Dù không thể về quê đón Tết cổ truyền do dịch bệnh COVID-19, nhưng du học sinh Việt ở nhiều nơi trên thế giới vẫn luôn nhớ về quê hương và nhớ mãi hương vị Tết Việt.
Do dịch COVID-19, Tết Tân Sửu trở thành cái Tết xa nhà với nhiều du học sinh Việt
Cũng như nhiều người Việt sinh sống và học tập tại Singapore, Nguyễn Thảo Nhi (sinh năm 1998) – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore cũng không giấu nổi những luyến tiếc vì năm nay lại phải đón Tết xa gia đình. Đây là năm thứ 3 Thảo Nhi không được trở về nhà từ khi lên đại học nhưng không khí Tết ăm nay thật khác so với mọi năm.
Hiện tại Thảo Nhi đang học năm thứ 3, song bằng Kỹ sư Hóa-Sinh và Kinh tế của trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
“2 năm đầu không trở về được do hội sinh viên của trường mình có hoạt động mình cần phụ trách, còn năm thứ 3 thì lại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, Thảo Nhi chia sẻ.
Theo Thảo Nhi, mọi năm, Tết ở Singapore là một trong những ngày lễ lớn, các trung tâm mua sắm và ngoài đường bày biện rất đẹp để thu hút du khách. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh nền nhiều nơi ở nước này không bắn pháo bông, giảm số lượng người tụ tập. Ngoài ra, luật giãn cách xã hội của Singapore vẫn được tuân thủ chặt chẽ với số lượng tối đa 8 người 1 nhóm.
Dịch COVID-19 đã kéo dài một năm, ảnh hưởng đến việc trở về quê hương của nhiều du học sinh. Nhưng những người con xa quê như Thảo Nhi vẫn ngóng mong dịp Tết đến, xuân về.
“Tết này mình vẫn phải đi làm tới 30 Tết nên không chuẩn bị được gì nhưng chắc hẳn sẽ gặp nhóm bạn thân để cùng nhau xem Táo Quân, cùng nhau trò chuyện nhớ về quê nhà Việt Nam”, Thảo Nhi tâm sự.
Cùng chung nỗi nhớ quê hương, nhớ vị Tết quê, Đỗ Thùy Linh (sinh năm 1996) đang theo học Thạc sĩ tại trường Đại học Groningen (Hà Lan) vô cùng bồi hồi, xúc động.
“Mọi năm, dù có thể không về được đúng dịp Tết thì mình vẫn sẽ tranh thủ trước và sau Tết để trở về thăm nhà. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên mọi thứ thay đổi hoàn toàn”, Thùy Linh chia sẻ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc học tập và làm việc của mọi người. Tại Hà Lan, ở các siêu thị, chợ cũng bán đầy đủ món ăn châu Á. Dịp gần Tết, Thùy Linh cũng đã tranh thủ mua nguyên liệu làm nem, miến, canh măng... để nhớ về hương vị Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Lệch múi giờ 6 giờ đồng hồ so với Việt Nam, đêm 30 Tết, Thùy Linh vẫn phải có ca học tiếng từ 19h30 – 21h. Vì đây không phải là dịp Tết của người Hà Lan nên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, mọi người vẫn phải đi học, đi làm. Sau buổi học tiếng đó, Linh dự định sẽ tổ chức một bữa tất niên cùng với người bạn của mình để vơi đi nỗi nhớ nhà.
Tết là dịp mọi người cùng nhau quây quần, đoàn tụ, kể cho nhau nghe những câu chuyện trong năm vừa qua. Nhưng dù ở bất kì nơi đâu, các du học sinh Việt đều chung một niềm mong ước năm mới đến. Những người con xa quê vẫn luôn ước mong, dịch bệnh COVID-19 mau chóng qua đi để cuộc sống của mọi người trở lại bình thường, những người con xa xứ được về nhà và mọi người được bình an, hạnh phúc.
Theo Báo Lao Động