Tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ Việt

Một nghiên cứu gần đây về sự phát triển trí não của trẻ cho thấy khả năng giao tiếp, khả năng biết tự kiểm soát, thể hiện các cảm giác của mình, biết cách ứng xử phù hợp và biết tự cách giải quyết các vấn đề cơ bản một cách tự lập rất quan trong đối với trẻ.  Chính vì vậy, việc đi sâu lồng ghép dạy kỹ năng sống cho trẻ phù hợp với từng  độ tuổi từ lứa tuổi mầm non vô cùng cần thiết.

Kỹ năng sống của trẻ bao gồm rất nhiều kỹ năng : Kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng vệ sinh, kỹ năng thích nghi với môi trường sống, kỹ năng hợp tác chia sẻ..

Dạy kỹ năng sống cho trẻ là truyền cho trẻ những kinh nghiệm sống của người lớn. Nhằm giúp trẻ có những kỹ năng đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Trẻ biết vận dụng, biến những kiến thức của mình để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống cho phù hợp.

4 kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em Việt Nam

1. Kỹ năng làm việc theo nhóm

Kỹ năng làm việc theo nhóm càng quan trọng khi loài người bước vào nền kinh tế tri thức. Người Việt có chỉ số thông minh cao, điều này đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, trái ngược với tính thông minh, kỹ năng xử lý tình huống của người Việt lại rất hạn chế, mang nặng tâm lý tiểu nông, chỉ biết riêng mình.

Vì thế kỹ năng này cần được giáo dục ngay từ khi trẻ còn học mẫu giáo. Cần hình thành các trò chơi sao cho giáo viên có thể chia các cháu thành nhóm, tạo sự đoàn kết và thi đua giữa các nhóm. Hình thức thi thể dục nhịp điệu của học sinh phổ thông ở Mỹ là một cách dạy làm việc theo nhóm rất hiệu quả. Nếu để ý kỹ sẽ thấy các vũ công múa nước ta dù ở những đơn vị chuyên nghiệp cũng chẳng bao giờ múa đều như nước ngoài, tay chân vung lên thế nào cũng có người lệch lạc.

2. Kỹ năng cảm nhận

Một nhận xét thật chua chát, rằng giới trẻ hiện nay “chỉ cảm nhận được cái đẹp của mì tôm” đã nói lên phần nào thực trạng mà giáo dục mang lại cho thanh thiếu niên. Nhiều người đang sống hoàn toàn vô cảm trước thực trạng xã hội, trước những nét đẹp cần được tôn vinh.

Ở tuổi mẫu giáo không thể bắt các cháu cảm nhận những gì trừu tượng, nhưng chỉ cần với ba bông hoa hồng ba màu trắng, đỏ, vàng là đã có thể để các cháu nêu quan điểm yêu thích của mình. Những năm cuối THCS và sang THPT khi trí tuệ và thể chất phát triển hãy yêu cầu mức cảm nhận cao hơn như bình luận cái hay, cái đẹp của câu thơ, bức ảnh, bài văn hay một sự kiện…

3. Kỹ năng tự lập (kỹ năng sống đơn lẻ)

Một số người ngại đề cập đến kỹ năng này vì sợ sẽ khuyến khích thói ích kỷ, tham lam của người học. Lo ngại như vậy là có cơ sở song không vì thế mà không giáo dục trẻ kỹ năng này.

Người Mỹ dạy cho trẻ các kỹ năng tự lập khi các cháu được 18 tháng tuổi, nghĩa là khi lẫm chẫm biết đi, khi ngã các cháu phải tự đứng dậy, cô giáo và bố mẹ không vội vàng bế con lên suýt xoa sợ con đau.  Kỹ năng tự lập giúp trẻ hình thành thói quen độc lập giải quyết sự việc nhờ thế các cháu sẽ có cảm giác thích thú, tự hào về sự thành công, không phải chỉ lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích  cho chính những người lớn.

4. Kỹ năng giao tiếp ứng xử

Giáo dục kỹ năng sống đương nhiên không tách rời kỹ năng giao tiếp, hành xử. Có nhận xét tuy tiêu cực nhưng đúng với thực tế, rằng ngôn ngữ giao tiếp của người Việt không có từ “xin lỗi”, “cảm ơn”. Những đưa bé phạm lỗi, khi buộc phải xin lỗi thường nói lý nhí trong miệng, không muốn nói to, đó là bản năng tự nhiên. Còn người lớn, khi ngăn một người lại để hỏi đường thường chẳng bao giờ nói đủ câu: “xin lỗi, xin bác chỉ giùm lối đi đến…”. Dạy trẻ cách xin lỗi thì cũng phải kèm theo hình thức động viên, chẳng hạn khi một trẻ xin lỗi thì cả lớp hoan hô, lúc đó trẻ sẽ không thấy việc xin lỗi là một hình phạt, sẽ thấy xin lỗi là điều bình thường.

Dạy kỹ năng sống cho trẻ qua các tình huống phổ biến trong đời sống

Đây là phương pháp dạy kỹ năng sống khá hiệu quả mà các bậc cha mẹ cần lưu ý và rèn luyện hàng ngày với con trẻ. Dưới đây là một số tình huống hay gặp trong đời sống mà nếu không dạy bé cách ứng phó thì có thể gặp nguy hiểm:

“Khi bé bị lạc mẹ trong siêu thị - bé sẽ làm gì ?

Bạn nên cho trẻ suy nghĩ,  mỗi trẻ đưa ra một cách giải quyết của riêng trẻ. Lắng nghe ý kiến của trẻ, cho trẻ suy nghĩ và trả lời  theo ý kiến của mình, gợi mở cho trẻ bằng các câu hỏi :

Theo con làm như vậy có được không? Tại sao? Sau đó, bạn sẽ rút ra phương án tối ưu nhất :

Khi bị lạc mẹ, bé hãy bình tĩnh,  không khóc và chạy lung tung mà hãy đứng yên tại chỗ chờ. Vì bố, mẹ sẽ quay lại chỗ đó để tìm bé. Hoặc bé có thể  đến chỗ chú bảo vệ, cô nhân viên bán hàng trong siêu thị  ở gần chỗ đó để  nhờ gọi điện thoại, hoặc thông báo lên loa để tìm bố mẹ. Tuyệt đối không đi theo người lạ dù người đó có hứa sẽ đưa về với bố mẹ. Vì có thể đó sẽ là  kẻ xấu lợi dụng cơ hội đó bắt cóc hoặc làm hại bé.

Các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em Việt NamCác kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em Việt Nam

“ Nếu có người không quen biết cho bé quà bé nên làm như thế nào ?

Ở tình huống này, với lứa tuổi của trẻ  trên thực tế trẻ  rất thích khi được cho quà  và sẽ không  biết tại sao không được nhận.

Khi trẻ thảo luận, tôi đưa ra những giả thiết, những tình huống xấu “ Nếu đó là kẻ xấu thì sẽ rất nguy hiểm cho bé”.  Nên phân tích, giải thích cho trẻ và giúp trẻ có phương án giải quyết đó là :

Tuyệt đối không nhận quà, ăn bánh kẹo của người lạ vì có thể bị người xấu tẩm thuốc mê và  trúng mưu của kẻ xấu. Khi gặp trường hợp này bé nên nói “ Cháu cám ơn, nhưng bố mẹ cháu không cho nhận quà của người lạ”.

“ Nếu con đang ở nhà một mình, có người đến gọi mở cửa con sẽ làm gì ?

Nên cho trẻ nói suy nghĩ, cách giải quyết của mình. Trong khi thảo luận với trẻ, bạn nên gợi mở: cũng có trường hợp kẻ xấu có thể gây hại cho bé hoặc lấy trộm đồ của gia đình cũng chính là  người thu tiền điện, nước hoặc chính là người quen biết với bố mẹ bé để giúp trẻ suy đoán tìm cách giải quyết. Sau đó cô giúp trẻ rút ra phương án tối ưu nhất trong trường hợp này :

Tuyệt đối không mở cửa,  kể cả đó có thể là người quen của bố mẹ, người thu tiền điện, nước. Nếu có người lớn ở trên gác chưa biết thì gọi xuống , còn nếu không có ai ở nhà thì hẹn họ nhắn lại gì hoặc tối đến gặp bố mẹ.

“ Nếu bé thấy có khói, hoặc cháy ở đâu đó bé sẽ phải làm thế nào?”

Qua tình huống này nên dạy trẻ :

Khi thấy có  khói hoặc cháy ở đâu, trước hết bé  phải chạy xa chỗ cháy, Hãy hét to để báo với người nhà và những người xung quang có thể nghe thấy. Nếu không có người ở nhà thì chạy báo cho hàng xóm.

Những sai lầm cần tránh khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non

1. Không nói cho trẻ biết tại sao trẻ nên làm như vậy

Khi ở vào giai đoạn tuổi mầm non, bản thân trẻ đã bắt đầu nhận thức được những vấn đề xung quanh nên khi dạy kỹ năng sống cho trẻ, giáo viên nên giải thích cho các em hiểu lý do tại sao nên làm những điều đó hay những lợi ích mà các em có thể nhận được khi trang bị cho mình những kỹ năng này. Khi giải thích cho trẻ, chúng ta nên nhẹ nhàng để trẻ thấy được thiện chí và dễ dàng nghe theo.

Không trẻ nào thích bị áp đặt suy nghĩ phải làm gì nên nếu cứ tiếp tục ép buộc thì chúng ta sẽ chỉ nhận được sự phản kháng và tác dụng ngược lại từ trẻ mà thôi.

2. Chỉ dạy trẻ kỹ năng mềm dựa trên lý thuyết

Học thì phải đi đôi với thực hành nên khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non, bạn nên tạo ra các tình huống giả định để các em có cơ hội ôn tập và luyện lại những kiến thức và kỹ năng đã được học.

Giai đoạn này trẻ tiếp thu nhanh nhưng cũng rất dễ quên nên sau mỗi bài học, cha mẹ nên cho trẻ cơ hội thực hành nhiều lần và tiếp tục nhắc lại nội dung đã học trong những bài dạy tiếp theo để trẻ ghi nhớ.

3. Thiếu kiên nhẫn khi dạy trẻ

Dạy các em ở giai đoạn đầu đời là một quá trình lâu dài nên các thầy cô cần có tính kiên trì và nhẫn nại. Đã có rất nhiều giáo viên thất bại khi dạy các kỹ năng sống cho trẻ mầm non chỉ vì các em quá hiếu động trong quá trình học, lượng kiến thức tiếp thu của trẻ so với lượng kiến thức các giáo viên giảng dạy chênh lệch không ít.

Trước tình huống này, các thầy cô nên tự mình làm chủ cảm xúc, lường trước những khó khăn sẽ gặp phải khi dạy trẻ, từ đó có các phương thức giải quyết phù hợp và tương ứng, tránh để mình bị động khi lớp học diễn ra không như ý muốn.

4. Bản thân không làm gương cho trẻ

Rất nhiều người dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non nhưng bản thân lại không tuân thủ theo các bài học của chính mình. Khi trẻ nhận thức được điều này thì các em cũng sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi về nội dung đã được truyền tải. Cha mẹ phải là người tiên phong, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo, chính vì vậy hãy luôn chú ý đến mọi lời nói và hành động của mình mọi lúc mọi nơi.

Kết luận:

Kỹ năng sống là điều quan trọng mà mọi cha mẹ cần chú ý để hình thành và rèn luyện cho trẻ ngay từ nhỏ. Có được kỹ năng sống cần thiết, trẻ sẽ lớn lên tự tin, khỏe mạnh và dễ dàng thành công hơn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý tránh những sai lầm trong khi dạy kỹ năng sống cho trẻ như bài trên. Đồng thời, bạn cần làm tấm gương tốt cho trẻ học tập. Có như vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mới thành công. Theo dõi thêm kenhtuyensinh để đọc thêm nhiều bài học về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tự tin, kỹ năng lập kế hoạch cho trẻ em,...

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng sống, dạy kỹ năng sống, kỹ năng sống cho trẻ em, phương pháp dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng cho trẻ em Việt, vai trò của kỹ năng sống, kỹ năng sống cho trẻ mầm non.