Việc học sinh phổ thông có năng lực được đăng ký học chương trình Đại học không phải mới mẻ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa khi định hướng cho học sinh chuyên đăng ký tiếp tục theo đuổi lĩnh vực các em có năng khiếu, đam mê.

Quá nhiều phương thức xét tuyển Đại học, thí sinh lúng túng, khó chọn

Quá nhiều phương thức xét tuyển Đại học, thí sinh lúng túng, khó chọn

Các trường Đại học bắt đầu công bố những phương thức xét tuyển 2022. Đến thời điểm này đã có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học, điều này khiến thí sinh hoang mang.

Theo cơ chế đặc thù được ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành cuối năm 2021, học sinh THPT chuyên của ĐH này và học sinh THPT chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 sẽ được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo ĐH của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Học sinh theo học phải đảm bảo các điều kiện: có kết quả học tập tối thiểu loại giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước và được hiệu trưởng trường THPT nơi học sinh đang theo học và hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng ý bằng văn bản.

1. Chỉ đăng ký tối đa ba học phần một học kỳ

Để đảm bảo chất lượng và vừa sức của học sinh khi phải hoàn thành chương trình THPT vừa học chương trình của ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội quy định mỗi học sinh chuyên chỉ được đăng ký tối đa ba học phần trong một học kỳ. Và kết quả các học phần này sẽ được bảo lưu khi học sinh trúng tuyển vào bậc ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép học sinh học trước đại học - Ảnh 1

Để đảm bảo chất lượng và vừa sức của học sinh khi phải hoàn thành chương trình THPT vừa học chương trình của ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội quy định mỗi học sinh chuyên chỉ được đăng ký tối đa ba học phần trong một học kỳ

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), trường cho phép học sinh THPT chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội và học sinh THPT chuyên trên cả nước đăng ký học các học phần thuộc chương trình của tất cả các ngành đào tạo trong trường. 

Theo đó, những học phần, môn học gần với môn chuyên của học sinh, gần với hướng nghiên cứu sâu mà học sinh đang muốn đi sâu tìm hiểu hoặc có định hướng theo đuổi nghề nghiệp tương lai thì các em đều có thể đăng ký. 

Tuy nhiên, tùy theo sắp xếp của chương trình ĐH, có những học phần phải học trước thì mới tiếp tục học các học phần tiếp theo. Điều này sẽ được nhà trường tư vấn khi học sinh đăng ký.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - hiệu trưởng Trường chuyên Khoa học xã hội, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng trước khi việc này được quyết định, các trường chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã thảo luận rất kỹ. Trong đó, mục tiêu và tính khả thi của việc cho phép học sinh học chương trình ĐH đã được chú ý.

"Với học sinh chuyên, mục tiêu không phải là vào ĐH mà là một cơ chế cho phép học sinh học vượt cấp để rút ngắn thời gian học ĐH, tạo cơ hội cho học sinh tài năng tiếp cận sớm hơn với các chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp mà các em có đam mê và muốn tiếp tục theo đuổi", thầy Nguyễn Quang Liệu nói.

Và theo thầy Nguyễn Quang Liệu, ngoài các môn học đại cương cung cấp kiến thức nền tảng, học sinh chuyên hoàn toàn có thể đăng ký học ngay những học phần thuộc chuyên môn sâu có liên quan tới môn chuyên hoặc lĩnh vực mà học sinh có đam mê. 

Ví như học sinh chuyên văn có thể đăng ký các học phần văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, đi sâu vào lĩnh vực phê bình văn học...

2. Đã có học sinh theo học

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Hoàng Linh - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết trường hợp học sinh chuyên đầu tiên đã đăng ký các học phần ĐH của trường là Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. 

Hai năm trước, Ngô Quý Đăng từng được biết đến là học sinh lớp 10 đầu tiên trên cả nước giành huy chương vàng quốc tế môn toán.

Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép học sinh học trước đại học - Ảnh 2

Hai năm trước, Ngô Quý Đăng từng được biết đến là học sinh lớp 10 đầu tiên trên cả nước giành huy chương vàng quốc tế môn toán.

Đăng cho biết em đăng ký và đang học hai học phần là đại số tuyến tính và giải tích, lựa thời gian học không ảnh hưởng đến chương trình học ở trường chuyên. Là một học sinh đam mê toán, những lựa chọn mới của Đăng cũng nằm trong định hướng của em muốn học và nghiên cứu chuyên sâu về toán. 

Theo thầy Vũ Hoàng Linh, ngoài Ngô Quý Đăng, hiện có một số học sinh chuyên khác cũng đăng ký học các học phần của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo cơ chế thì học sinh THPT chuyên cả nước đều có thể đăng ký học chương trình ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội nếu đảm bảo các điều kiện bắt buộc. Nhưng sẽ có nhiều cái vướng. Cụ thể học sinh chuyên ở các tỉnh sẽ khó theo đuổi việc học ĐH như trên nếu các trường chỉ đào tạo trực tiếp, không có hình thức trực tuyến. 

Ở góc nhìn của một số phụ huynh thì học sinh chuyên đã phải học khá nặng nên việc choàng gánh thêm các học phần ĐH thì dễ quá tải, không hiệu quả...

Về điều này, thầy Lê Công Lợi - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - cho rằng quan điểm học chuyên nặng là không chuẩn xác. 

Vì với những học sinh có năng khiếu thực sự, có đam mê một lĩnh vực nào đó thì không bao giờ là nặng, cũng không có giới hạn nào cho sự sáng tạo, học hỏi. Và một cơ chế mở ra không phải cho tất cả mà dành cho những học sinh có năng lực, có khát vọng.

Thầy Nguyễn Quang Liệu cũng cho rằng việc đăng ký học như thế nào hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật có thể xử lý được. Ví dụ học sinh có thể lựa chọn các học phần có lịch học không trùng với thời gian học ở trường chuyên hoặc đăng ký học kỳ hè.

> Đại học Quốc gia Hà Nội tăng quy mô thi đánh giá năng lực tháng 5-7

> TOP 5 trường đại học học phí tăng dần đều từ năm 2022

Theo Tuổi Trẻ