Chính sách ưu tiên chưa hợp lý

Chính sách ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh thuộc 62 huyện nghèo vừa thực hiện được một năm bộc lộ những bất cập đối với cả phía trường ĐH, CĐ và học sinh.

Theo nhận định của lãnh đạo nhiều trường ĐH và các sở GD-ĐT, đây là một chính sách hay. Thế nhưng đến nay, việc thực hiện còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất và chưa đến nơi đến chốn vì Bộ không có những hướng dẫn, quy định cụ thể.

Chính vì vậy bên cạnh những trường chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT như quy định, không ít trường đưa ra những điều kiện khác khiến không phải thí sinh nào cũng đáp ứng được.

Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ ưu tiên xét tuyển những thí sinh là học sinh giỏi 3 năm THPT và tốt nghiệp loại giỏi. Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương cũng ra điều kiện thí sinh có học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi, đồng thời nhận không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2013. Trường ĐH Kinh tế quốc dân yêu cầu thí sinh phải có điểm tổng kết từng năm THPT từ 7 trở lên, trong đó 3 môn học lớp 12 tương ứng với 3 môn thi tuyển vào trường, mỗi môn phải đạt điểm 7 trở lên và mỗi huyện tuyển không quá một chỉ tiêu, không xét vào ngành tài chính ngân hàng và kế toán…

Một số trường như Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân y, ĐH Y Thái Bình, Học viện Bưu chính Viễn thông... không xét tuyển thẳng đối tượng này, kể cả học sinh giỏi. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, giải thích: “Để đảm bảo có đội ngũ y bác sĩ giỏi trong tương lai, trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt học sinh giỏi quốc tế và ưu tiên xét tuyển thí sinh đoạt giải quốc gia”.

Đối tượng này có đủ kiến thức để theo học các chương trình khó?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng lý giải: “Đầu vào của trường năm nào cũng từ mức 19-19,5 điểm nên nếu nhận, chúng tôi e rằng các em khó có thể đáp ứng được chương trình học. Trường cũng không thể hạ thấp chuẩn, vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo”.

Nhận định về tình trạng này, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nêu: “Ở đây có sự mâu thuẫn giữa thực hiện chính sách với việc đảm bảo chất lượng đầu vào. Với quyền tự chủ của mình, các trường đề ra điều kiện xét tuyển, thậm chí từ chối, cũng là điều hợp lý. Nhưng điều này lại sai vì không làm theo quy chế. Do đó, nếu muốn thực thi đến nơi đến chốn, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể. Những ngành nào, trường nào khống chế chỉ tiêu, đưa ra điều kiện. Ngành nào, trường phải nhận để góp phần đào tạo nhân lực cho địa phương. Tránh tình trạng nhiều học sinh giỏi vẫn không được ưu tiên xét, trong khi học sinh trung bình vẫn có khả năng được xét”.

 

Bạn cần biết:

Mở rộng ưu tiên xét tuyển đối với huyện nghèo

Điều kiện xét tuyển khắt khe với thí sinh huyện nghèo

 

Kenhtuyensinh

Theo: Thanhnien