Mới đây, nhiều trường đại học trên toàn quốc thông báo không tăng học phí trong kì tuyển sinh năm 2022.
Trong khi nhiều trường tăng mạnh học phí 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân giữ mức học phí đã duy trì từ năm 2019; hai trường Thương mại, Ngoại thương tăng nhẹ.
Ngày 15/6, trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Ngoài kế hoạch dừng tuyển sinh từ tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023, thông tin về mức học phí của trường năm tới cũng được quan tâm.
Theo đó, trường dự kiến mức thu 16-22 triệu đồng học phí một năm, áp dụng với sinh viên chính quy được tuyển năm 2022. Với chương trình đặc thù, học phí 45-65 triệu đồng. Đây là mức được Đại học Kinh tế Quốc dân áp dụng từ năm 2019 và được giữ ổn định trong suốt bốn năm.
Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc nhóm tự chủ hoàn toàn. Theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, học phí với khối ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật của các đại học chưa tự chủ là 14,1 triệu đồng một năm. Nếu cơ sở giáo dục đã tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí bằng 2,5 lần mức này, tương đương 35 triệu đồng. Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường được tự xác định mức học phí.
Lý giải việc không tăng học phí, GS TS Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết hai năm đại dịch gây ra nhiều khó khăn. "Giữ ổn định học phí là cách chúng tôi chia sẻ và thực hiện trách nhiệm xã hội", ông Chương nói.
Theo ông, mức học phí đang duy trì thấp hơn chi phí đào tạo thực tế. Tuy nhiên, nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, 3-4 năm qua, trường Kinh tế Quốc dân không cần tuyển thêm cán bộ hành chính. Trong khi đó, số lượng cán bộ về hưu khoảng 100.
Ngoài ra, trong thời gian sinh viên học trực tuyến vì Covid-19, nhiều hoạt động hoãn hoặc không thể tổ chức; chi phí đào tạo trực tuyến cũng không lớn bằng trực tiếp. "Do đó, trường đã tiết kiệm được một khoản ngân sách tương đối lớn, có thể hỗ trợ sinh viên về mặt học phí thêm một năm 2022", ông Chương nói.
Năm học 2023-2024, Đại học Kinh tế Quốc dân lên kế hoạch tăng học phí. Ông Chương khẳng định mức tăng không đột ngột, dự kiến không quá 10%.
Tương tự, với Đại học Thương mại, học phí năm học 2022-2023 được chia thành ba nhóm. Trong đó, các chương trình chất lượng cao 31,25-33,5 triệu đồng một năm. So với mức 30,5-33,5 của năm 2021, học phí mới gần như không tăng.
Đại diện Đại học Thương mại cho biết sinh viên của trường đa số ở khu vực 2 và khu vực 2 nông thôn. Do đó, trường cố gắng duy trì học phí ổn định. Sau một năm áp dụng, trường Thương mại đánh giá mức học phí của chương trình tiên tiến phù hợp với khả năng chi trả của sinh viên, việc đào tạo cũng vẫn ổn định nên trường không tăng học phí.
Với hai chương trình còn lại, hệ đại trà 23-25 triệu đồng, các chương trình định hướng nghề nghiệp 23 triệu đồng một năm.
Năm học tới, Đại học Ngoại thương cũng không tăng học phí với các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế: Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số dự kiến 60 triệu đồng, các chương trình khác thuộc nhóm này là 40 triệu đồng một năm.
Với ba nhóm chương trình còn lại, học phí tăng nhưng chỉ 5-10%. Cụ thể, chương trình đại trà 22, chất lượng cao 42 và tiên tiến 65 triệu đồng một năm. Mức thu của ba chương trình này trong năm 2021 lần lượt là 20, 40 và 60 triệu đồng. So với nhiều đại học tăng 30-70% học phí giữa hai năm 2021 và 2022, mức tăng của Đại học Ngoại thương thuộc nhóm thấp nhất.
Năm học 2022-2023, hầu hết các đại học tăng học phí theo khung mới, được quy định tại Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Tại khung này, học phí tất cả khối ngành tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm.
Mức trần học phí từ năm học 2022-2023 với trường chưa tự chủ, theo Nghị định 81/2021.
Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên, tương ứng với khối ngành và từng năm học.
Riêng các chương trình đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường đại học được tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của mình.
Học phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng trong khi nhiều thí sinh phải từ bỏ ngành và trường ước mơ do không kham nổi chi phí. Nhằm hỗ trợ người học, ngoài việc tăng nhẹ hoặc giữ ổn định học phí, nhiều đại học cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo.
> Tuyển sinh đại học 2022: Học phí ngành kinh tế cao, kỹ thuật thấp
> Những thí sinh nào được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2022?
Theo VnExpress