Năm học 2018 - 2019, một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Giáo dục ưu tiên triển khai là chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là nhiệm vụ nặng nề, không chỉ đòi hỏi toàn ngành Giáo dục phải nỗ lực tập trung toàn bộ nguồn lực để thực hiện mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương.
> Ai chịu trách nhiệm về sai phạm của sách "Công nghệ giáo dục"
> Trường học ngổn ngang trước mùa tựu trường
Quyết liệt và đồng bộ
Chuẩn bị cho chương trình mới là một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm của ngành Giáo dục, đã được thực hiện hết sức công phu, bài bản từ năm 2015. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Ban soạn thảo xây dựng Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và lấy ý kiến rất nhiều tầng lớp nhân dân, các thầy cô giáo, các tổ chức khoa học công nghệ, các tổ chức nghiệp đoàn... Đến nay, chương trình tổng thể và chương trình các môn học về cơ bản đáp ứng được yêu cầu; Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành với tinh thần cố gắng đảm bảo chất lượng và theo thời gian quy định trong Nghị quyết Quốc hội.
Tuy nhiên, điều lo lắng trước khi triển khai Chương trình mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp - hai điều kiện không thuộc quyết định của Bộ GD&ĐT. Chương trình có tốt đến mấy thì vẫn phải qua người thực hiện là đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý và cơ sở vật chất để triển khai. Đặc biệt, lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực. Chương trình của Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị rất kĩ theo phát triển phẩm chất, năng lực; đội ngũ giáo viên cũng cần được bồi dưỡng để tiếp cận với phương pháp mới.
Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1, theo lộ trình cần đảm bảo dạy học 2 buổi/ ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ ngày. Đây cũng là một khó khăn, thách thức khi triển khai Chương trình mới.
Điều kiện triển khai Chương trình mới, liên quan đến đội ngũ giáo viên phụ thuộc Bộ Nội vụ thì vấn đề cơ sở vật chất lại phụ thuộc nhiều vào Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; người thực hiện lại là các địa phương theo phân cấp. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chương trình, về chất lượng, về các chuẩn, quy chuẩn và thanh tra kiểm tra; nhưng về tổ chức thực hiện, điều kiện lại liên quan đến các bộ ngành khác.
Chính bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; trong đó, phân công rất rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT; UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và các bộ, ngành cơ quan liên quan trong việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội.
Các địa phương vào cuộc
Tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra 5 mục tiêu trong Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh. Một trong số đó là giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình SGK mới, nhất là đối với lớp 1.
Với chủ đề năm học “Giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục”, năm học 2018 - 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu ngành Giáo dục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó có việc hoàn thiện rà soát đội ngũ giáo viên trong toàn ngành, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Lựa chọn chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy các chương trình đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho 100% giáo viên được phân công dạy theo Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT; ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1,...
Tại Ninh Bình, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT, tham mưu xây dựng kế hoạch của tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Chuẩn bị tốt các điều kiện, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình mới, nhất là với lớp 1. Đồng thời, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo ngân sách, cân đối nguồn lực cho công tác GD&ĐT; tham mưu tăng cường đầu tư kinh phí bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới...
Theo Giáo dục và Thời đại - Kênh Tuyển Sinh
> Mùa tựu trường vất vả vì mưa lũ kéo dài
> Thành tích học tập "khủng" của nhà tân vô địch Olympia 2018