Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

 

co_giao_lam_o_sin_vi_hoc_bang_tai_chuc

Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở Nam Định hoang mang trước thông tin bị dừng hợp đồng

 

Lương giáo viên tiếng Anh vỏn vẹn 300.000 - 800.000 đồng/tháng. Để sống, gắn bó với bục giảng, suốt 13 năm qua, ngoài giờ lên lớp họ đã phải làm bất cứ việc gì, miễn có người thuê: Từ nấu cơm, rửa bát thuê, bán trà đá… cho đến làm công nhân may trong các công xưởng.

 

Đó là tình cảnh hiện tại của 49 cô giáo dạy tiếng Anh diện hợp đồng ngắn hạn ở các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Nam Định.

Cô giáo đi làm osin

11h, sau cả buổi hỏi thăm, tìm đến căn nhà cấp bốn sập xệ trong ngõ sâu, cũng là lúc tôi gặp cô Nguyễn Thị Thu Thuý (giáo viên Tiểu học Nguyễn Trãi) đang tất tả đón con từ mẫu giáo về. Trên ghi đông xe tòn ten hai túi nilon đậu phụ và mớ rau muống đã quắt queo, bữa trưa cho gia đình 4 người. Thấy có khách, cô Thúy ngượng nghịu lấy vành nón cố che đi túi thực phẩm bần hàn.

 

Tốt nghiệp hệ Cao đẳng tiếng Anh Viện ĐH Mở Hà Nội năm 1998, cô Thuý được ký hợp đồng vào dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. 13 năm nay, chưa tháng lương nào chị được nhận quá 300.000 đồng. Thời gian đầu, tuy nghèo nhưng vẫn vui vì lúc đó tỉnh mới có chủ trương đưa tiếng Anh vào dạy ở bậc tiểu học. Mà lúc đó, GV tiếng Anh cũng hiếm như giáo viên 10 + 3 những năm 1960. Vì thế, có được cô giáo tiếng Anh như chị, nhà trường cũng quý trọng.

 

Nhưng suốt hơn mười năm trời, vợ chồng có với nhau hai mặt con, nhà vẫn phải đi thuê. Thương con nghèo, thương cháu ngoại còi cọc, bố mẹ chị Thuý đưa vợ chồng chị về nhà mình ở tạm. Lương công nhân của chồng chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, vì thế ngoài giờ lên lớp, cô Thúy lại phải đi làm công nhân cho một xưởng may với tiền lương bèo bọt hơn 1 triệu đồng/tháng. “Dạo trước thì nấu cơm thuê nhưng sau đó cũng không còn việc, lại chuyển sang đi phụ việc nhà sinh nhai”. Nhìn con sẩm tối mới về nhà, mặt mũi bơ phờ, lấm lem dầu, mỡ, chỉ kịp rửa tay chân rồi ngồi soạn giáo án ngày mai lên lớp, bà mẹ già cũng chỉ biết nuốt xót xa vào lòng.

 

Không thể giấu khách, mâm cơm được dọn ra. “Hai vợ chồng tằn tiện thế nào cũng được. Nhưng thương hai đứa con cả tháng trời mới được ăn thịt vài lần. Nếu trường không cho dạy nữa thì chưa biết sống thế nào! Khó khăn mấy chúng tôi cũng chịu, miễn là đừng đuổi tôi, miễn là cho còn được đứng lớp!, chị Thúy nghẹn ngào rồi bỗng òa khóc.

 

Còn cô Đào Thị Thu Hà, GV trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, có hoàn cảnh cũng không hơn gì. Mỗi tháng nhận lương 650.000 đồng, hai vợ chồng và hai con ở nhờ ông bà nội. Nguồn sống chính của cả nhà trông chờ vào đồng lẻ từ quán trà đá trong con hẻm nhỏ đầu phố. “Cũng nhiều lần định bỏ hẳn, kiếm việc khác. Nhưng đã chót theo nghề giáo giờ chả lẽ lại bỏ mà đi?”, cô Hà nói.

Đuổi hay không đuổi?

Hiện trên địa bàn thành phố Nam Định có 49 giáo viên tiếng Anh thuộc diện hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) ở 21 trường Tiểu học. Chiều 3/11, ông Lê Xuân Tiến -Trưởng phòng GD - ĐT thành phố Nam Định, vẫn khẳng định: “Không hề biết gì về việc này (không ký hợp đồng lại cho các giáo viên tiếng Anh). Đó chỉ là những thông tin gây nhiễu chứ không có thật ”. Tuy nhiên, theo điều tra của Đất Việt, đã có một số giáo viên bị ngừng hợp đồng hoàn toàn. Đơn cử trường hợp cô giáo Đinh Thị Thu Hà, trường Tiểu học Trần Phú. Trước tháng 9/2011, cô Hà vẫn lên lớp bình thường cho đến khi trường có thêm biên chế giáo viên tiếng Anh mới.

 

Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của cô Hà, người đồng nghiệp đã nhường số tiết đứng lớp để cô có thêm thu nhập. Mặc dù vậy, đầu tháng 10, cô Hà đã bị ngừng hợp đồng. 48 giáo viên khác ở các trường TH Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn… cũng cho biết, gần đây nhà trường đã “gợi ý” hai phương án cho lựa chọn: Tự nghỉ ngay hoặc cứ dạy nhưng không lương. Được biết, nhiều giáo viên nói trên vẫn dạy bình thường từ giữa tháng 8 đến nay nhưng các trường vẫn chưa trả lương.

Còn biên chế nhưng kiên quyết không tuyển

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Lã Mạnh Doanh, cho rằng vấn đề 49 GV dạy 13 năm hợp đồng ngắn hạn không vào được biên chế là “vấn đề xã hội” mà lịch sử để lại. Tại thời điểm này, theo chủ trương của tỉnh, chắc chắn 49 giáo viên này sẽ không được tuyển dụng vào biên chế vì bằng cấp của họ là bằng ĐH tại chức.

 

“Không phải chúng tôi phân biệt bằng tại chức hay bằng chính quy, mà vấn đề xã hội bây giờ cần những người thực tài. Nam Định chủ trương kiên quyết không tuyển công chức, viên chức ở hai ngành y tế và Giáo dục”, ông Doanh giải thích.

 

Theo Sở Nội vụ Nam Định, năm 2011 vẫn còn 22 chỉ tiêu viên chức giáo viên tiếng Anh tiểu học. Tuy nhiên, tỉnh không tuyển nữa vì số giáo viên hợp đồng vẫn còn đang dạy tại các trường. Nếu tuyển thì phải ngừng hợp đồng với toàn bộ 49 giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy trên.

Giám đốc sở Nội Vụ Nam Định cũng xài bằng tại chức

“Thông tin giám đốc Sở Nội vụ Nam Định cũng chỉ có bằng ĐH tại chức là chính xác. Tuy nhiên, tại chức thời ông ấy khác với thời nay. Thời ông ấy là đi lên công chức từ nỗ lực phấn đấu của bản thân. Còn 49 trường hợp GV này là không đủ điều kiện thi công chức, viên chức”, ông Lã Mạnh Doanh, Phó giám đốc Sở Nội Vụ Nam Định.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: Đất Việt)