Theo Nghị định 81, học phí của các ngành kinh tế, quản lý,... sẽ cao và các ngành kỹ thuật, công nghệ có khung học phí thấp hơn.
Mới đây, một loạt trường ĐH đã công bố tuyển sinh đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022, trong đó nêu rõ thông tin học phí (HP) áp dụng cho sinh viên (SV) tuyển sinh năm 2022 và lộ trình tăng cho toàn khóa học. Nhìn chung, các trường đều dự kiến thu mức tối thiểu tăng vượt lên (kịch trần khung Nghị định 81/2021/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 27.8.2021) so với năm ngoái, còn mức tối đa tăng chỉ ở khoảng dưới 10%.
Mức tối thiểu áp dụng với các chương trình đại trà, hoặc chương trình chuẩn; mức tối đa là áp dụng với các chương trình đào tạo khác như chất lượng cao, tiên tiến, đặc thù…
1. Khối kinh doanh tối thiểu 20 triệu đồng, tối đa 65 triệu đồng
Với Trường ĐH Ngoại thương, nếu so sánh mức dự kiến thu HP giữa đề án năm nay với năm ngoái thì không tăng. Cụ thể, dự kiến HP của chương trình đại trà là 20 triệu đồng/năm/SV; chương trình chất lượng cao, tiên tiến đều dự kiến là 60 triệu đồng/năm/SV; các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế dự kiến 40 triệu đồng hoặc 60 triệu đồng/năm/SV (tùy chương trình). Nhưng theo bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, các mức trên nhìn chung là có tăng so với thực tế mà trường thu năm ngoái của SV.
Còn Trường ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra dự kiến mức HP chính quy chương trình chuẩn năm học 2022 - 2023 theo ngành học cho khóa tuyển sinh năm 2022 là từ 16 triệu đến 22 triệu đồng/năm/SV (năm ngoái từ 15 đến 20 triệu đồng/SV); các chương trình đặc thù từ 45 triệu đến 65 triệu đồng/năm/SV (năm ngoái từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/SV).
Trường ĐH Thương mại dự kiến thu HP năm học 2022 - 2023 với chương trình chuẩn là từ 23 đến 25 triệu đồng/năm/SV, tùy theo từng ngành hoặc chuyên ngành. Các chương trình chất lượng cao, chương trình tích hợp dự kiến thu từ 31,25 triệu đồng đến 33,495 triệu đồng/năm/SV. Các chương trình định hướng nghề nghiệp dự kiến thu 23 triệu đồng/năm học. Đây đều là những mức thu cao hơn so với năm ngoái.
Trường ĐH Luật Hà Nội dự kiến thu với chương trình đại trà 20 triệu đồng/năm/SV, chất lượng cao 50 triệu đồng/năm/SV.
Theo Nghị định 81, học phí của các ngành kinh tế, quản lý,... sẽ cao và các ngành kỹ thuật, công nghệ có khung học phí thấp hơn.
2. Học phí nhiều trường kỹ thuật “dễ chịu” hơn
Theo Nghị định 81, khung HP được chia theo 7 khối ngành, trong đó 2 khối ngành có khung thấp nhất là nghệ thuật và nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin… Tiếp theo là khối khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, và kinh doanh và quản lý, pháp luật. Các khối thu HP cao là công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe.
Nhưng trên thực tế, hầu hết các trường khối kinh doanh và quản lý, pháp luật đều đã tự chủ nên được thu cao hơn từ gấp 2 đến 2,5 lần so với mức khung của Nghị định 81.
Còn phần lớn những trường công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật… đã công bố đề án tuyển sinh 2022 đều dự kiến mức thu áp theo khung trong Nghị định 81, vì chưa tự chủ. Do đó, HP của các trường này sẽ “dễ chịu” hơn rất nhiều so với các trường đã kể ở trên. Chẳng hạn, Trường ĐH Xây dựng thông báo dự kiến sẽ thu theo khung của Nghị định 81, tức là tối đa 14,5 triệu đồng/năm/SV. PGS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho biết: “Chắc chắn HP sẽ phải tăng so với năm ngoái và năm kia (năm ngoái và năm kia trường thu 11,7 triệu đồng/năm/SV - PV). Nhưng có kịch trần không (14,5 triệu đồng - PV), hay chỉ thu 14 triệu đồng thôi thì trường sẽ quyết định sau”.
Nhưng ngay cả với những trường ngành kỹ thuật đã tự chủ cũng dự kiến HP mức thấp hơn so với khối trường kinh doanh và quản lý, luật. Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, thông tin: dự kiến HP bình quân các chương trình đào tạo của trường năm học 2022 - 2023 là 18,5 triệu đồng/năm/SV.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường có dự kiến mức thu HP cao nhất trong khối trường kỹ thuật. Cụ thể, với khóa nhập học năm 2022, HP của năm học 2022 - 2023 sẽ là 24 triệu đến 30 triệu đồng/năm học (tùy theo từng ngành) với các chương trình chuẩn. Các chương trình ELITECH (gồm 3 chương trình: kỹ sư tài năng, tiên tiến, chất lượng cao) thu từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/năm/SV; riêng các chương trình khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10), logistics và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14) có HP khoảng 60 triệu đồng/năm/SV. Chương trình song bằng tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) từ 42 triệu đến 45 triệu đồng/năm học (đã bao gồm phí ghi danh). Các chương trình đào tạo quốc tế từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/học kỳ.
> Lại có thêm Đại học cho tăng học phí
> Trường ĐH không được đưa các thông tin mập mờ khi thông báo tuyển sinh
Theo Báo Thanh Niên