Các trường có quyền tự quyết định tổ chức bán trú nhưng phải đối chiếu điều kiện của đơn vị mình với bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ về kế hoạch dự kiến cho học sinh (HS) tiểu học đi học lại, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi HS chưa được tiêm vắc xin, lứa tuổi lại còn nhỏ. Hơn nữa, ngay khi mở cửa, các trường sẽ đón cùng lúc 5 khối lớp đi học nên việc sắp xếp, phân chia cũng như thực hiện các quy định về phòng chống dịch sẽ khó khăn hơn nhiều.
Theo ông Trọng để chuẩn bị đón HS đi học lại, các trường phải xây dựng phương án cụ thể, chi tiết, đảm bảo tối đa an toàn cho HS.
1. Tổ chức dạy học theo cấp độ dịch
Về việc thực hiện bán trú, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu trường thuộc cấp độ 1 (vùng xanh), thì ngay tuần đầu tiên khi HS trở lại trường đã có thể bắt đầu tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả các khối theo nhu cầu của HS và phụ huynh.
Còn ở cấp độ 2 (vùng vàng) thì chỉ được tổ chức bán trú cho khối lớp 1 và 2 theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh. Còn khối lớp 3, 4, 5 chỉ tổ chức cho HS đi học một buổi/ngày.
Riêng các trường ở cấp độ 3 (vùng cam) chỉ được tổ chức cho HS lớp 1, 2 đi học một buổi/ngày. HS lớp 3, 4, 5 tiếp tục học trực tuyến nên sẽ không tổ chức bán trú.
Các trường có quyền tự quyết định tổ chức bán trú nhưng phải đối chiếu điều kiện của đơn vị mình với bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông… mà TP.HCM đã ban hành trước đó. Chỉ những cơ sở nào bảo đảm đạt ít nhất 8/10 tiêu chí thành phần thì mới tổ chức hoạt động bán trú, nội trú.
Hoạt động bán trú, nội trú được tổ chức phải bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, được xây dựng kế hoạch và được UBND quận, huyện hoặc TP.Thủ Đức phê duyệt trước khi tiến hành tổ chức.
2. Phải làm gì khi học sinh không thể đến trường?
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), khẳng định các trường sẽ phải tổ chức song song 2 hình thức dạy trực tuyến và trực tiếp ít nhất trong thời gian đầu. Bà cho biết theo khảo sát hiện vẫn còn rất nhiều HS tiểu học ở quê, nhiều em khác đang nhiễm bệnh nên dù mở cửa trường học thì các trường vẫn phải duy trì cả hai hình thức dạy để đảm bảo quyền lợi cho HS.
Về hình thức tổ chức, với những HS không đến trường trong trường hợp bất khả kháng (là HS trong thời gian điều trị bệnh, trong khu cách ly hoặc có lý do chính đáng) sẽ học trực tuyến. Còn nếu phụ huynh không cho con đến trường thì… không xác định đây là trường hợp bất khả kháng. Để có những phương án dạy học trực tuyến phù hợp những HS này, nhà trường phải có sự thỏa thuận với phụ huynh tìm ra phương án phù hợp, linh động.
HS lớp 1, 2 sẽ làm bài kiểm tra cuối kỳ 1 trực tiếp tại trường. Nếu HS không đến trường thì trường sẽ xin ý kiến phòng giáo dục về việc tổ chức kiểm tra với những trường hợp này.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “HS đi học trở lại là quyền lợi của các em. Do vậy chúng tôi rất mong phụ huynh cân nhắc, suy xét tạo điều kiện cho con đến trường”.
Duy trì song song hình thức học trực tiếp và trực tuyến trong thời gian đầu
3. Học sinh đến trường trên tinh thần tự nguyện
Các nhà quản lý cho rằng phải tính toán, thực hiện dạy học thế nào nếu nhiều cha mẹ HS không đồng thuận cho con đến trường?
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò vấp, cho hay theo hướng dẫn thì HS sẽ đến trường trên tinh thần tự nguyện. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT chỉ trong trường hợp bất khả kháng, HS không đến trường được mới tổ chức kiểm tra trực tuyến.
Theo ông Thanh, khi đã mở cửa trường, những em nào đi học thì giáo viên cho ôn tập trong vòng 2 tuần. Những em nào không chịu đến trường thì các em học qua bài giảng phát trực tiếp từ lớp học trên trường. Còn khi làm bài kiểm tra, chúng ta yêu cầu phụ huynh phải cho con đến trường.
Tương tự, với chương trình học cũng vậy, nếu các em không đến trường thì nên duy trì hình thức học trực tuyến bằng cách phát trực tiếp bài giảng. Còn nếu buộc các trường phải phân giáo viên ra dạy theo cả hai hình thức thì vô cùng vất vả. Các trường cũng không đủ kinh phí để chi trả tiết phụ trội khi giáo viên dạy vượt quá số tiết quá nhiều nếu vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1), cho biết trong lần khảo sát ý kiến cho HS đi học lại lần này, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận rất cao nhưng vẫn còn một số phụ huynh e ngại cho con đến trường.
> TP.HCM: Hướng dẫn tổ chức dạy học tuỳ theo cấp độ dịch
> TP.HCM: Một tỷ lệ nhỏ học sinh từ lớp 7 chưa tham gia học tập trực tiếp
Theo Thanh Niên