuận tiện của người lớn GV bất chấp việc đó là phản giáo dục”.
GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, nhận định: “HS của chúng ta bị bắt học nhiều quá, như thế thì “mụ người”, còn đâu là thông minh. Xin hãy loại bỏ ngay vấn nạn học thêm đi vì đó là việc rất phản khoa học, gây tổn thương cho phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Đừng để các HS của chúng ta, học thêm rất giỏi (theo kiểu để đi thi cử) nhưng người thì thấp bé, nhẹ cân, mắt cận... Những con người như thế, sao nói sẽ có khả năng đóng góp hết sức mình cho xây dựng phát triển xã hội được”.
Thụ động, yếu ớt, vụng về
Dưới góc độ tâm lý, theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng và Nguyễn Thị Nga, Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), ngay từ lớp 1, các yếu tố khiến trẻ lo âu ở mức độ cao tập trung chủ yếu vào áp lực học tập. Còn PGS-TS tâm lý Nguyễn Hồi Loan thì cho rằng tình trạng trẻ em vị thành niên bị rối nhiễu tâm lý là hậu quả của chương trình học quá nặng nề. Hậu quả của việc học thêm, nhồi nhét quá nhiều kiến thức làm cho việc thực tập để vận dụng tri thức đã học nhằm hình thành các kỹ năng ở trẻ bị xem nhẹ và thậm chí bỏ qua. Trẻ luôn thụ động và tiêu tốn quá nhiều thời gian vào việc học và không còn thời gian cho các hoạt động vui chơi giải trí. Thực tế đó đã tạo ra một bộ phận không nhỏ trẻ thụ động, yếu ớt và vụng về, thiếu khả năng thích ứng xã hội.
Báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lưu ý áp lực thi cử, học hành khiến mỗi năm bệnh viện đón gần 4.000 bệnh nhân, trong đó 30% là đối tượng HS, sinh viên. Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục trường hợp bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng lứa tuổi HS. Một trong những nguyên nhân chính là do trẻ học tập quá căng thẳng. Chính vì thế, PGS Văn Như Cương khẳng định: “Điều quan trọng là các em phải có thời gian để biến kiến thức mà thầy cô truyền thụ để thành kiến thức của mình. Do vậy, đừng để học thêm tước đoạt mất quỹ thời gian quý báu để các em tự học, vui chơi, giải trí, trang bị kỹ năng sống - những điều quan trọng không kém so với kiến thức trong sách vở”.
Hiệu trưởng than khó quản lý
Thông tư dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT quy định GV không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng đơn vị. Nếu HS có nguyện vọng thì viết đơn nộp trực tiếp cho hiệu trưởng để từ đó phân nhóm HS, phân công GV… Tuy nhiên, đại bộ phận hiệu trưởng các trường đều cho rằng biện pháp quản lý này không khả thi.
Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Nếu GV không đăng ký, tôi cũng không thể đến từng nhà để ngó nghiêng vì như thế dễ bị hiểu sang việc xâm phạm đời tư của họ. Còn khi trường đứng ra thành lập trung tâm thì phải quản lý toàn diện từ chương trình, thu chi… nên nói thật không biết thời gian có cho phép hay không?”. Ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Về mặt pháp lý thì hiệu trưởng không thể vào nhà GV kiểm tra mà nếu có thì thời gian đâu để làm việc này. Còn khi đã kiểm tra, sự thật lại là nhu cầu của phụ huynh thì sao cấm được”…
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM), nhìn nhận: “Hơn phân nửa GV của trường này dạy thêm và có đăng ký với trường. Tuy nhiên, nhà trường ghi nhận chứ không thể có thời gian để kiểm tra thực tế hoặc xem GV có dạy HS do mình đứng lớp ở trường hay không. Ban giám hiệu ngày nào cũng nhiều việc, rất khó quản lý nổi chuyện dạy thêm học thêm”. Tuy nhiên, bà Hà cũng băn khoăn là hiện nay mức thu nhập của GV quá thấp. Một GV mới ra trường thì lương hằng tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng, phụ cấp tăng thêm cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn nữa, tổng cộng khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Với mức này thì khó sống nổi nên nhiều người buộc phải dạy thêm.
Lan rộng ở châu Á
Theo The New York Times, một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á và ĐH Hồng Kông công bố hồi tháng 7 cho thấy tình trạng học thêm đang lan rộng khắp châu Á.
Nghiên cứu chỉ ra có nhiều hình thức học thêm khác nhau. Từ việc một người hàng xóm hay HS cấp trên kèm, lớp học tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa đến việc học qua internet. Theo đó, 97% HS Singapore, gần 90% HS tiểu học Hàn Quốc và khoảng 85% HS trung học phổ thông Hồng Kông có học thêm. Ở Hồng Kông và
Singapore, GV không được phép dạy thêm HS mà họ đang dạy chính khóa. Chính phủ Malaysia cho phép GV dạy thêm để kiếm thêm thu nhập nhưng chỉ giới hạn 4 giờ/tuần.
Giới nghiên cứu lo ngại tình trạng dạy thêm có thể tác động xấu đến việc dạy HS chính khóa. Theo Reuters, bà Anshu Vaish, một quan chức tại Bộ Giáo dục Ấn Độ xác nhận thực trạng ở nước này: “Những gì GV phải dạy thì họ không dạy trên lớp để sau đó kéo HS về nhà dạy”.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm
Tôi cho rằng, một khi đã có quy định rõ như vậy thì cần phải thực hiện thật nghiêm túc, khách quan từ trên xuống, không để xảy ra tình trạng bao che, làm chui. Chắc chắn người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm và tùy từng mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.
GS Đào Trọng Thi
(Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội)
Phải tăng lương cho GV
Để chấm dứt dạy thêm tràn lan, phải tăng lương cho GV. Tôi nghĩ trong điều kiện nước ta, khó có thể tăng lương cho GV đạt tới mức sống dư dả, không cần làm thêm, nhưng nếu được tăng thu nhập, anh chị em GV cũng có điều kiện nâng cao chất lượng dạy học nhiều hơn và đỡ phải nghĩ đến chuyện dạy thêm.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Đã chỉ đạo từ đầu năm học
Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học, chúng tôi đã nhấn mạnh: GV cần hướng dẫn HS tự học và tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài học tại lớp (đối với học 2 buổi/ngày), tuyệt đối không yêu cầu HS làm thêm bài tập ở nhà. Nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm cho học sinh của lớp mình phụ trách (kể cả các ngày nghỉ).
Ông Phạm Xuân Tiến
(Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội)
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (Thanhnien)