Một số trường phổ thông tại TP.HCM đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường để dạy học và rèn luyện lòng yêu nước, tự hào dân tộc... cho học sinh.

Có nên cho lùi giờ vào học của học sinh?

Có nên cho lùi giờ vào học của học sinh?

Cần lùi giờ vào học để học sinh có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đủ giấc, đủ bữa, vì sự phát triển trí tuệ, chiều cao của các em.

Cuối tháng 9/2022, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TP.HCM) khi học sinh lớp 10A4 đang trong tiết học lịch sử. Tiết học diễn ra trong không khí lắng đọng.
Giáo viên say mê trước kho tư liệu sống động dẫn dắt học sinh tìm hiểu quá trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở trường.

1. Như Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở đây được đưa vào hoạt động từ ngày 19/5/2022, nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên ngoài phòng gắn tấm biển "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" và được trang trí bằng dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam" cùng những bông hoa sen tươi thắm.
Phòng có hai cửa ra vào, rộng ước chừng 100m2 và được đặt trang trọng ở tầng 2 của trường, cạnh thư viện. Bên trong chia thành năm không gian tư liệu: "Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bước tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê Nin và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam", "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức, lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa", "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức lãnh đạo giữ vững chính quyền cách mạng và công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước", "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và "Tủ sách Bác Hồ".
Điều đặc biệt là trong phòng có bàn ghế cho học sinh như một lớp học với bục giảng, hệ thống loa, radio... Theo nhà trường, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được sắp xếp và bài trí như Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ.
Những tư liệu và hiện vật tại phòng được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường cùng với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân dưới sự hướng dẫn chọn lọc của Ban tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức để có sự chính xác về tư liệu lịch sử.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học - Ảnh 1

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở đây được đưa vào hoạt động từ ngày 19/5/2022, nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

2. Lan tỏa lớn

Cô Hoàng Thị Hảo - hiệu trưởng nhà trường - cho biết sau gần năm tháng mở cửa, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường đã đón tiếp hơn 5.000 lượt học sinh học tập và hơn 500 lượt tham quan, học tập từ các chi bộ, Đảng bộ trường khác.
"Điều đáng nói là từ khi có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thầy trò có cách nhìn mới, khái quát, sâu sắc hơn về cuộc đời sự nghiệp của Người. Trước đó, học sinh có học nhưng vẫn là những bài học, sự kiện riêng lẻ nên tính khái quát và quy tụ không cao như hiện nay.
Không gian văn hóa cũng bồi dưỡng thêm cho các em về lòng yêu nước, sự sáng tạo khi trường tổ chức cho học sinh thi viết cảm nhận, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đông đảo học sinh hưởng ứng. Những tác phẩm này sau đó được trưng bày trong không gian học tập, làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh... nên có sự lan tỏa lớn" - cô Hoàng Thị Hảo nói.
Chia sẻ về những tiết dạy của mình tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thầy Hoàng Ngọc Lữ - giáo viên môn lịch sử - nhấn mạnh: "Trong không gian trực quan sinh động này, thầy trò chúng tôi có tâm thế, cảm nhận khác với những buổi học tại lớp. Tôi thấy mình đang được dẫn học sinh đến với một di tích lịch sử để dạy học sinh cảm nhận chân thực về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Em Trần Hoàng Đăng Khoa - học sinh lớp 10A4 - kể: "Em đi qua phòng nhiều lần và thấy các anh chị lớp 11, 12 được vào học tại phòng đã rất thích rồi. Nhưng khi được ngồi học trực tiếp ở phòng này là một sự cảm nhận khác biệt. Không gian thoáng mát, em tha hồ phóng tầm mắt của mình vào những bức tranh và có thể hình dung cuộc đời của Bác Hồ qua những tư liệu quý mà trên mạng xã hội tìm cũng không có".
Cô Hoàng Thị Hảo cho biết thêm tất cả học sinh của trường đều được học các tiết giáo dục địa phương, lịch sử, quốc phòng an ninh và những buổi sinh hoạt gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học - Ảnh 2

Học sinh trong tiết học lịch sử tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở trường 

3. Học sinh háo hức với lịch sử

Tại Trường THCS Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP.HCM), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là khu vực hội trường được cải tạo lại nên rộng rãi hơn với khoảng 200 chỗ ngồi.
Ngoài những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường còn nhấn mạnh đến hoạt động của Bác Hồ với thiếu nhi.
Ở đây dành một không gian để kết nối với các di tích lịch sử, các địa danh tại TP Thủ Đức và trưng bày các sản phẩm mà học sinh Trường THCS Bình Chiểu thực hiện.
Khai trương tháng 9/2022, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã đón nhiều lớp học sinh học các tiết ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Cô Vũ Kim Vân - tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THCS Bình Chiểu - cho hay từ ngày trường tạo lập Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học sinh háo hức với môn lịch sử hơn và giáo viên dễ tạo cảm hứng học tập cho học sinh hơn trước.
"Các em được đóng góp tranh, ảnh, hiện vật, sáng tác, kể những câu chuyện liên quan về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ nên háo hức lắm. Được trực quan sinh động giúp trí tò mò của học sinh rộng mở, bài học dễ thấm, thú vị, chân thực hơn rất nhiều so với những tiết dạy thuần túy khác" - cô Vũ Kim Vân bộc bạch.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học - Ảnh 3

Ngoài những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường còn nhấn mạnh đến hoạt động của Bác Hồ với thiếu nhi

Phạm Bá Quân - học sinh lớp 8A5, Trường THCS Bình Chiểu - cho biết em rất thích những buổi học tại đây vì lần nào cũng khám phá ra nhiều điều mới lạ.
"Đến đây, em hình dung rõ về cuộc đời của Bác Hồ. Em cũng thấy các bạn trong trường giỏi quá, có nhiều tác phẩm và sản phẩm đóng góp cho phòng. Em cũng mong muốn làm những việc đẹp như các bạn", Bá Quân chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Anh Thư - hiệu trưởng Trường THCS Bình Chiểu - cho biết do trường sử dụng hội trường, diện tích rộng làm nơi để tổ chức Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên khi có tiết học tại đây thì học sinh trong một lớp có thể tham gia đầy đủ cùng lúc.
Trường mong muốn sẽ có thêm nhiều tư liệu quý cho Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, trường sẽ bổ túc thêm vào không gian một mảng nữa là "Bác Hồ với thơ ca".

> Lý giải về cách viết tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa mới

> Nhiều GV mong môn Vật lý, Hoá học, Sinh học được trả về đúng vị trí của nó

Theo báo Tuổi Trẻ