TP.HCM và Bắc Giang đều từng là điểm 'nóng' của đất nước khi dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, cả 2 địa phương đều áp dụng nhiều biện pháp để tổ chức cho học sinh đến trường.
Từng là tâm dịch của cả nước trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư, Bắc Giangcó hàng trăm cán bộ, giáo viên F0, 9.000 học sinh, giáo viên F1 và gần 20.000 F2 phải cách ly y tế. Hiện tại, có 362 học sinh và 20 giáo viên F0 nhưng các trường học vẫn dạy trực tiếp.
Tại hội thảo ngày 19/1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay để hạn chế tối đa đóng cửa trường học, tỉnh đã nghiên cứu các ca bệnh cũng như có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch.
Theo ông Sơn, qua các đợt dịch, Bắc Giang ghi nhận 509 học sinh F0. Tuy nhiên, chỉ một ca viêm phổi, phải thở oxy; ba ca ở mức độ vừa, còn lại không có triệu chứng. Từ đó, các cơ quan chức năng đánh giá Covid-19 không quá nguy hiểm với độ tuổi học sinh. Rủi ro nằm ở chỗ các em có thể lây bệnh cho ông bà, những người có bệnh nền trong gia đình. Tỉnh quyết định vẫn mở cửa trường học kèm theo sáu giải pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Đầu tiên, các trường được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch và trong bất kỳ tình huống nào cũng phải duy trì hoạt động giáo dục an toàn và nâng cao chất lượng. Nhà trường luôn có ba kịch bản dạy học gồm trực tiếp, trực tuyến và kết hợp để không bị động trong mọi hoàn cảnh.
Bắc Giang xây dựng mô hình lớp học "hai trong một". Cụ thể, mỗi trường có ít nhất một phòng học trực tuyến trên một khối lớp để kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến nhằm giúp học sinh đang cách ly vẫn được học, đảm bảo tiến độ chương trình. Mô hình này có thể đảo ngược, tức là giáo viên đi cách ly vẫn có thể dạy trực tuyến, học sinh lên lớp học bình thường.
Tỉnh chú trọng kiểm soát tốt phòng dịch trong trường học. Ông Sơn cho biết các nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch để chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát và ngẫu nhiên cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
"Vừa qua, chúng tôi có một giáo viên người Anh dạy bổ trợ cho trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên mắc Covid-19. Do dạy nhiều lớp, giáo viên này lây cho nhiều học sinh. Đây là bài học giúp chúng tôi rút kinh nghiệm và yêu cầu những giáo viên dạy nhiều lớp phải xét nghiệm ba ngày một lần", ông Sơn nêu ví dụ.
Chế tài đối với các vi phạm phòng dịch được thực hiện triệt để. Với tất cả ổ dịch trong trường học, Chủ tịch UBND huyện phải tập trung xử lý trong vòng một tuần để trường quay trở lại hoạt động bình thường. Nếu kéo dài hơn, người đứng đầu bị xem xét trách nhiệm và có thể bị kỷ luật.
Tỉnh tuyên truyền kỹ về phòng chống dịch để phụ huynh đảm bảo an toàn cho con em khi ở nhà. Ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bệnh, phụ huynh cho nghỉ học, báo cáo với y tế địa phương để được xét nghiệm ngay.
Bắc Giang cũng "thần tốc tiêm vaccine", ưu tiên cán bộ giáo viên và học sinh. Ông Sơn thông tin 97,7% giáo viên đã tiêm mũi hai, 76% đã tiêm mũi ba. Với học sinh từ 12 đến 17 tuổi, 99% đã tiêm mũi một và trên 88% đã tiêm mũi hai. Các tỷ lệ này đều cao hơn mức trung bình cả nước.
Cuối cùng, để việc dạy và học hiệu quả, tỉnh Bắc Giang vừa mở cửa trường học, vừa đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục thông qua xây dựng kho học liệu điện tử, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy trực tuyến, sẵn sàng trong trường hợp phải chuyển đổi hình thức học tập.
TP HCM, địa phương từng là tâm dịch, cũng đã đưa học sinh đi học dần trở lại.Học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu học trực tiếp từ 13/12/2021 và toàn bộ học sinh lớp 7 đến 12 đến trường từ 4/1/2022. Trước đó, thành phố dạy thí điểm ở hai trường phổ thông tại huyện Cần Giờ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết đến nay, tỷ lệ đi học của khối THCS đạt 97,4%; THPT là 96%; giáo dục thường xuyên là 78,6%, thấp hơn một chút do nhiều em trên 18 tuổi có các hoạt động mưu sinh, chưa thể quay lại học tập.
Từ ngày tổ chức học trực tiếp, trung bình thành phố ghi nhận 4 ca một ngày trên tổng số hơn 1,1 triệu học sinh đi học. Các em đến trường vui vẻ, hiện trong giai đoạn kiểm tra học kỳ.
Ông Hiếu cho biết Sở Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đưa ra kế hoạch chung, trình UBND thành phố. Trước khi học sinh đến trường, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, được kiểm tra nghiêm ngặt. Hơn 900 trường học từng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu hậu cần, tiêm vaccine đã được giao trả và sửa chữa trước ngày học sinh đến trường.
Học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) trong giờ học trực tiếp
Theo ông, sự phối hợp giữa các trường và chính quyền địa phương rất quan trọng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương sẽ quyết định cơ sở nào được dạy học trực tiếp trên địa bàn. Thành phố cũng có phương án và hướng dẫn chung về việc đóng hay mở cửa trường khi cấp độ dịch thay đổi.
"Nhờ có hướng dẫn chung, các trường chủ động thực hiện khi có thông báo chuyển đổi cấp độ dịch của chính quyền", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, việc đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách xử trí khi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm cũng rất quan trọng. Nhờ vậy, từ khi học trực tiếp, các nhà trường chưa ghi nhận ca lây nhiễm chéo nào trong trường học.
Với những kinh nghiệm và lộ trình kể trên, ông Hiếu cho biết ngành Y tế và Giáo dục TP HCM sẽ đề xuất tổ chức cho học sinh tiểu học và mầm non đến trường sau Tết theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Theo kinh nghiệm từ các cấp học lớn hơn, số lượng phụ huynh đồng thuận sẽ tăng dần từng tuần.
Tuy vậy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết các nhà trường cũng gặp khó khăn nhất định do thiếu lực lượng cán bộ y tế học đường. Hà Nội và một số địa phương khác đang gặp tình trạng này. Hà Nội hiện thiếu 450 nhân viên y tế trường học. Các địa phương mong muốn được tăng cường lực lượng này để phòng chống dịch, sớm đón toàn bộ học sinh đến trường trở lại như chỉ đạo của Thủ tướng và khuyến cáo của các chuyên gia.
> COVID-19: Hướng dẫn tổ chức học tập cho học sinh bán trú theo cấp độ dịch
> Thủ tướng: Hướng dẫn cho học sinh 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể
Theo VnExpress