Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

hoc_sinh_qua_mat_giao_vien

Học sinh rất cần người lớn chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình.

 

Vờ đau bụng, giả bệnh, bạn bè cùng phối hợp với nhau để “qua mặt” thầy cô… Trên thực tế, nhiều khi giáo viên phải sống chung với không ít "chiêu" chống đối từ chính những học trò của mình.

Đến giờ là… bệnh

“Cô ơi, con xin phép ra ngoài đi vệ sinh. Con đau bụng”, phải đến lần thứ 3, khi cậu học trò tên Việt cứ vào đầu giờ kiểm tra bài cũ y như rằng lại kêu đau bụng, cô Thủy, giáo viên (GV) dạy Sinh tại một trường THCS ở Q.12 (TPHCM) mới bắt đầu nghi ngờ. Một lần, khi điệp khúc “Con đau bụng” được Việt lặp lại, GV này lấy cớ cần gọi điện thoại để đi theo Việt. Cậu học trò vừa nhăn mặt vì đau đớn giờ đang vắt chân cười hì hì trước cửa tolet và chỉ run rẩy khi GV tiến vào hỏi: “Con đau sao rồi?”.

 

 

Cãi vòng một lúc, học trò này mới thú nhận lâu nay giả vờ đau bụng… để không bị gọi hỏi bài. Cô Thủy điều tra thêm, mới biết Việt cũng dùng “chiêu” này với một số môn học khác. “Đặc biệt, nhiều bạn trong lớp biết học trò này lừa thầy cô vì các em kể “chiến tích” cho nhau và một số em khác cũng đã sử dụng đến chiêu bệnh để “qua mặt” thầy cô”, cô Thủy nói.

 

Chiêu “bệnh” là cách được khá nhiều HS áp dụng khi cần đối phó việc gì đó với GV, nhà trường. Nhiều GV khẳng định, nói các em sợ học là chưa chính xác vì không riêng gì việc bài vở mà nhiều tình huống khác như đi học muộn, lười làm vệ sinh, thể dục… có em vẫn nói dối để đối phó.

 

 

Không chỉ “qua mặt” GV, có HS còn qua mặt phụ huynh bằng nhiều trò khác. Chị Văn Thị Thiện, ngụ ở Q.6 kể rằng, lớp học của cô con gái mình thường xuyên “có vấn đề” như hôm nay thì cô bệnh, ngày mai được nghỉ tiết… để không làm bài tập ở nhà, cũng như dựng ra nhiều chuyện để xin tiền bố mẹ.

 

Đến khi GV mời chị lên làm việc, cháu thường “trốn” kiểm tra bài cũ bằng nhiều cách như bị đau bụng, giả vờ bị thương băng bó ở tay… chị mới biết con mình lừa cả hai chiều. “Lúc tôi nói chuyện với con, cháu nói nhiều bạn khác cũng lừa thầy dối bố mẹ như vậy”, chị Thiện nói.

 

Người mẹ này thẳng thắn, một phần các em không có hứng thú, mệt mỏi với việc học thì một phần có thể bây giờ nhiều trẻ như con chị được cưng chiều quá, bố mẹ đáp ứng mọi yêu cầu nên gặp một chút khó khăn là chán nản, tìm cách đối phó. "Có lẽ tôi cũng phải xem lại cách dạy con của mình", người mẹ cho hay.

Lừa thầy là chuyện nhỏ?

Tại Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp, TPHCM), sân trường có bãi gửi xe đạp cho HS nhưng có hiện tượng lạ… là rất đông HS chỉ “chuộng” gửi xe tại các hàng quán quanh trường dù mỗi lượt gửi các em phải trả 2.000 - 3.000 đồng.

 

Điều tưởng như bất thường này lại hết sức bình thường đối với các HS bởi đó cũng là một “biện pháp” đối phó với nhà trường được nhiều em sử dụng. “Nếu gửi xe trong trường, bọn con muốn bùng tiết đi chơi rất khó. Gửi xe ở ngoài tuy mất tiền nhưng chỉ cần “chuồn” được người ra ngoài là có phương tiện để đi ngay”, em N., HS lớp 8 ngồi tại quán ăn gần trường cho hay. Giờ này lẽ ra N có mặt ở lớp nhưng cậu ngồi đây để chờ nhóm bạn của mình trốn tiết đi chơi.

 

Một HS lớp 12 Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TPHCM) khẳng định, chuyện HS nói dối, dựng chuyện để “qua mặt” thầy cô là hết sức bình thường, không chỉ một mà có khi cả nhóm cùng lên kế hoạch. “Trong những buổi làm bài kiểm tra, hoặc thi cử, bọn em vẫn thường xuyên đưa các dấu hiệu báo cho nhau để biết kết quả, đáp án. Thầy cô muôn đời chẳng thể nào biết mà có biết cũng không làm được gì. Không chỉ trường em mà nhiều trường khác bạn cũng có nhiều cách khác và lan truyền cho nhau”, em này nói.

Mới đây, tại Trường THCS Khánh Hội A và Trường THCS Quang Trung (Q.4, TPHCM), các GV đã thấy nhiều HS ngủ gật bất thường trong giờ học. Tìm hiểu, thầy cô mới phát hiện các em  sử dụng thuốc recotus, một loại thuốc ho có thành phần gây nghiện. Có em ngộ nhận rằng uống thuốc này vào gây hưng phấn, không sợ trả bài, không sợ GV... như một cách để đối phó. Trước đó, tại một số trường học khác ở TPHCM cũng đã phát hiện nhiều HS sử dụng thuốc recotus để trốn trả bài.

 

Cô Trần Thị Minh Thi, hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hội A bày tỏ, ngoài tác hại của thuốc đến sức khỏe mà các em không lường được thì điều đáng lo ngại là HS đều cho rằng hành vi của mình là “chuyện nhỏ”.

Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Văn Ca, phó trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện 175, học trò cấp 2, cấp 3 cũng là giai đoạn “chuyển giao” từ trẻ con sang người lớn nên suy nghĩ, cách hành xử rất phức tạp. Tuổi này, trẻ thích khám phá những điều mới lạ, nên cách “đối phó” người lớn, uống thuốc gây nghiện, bỏ học... với các em có thể cũng là một sự “khám phá” và trải nghiệm cảm giác đối đầu với mạo hiểm.

 

Giai đoạn này, trẻ thường phản đối kịch liệt những nguyên tắc của người lớn, thử theo cách suy nghĩ logic mới của bản thân. Trẻ rất chú trọng quan hệ bạn bè nên cũng dễ bắt chước nhau một cách mù quáng. Tuổi dậy thì, do có nhiều mối quan tâm nên học trò rất dễ bỏ bê, chán chường việc học là vì vậy.

 

Theo BS Ca, đây là những hành vi mang tính "nguy hiểm" trong những dấu hiệu của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, người lớn khoan đã vội phê phán, quy kết hành vi của trẻ mà phải cần phải nắm bắt được tâm lý lứa tuổi. Trên cơ sở đó cần phân tích, định hướng cho các em những suy nghĩ, hành vi phù hợp bằng cách cư xử đầy chia sẻ và thông cảm - đây là điều ở lứa tuổi các em cần nhất từ thầy cô, bố mẹ.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (dantri)


Bài: Chiêu trò của học sinh qua mặt giáo viên