Các chương trình cho sinh viên vay của chính phủ và trường tại Úc
Hiện nay, chính phủ Úc đang có nhiều hình thức hỗ trợ tài chính nhằm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học.
Các hình thức hỗ trợ của chính phủ Úc
1. Vay vốn sinh viên
Chương trình vay vốn sinh viên ICL là hình thức cho sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập, trong đó lộ trình thanh toán của người vay chỉ bắt đầu sau khi họ kết thúc chương trình học tập cơ bản. Số tiền thanh toán hàng tháng cũng linh hoạt dao động ở mức đảm bảo cho người vay có thể chi trả một cách thoải mái với thu nhập thực tế.
2. Chương trình HELP
Vay để đóng học phí hay được miễn học phí ở một số ngành.
3. Trợ cấp để sinh viên chi tiêu sinh hoạt phí
Có 3 loại hình thức hỗ trợ:
- Austudy là chương trình dành cho những người trên 25 tuổi
- Youth Allowance (trợ cấp Thanh Thiếu Niên) dành cho những người từ 16-24 tuổi
- Abstudy chỉ dành cho những người thổ dân Úc và không phân biệt tuổi tác.
Những chương trình này chủ yếu giúp đỡ về mặt tài chính cho những sinh viên theo học toàn thời gian (full time) một khóa học hay những người đang học nghề toàn thời gian. Mỗi một hình thức có mức tiền trợ cấp khác nhau. Nhìn chung, chúng đều tùy thuộc vào mức thu nhập (income) và tài sản (assets) của người xin trợ cấp và những người trong gia đình có liên quan như người vợ/chồng hay bố mẹ.
Điều kiện để được vay vốn
Để nhận được sự giúp đỡ này, bạn phải là một công dân Úc, hay người đã có thường trú tại Úc trên 2 năm (104 tuần) hoặc cũng có thể là một công dân New Zealand đang theo học tại Úc. Như vây, đối với sinh viên có visa du học Úc sẽ không nằm trong diện này.
Ngoài ra bạn còn phải theo học một khóa học toàn thời gian hoặc đang trong quá trình vừa học vừa làm nghề.
Các chương trình cho sinh viên vay của chính phủ và trường tại Úc
Quy trình để được vay từ chính phủ Úc:
- Nộp đơn: Sử dụng trang web Centrelink hay gửi qua mạng Internet sau khi đã điền đơn đầy đủ. Gửi qua mạng được xem là cách nhanh nhất vì tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, bạn cần soát lại kỹ trước khi thực hiện lệnh gửi.
- Tiếp theo, bạn sẽ được hẹn đến phỏng vấn: Khi tới phỏng vấn bạn phải mang đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh bạn đủ tiêu chuẩn để được hưởng trợ cấp của chính phủ. Khách hàng phải trình ít nhất là bản gốc giấy khai sinh tại Úc hoặc hộ chiếu có visa định cư hợp lệ hoặc giấy chứng nhận nhập tịch Úc. Những tài liệu trên sẽ không được tính vào ‘số điểm’ phải có để được khoản tiền trợ cấp hay dịch vụ.
- Ngoài ra bạn cần phải cung cấp một số giấy tờ được chấp nhận để lấy số điểm từ 100 trở lên như bằng lái xe (40 điểm), bản báo cáo tài chính cá nhân (bank statement) (40 điểm), thẻ sinh viên (20 điểm), giấy đăng ký ôtô (20 điểm)… Lúc đó, bạn sẽ được nhận trợ cấp. Muốn biết chi tiết hơn, trong trang web có một văn bản dưới dạng pdf ghi rõ những tài liệu nào bạn cần nộp cho Centrelink, đồng thời nêu số điểm của từng loại giấy tờ.
Các lưu ý quan trọng khi vay của chính phủ Úc
Được lựa chọn ngày nhận tiền và không bị tính lãi
Khi được nhận phụ cấp, người đi học sẽ được hưởng một số quyền lợi để giúp họ đủ chi trả cho cuộc sống của mình trong thời gian đi học. Tiền trợ cấp được trả hai tuần một lần và chuyển vào tài khoản cá nhân. Thông thường, người xin trợ cấp được lựa chọn ngày nhận tiền (hay còn gọi là ngày lĩnh trợ cấp). Trong trường hợp khó khăn về tài chính, Centrelink có thể thu xếp để người đi học được nhận tiền sớm hơn hai tuần. Số tiền này được trả dần và không bị tính lãi.
Các yếu tố để tính số tiền được vay:
- Thứ nhất, thu nhập và tài sản của người xin trợ cấp phải dưới mức quy định.
- Tình trạng hôn nhân là yếu tố thứ hai quyết định số tiền họ được lĩnh.
- Con cái cũng đóng một phần khá quan trọng vào việc hưởng tiền trợ cấp. Ví dụ nếu như bạn ‘ăn’ trợ cấp Thanh Thiếu Niên, lập gia đình nhưng chưa có con thì chỉ được lĩnh 348.10 đô la Úc cho hai tuần nhưng nếu có con thì bạn lại được hưởng 382.20 đô la Úc.
- Yếu tố cuối cùng là bạn phải là sinh viên được nhận sự hỗ trợ tài chính lâu dài từ chính phủ (a long-term income support student).
Thẻ Y tế có thể giúp bạn tiết kiệm
Thẻ Y Tế (Health Care Card) giúp bạn có thể tiết kiệm được tiền mua thuốc theo đơn của bác sỹ hoặc được giảm giá một số dịch vụ khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nộp tiền điện… Bạn sẽ được hưởng phụ cấp thuê nhà (Rent assistance) nếu thuê nhà tư nhân theo giá cả thị trường.
Tuy nhiên trong trường hợp bạn nhận trợ cấp Austudy hay ở nhà riêng, hoặc đang ở với bố mẹ thì đương nhiên bạn sẽ không được nhận khoản tiền trợ cấp này. Bạn cần phải chứng minh việc trả tiền thuê nhà của mình bằng hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Phụ cấp thuốc men (Pharmaceutical Allowance) giúp bạn giảm chi phí thuốc men theo đơn kê của bác sỹ, nhưng những loại thuốc này phải nằm trong Danh mục Thuốc men Phụ cấp(Pharmaceutical Benefits Scheme). Ngoài ra, bạn có thể được hỗ trợ tiền đi lại (Fares Allowance) dành cho hai chuyến thăm nhà hàng năm trong trường hợp bạn học xa nhà. Phụ cấp này cũng có thể dành cho vợ/ chồng hay con cái, bố hoặc mẹ.
Đòi hỏi tinh thần tự giác cao
Thông thường, khi có bất cứ một thay đổi gì như địa chỉ nơi ở, ngừng không đi học, đi làm thêm có thu nhập… bạn phải có trách nhiệm thông báo ngay cho Centrelink trong vòng 14 ngày để khẳng định số tiền đang nhận được có còn hợp lệ hay không. Trong thời gian nhận trợ cấp, nếu bạn hay vợ/chồng đi làm, bạn cần phải thông báo ngay cho Centrelink biết. Centrelink sẽ gửi một bức thư yêu cầu bạn (hay những người liên quan như vợ/chồng, bố mẹ) phải báo cáo số tiền kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định. Cứ hai tuần một lần, bạn phải nộp bảng thông báo lương (pay slip) cho Centrelink. Tiền trợ cấp của bạn chỉ được trả khi Centrelink có được bảng thông báo lương.Trong trường hợp vi phạm, bạn có thể sẽ phải hoàn trả một phần hay toàn bộ tiền trợ cấp. Bài viết này nhằm mục đích đưa thông tin chung tới người đọc. Muốn biết thêm chi tiết về các chương trình hỗ trợ tài chính cho người đi học, bạn hãy liên hệ trực tiếp với Centrelink gần nhất hay truy cập vào website của Centrelink theo địa chỉ http://www.centrelink.gov.au/. Trong trường hợp cần người phiên dịch, Centrelink cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn.
Vậy sinh viên du học Úc có thể vay được không?
Có thể nói, sinh viên du học Úc muốn vay tiền Chính phủ Úc để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt là rất khó. Tuy nhiên, ở Úc, có khá nhiều trường cung cấp các khoản trợ giúp cho những sinh viên đủ điều kiện thông qua Đề án cho vay. Bạn có thể tham khảo một số trường như sau:
1. Trường Tây Úc
Ví dụ như University of Western Australia (UWA) cung cấp 2 hình thức cho sinh viên quốc tế vay như sau:
- Khoản vay cho mục đích chung: dành cho các chi phí du học Úc cần thiết liên quan đến việc học (nghiên cứu) và các chi phí sinh hoạt, đặt biệt trong trường hợp việc học có thể bị ngừng vì sinh viên không đủ khả năng đáp ứng chi phí. Sinh viên yêu cầu 1 người đồng ký tên cho khoản vay và các khoản vay này nên được trả đủ trước kỳ kết thúc khóa học hiện tại tại UWA.
- Khoản vay ngắn hạn: Không cần người bảo lãnh. Khoản vay này được yêu cầu khi có trường hợp bất ngờ, khẩn cấp.
2. Trường Southern Queensland
University of Southern Queensland cung cấp khoản vay Emergency Loans (EL) cho sinh viên quốc tế để chi trả cho các chi phí sinh hoạt thường ngày như thực phẩm và y tế.
3. Các trường khác
Bên cạnh đó một số trường còn có chính sách cho sinh viên của trường vay vốn và sinh viên sẽ trả lại bằng cách làm thêm những việc của trường và không được trả lương trong những ngày nghỉ và cuối tuần. Số tiền vay từ 20-40% học phí ( theo tư liệu của trường New South Wales).
Tìm hiểu thêm về chính sách ICL của các nước trên Thế giới
-
Úc
Úc là nước đầu tiên áp dụng ICL trên diện rộng. Năm 1989, mức học phí áp dụng cho Sinh viên Đại học tại đây là 1.800 USD/năm học. Tuy nhiên Sinh viên có thể hoãn việc đóng học phí này cho đến khi ra trường, và có thu nhập nhất định.
-
New Zealand
Quốc gia này áp dụng ICL từ 1992. Tại New Zealand, Sinh viên được vay số tiền không chỉ để trang trải học phí mà còn bao gồm sinh hoạt phí trong thời gian học Đại học.
-
Mỹ
Tại Mỹ, Đại học Tư thục hàng đầu thế giờ Yale đã bắt đầu áp dụng chương trình ICL khi chưa có nơi nào trên thế giới bắt đầu. Rất tiếc chương trình này tại Mỹ lại không đạt hiệu quả như mong đợi và sau đó được thay thế bằng chương trình cho vay thế chấp như trước kia. Đến những năm 1990, ICL được áp dụng lại trên nước Úc dưới dạng một chương trình cho vay của chính phủ. Sinh viên Úc có thể lựa chọn đăng ký vay tín chấp trả nợ sau hoặc vay thế chấp như thông thường. Số tiền cho vay không cố định mà phụ thuộc vào từng trường hợp với những điều kiện cụ thể. Số tiền trả hàng tháng linh động theo mức thu nhập và số lượng con nhỏ của người vay sau khi ra trường. Đặc biệt, khoản nợ sẽ được xóa nếu sau 25 năm người vay vẫn chưa chi trả hết.
-
Anh
ICL tại Anh được áp dụng từ 1999 và người vay thực hiện trả nợ trực tiếp qua thuế thu nhập của họ sau này. Lãi suất được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (Tại Úc, lãi suất tính theo tỉ lệ lạm phát, còn New Zealand cố định lãi suất ở mức 7%/năm). Theo quy định, người vay chỉ bắt đầu trả nợ khi thu nhập đạt mức 15,000 bảng/ năm.
-
Việt Nam
ICL được bắt đầu từ 2007 với tên gọi Chương trình 157, mức vay ban đầu từ 0.8 triệu/ tháng (8 triệu/ năm học), sau đó được nâng lên 1.1 triệu/ tháng (11 triệu/ năm). Tuy nhiên, mức vay này về thực tế được cho là khá thấp so với chi phí trong quá trình học tập Đại học của Sinh viên. Gần như với sự hỗ trợ này, gia đình Sinh viên vẫn phải trang trải từ 70% chi phí trong thời gian con em đang học Đại học.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, visa du hoc Uc, việc làm thêm khi chọn du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các trung tâm tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.