Quy trình nộp hồ sơ vào các trường ĐH Bắc Mỹ khi du học Mỹ
1.Tìm hiểu yêu cầu nhập học: Tìm hiểu từ các trang web tuyển sinh của trường đại học Bắc Mỹ bạn muốn xin vào để biết yêu cầu nhập học dành riêng cho sinh viên quốc tế. Lưu ý rằng các văn phòng tuyển sinh quốc tế có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà bạn không tìm được câu trả lời qua trang web. Đừng ngại liên hệ với họ qua email, facebook hay gọi điện thẳng tới trường.
2. Các điểm thi phải nộp: Nếu bạn định nhập học vào học kỳ mùa thu (tháng 9), bạn phải hoàn thành các bài kiểm tra yêu cầu (TOEFL/IELTS và SAT) muộn nhất vào tháng 1. Lưu ý rằng hạn cuối đăng ký có thể vào khoảng 5-6 tuần trước ngày thi, kết quả kiểm tra của bạn phải được gửi đến trường trước ngày hạn chót nộp đơn và quá trình này sẽ kéo dài ít nhất 4-6 tuần từ ngày thi cho tới ngày nộp đơn. Bên cạnh TOEFL hoặc ELTS, và SAT, bạn cần xác nhận với trường xem có cần thi SAT Subject hay không. Hãy nhớ rằng SAT và SAT subject không thể thi trong cùng một ngày.
Các bước nộp hồ sơ du học Mỹ các trường ĐH Bắc Mỹ
3. Cách điền và nộp đơn: Nhiều trường yêu cầu cùng một nội dung thông tin nhưng cách trình bày khác nhau, do đó bạn cần đọc chỉ dẫn một cách cẩn thận. Các mục sau đây thường được yêu cầu:
* Các mẫu đơn
- Tạo ấn tượng tốt bằng cách trình bày nội dung đơn gọn gàng và rõ ràng, sử dụng phần mềm gõ chữ, trừ khi được yêu cầu điền đơn bằng tay.
- Trình bày thông tin cá nhân một cách nhất quán và viết tên mình theo thứ tự đồng nhất trong tất cả các giấy tờ.
- Điền thông tin của mình trong khoảng trống được cung cấp và chỉ nên sử dụng trang bổ sung khi thực sự cần thiết.
- Tránh viết tắt, nên sử dụng tên đầy đủ khi đề cập đến các trường học, các giải thưởng, địa chỉ, kỳ thi, vv.
- Cung cấp thông tin về giáo dục và kinh nghiệm làm việc theo thứ tự hợp lý được hướng dẫn
- Nêu rõ nguyện vọng về thời gian nhập học, cấp độ (vào học năm đầu hay chuyển tiếp), và loại chứng chỉ mà bạn muốn theo học.
- Nếu được hỏi về số an sinh xã hội (Social Security Number), bạn có thể điền "không" hoặc theo chỉ dẫn nếu bạn không có thông tin này.
Xem thêm: Hồ sơ du học Mỹ cần những gì?
* Lệ phí nộp đơn
Hầu hết các trường yêu cầu bạn nộp lệ phí xử lý hồ sơ (không hoàn lại) và phải được thanh toán bằng đô la Mỹ dưới hình thức séc do ngân hàng Mỹ phát hành, lệnh chuyển tiền quốc tế hoặc thẻ tín dụng. Bạn nên xem trên trang web của trường. Phí nộp đơn thường từ 35 đến 100 đô, song cũng có nhiều trường miễn phí này.
* Bằng và các chứng nhận học thuật
- Các trường sẽ yêu cầu bạn nộp học bạ. Học bạ cần phải là bản sao chính thức có dịch công chứng.
- Đối với sinh viên quốc tế, nhà trường cũng có thể yêu cầu chính giáo viên của bạn điền thông tin vào đơn giới thiệu (school report).
- Nhà trường cũng có thể yêu cầu giải thích về hệ thống chấm điểm và xếp hạng của trường học hiện tại của bạn.
- Nếu trường yêu cầu phải có đánh giá học bạ, họ sẽ nói rõ trên trang web của trường.
- Ngoài bảng điểm, các trường thường yêu cầu bạn nộp thêm bản sao văn bằng và chứng chỉ, kết quả kỳ thi cuối cùng, điểm các kỳ thi quốc gia, v.v.
- Cần lưu ý rằng chỉ nên gửi bản sao có công chứng (có xác nhận của trường hoặc cơ quan có thẩm quyền) chứ không phải là bản gốc vì có thể những giấy tờ này sẽ không được hoàn trả.
Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ lớp 11 và lớp 12
* Gửi điểm thi đến các trường
Bạn cần biết tên và mã số của trường đại học/cao đẳng mà bạn muốn xin vào khi đăng ký thi SAT, SAT Subject, TOEFL, IELTS và các bài thi khác để kết quả thi của bạn được gửi trực tiếp đến các trường này (tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc yêu cầu gửi kết quả thi vào thời điểm sau đó). Nạp mã trường vào tài khoản của bạn khi đăng ký thi.
Bạn cũng có thể gửi bản sao kết quả điểm thi của bạn cùng với các giấy tờ khác trong bộ hồ sơ đăng ký để các trường dễ dàng so sánh khi họ nhận được báo cáo điểm thi chính thức và có thể xử lý hồ sơ của bạn nhanh hơn.
* Bài luận cá nhân
Cán bộ tuyển sinh thường sử dụng bài luận cá nhân của bạn cho các mục đích sau: a) Để có được một cái nhìn sâu sắc về cá nhân sinh viên; b) Để đánh giá liệu sinh viên có thể đóng góp gì cho nhà trường; c) Để tìm hiểu xem liệu nhà trường có thể đáp ứng nhu cầu của sinh viên; d) Để đánh giá kỹ năng viết luận của sinh viên, khả năng tổ chức và học tập, sự trưởng thành và ham học hỏi của sinh viên, lý do sinh viên đăng ký theo học tại trường, và chuyên ngành sinh viên muốn theo đuổi.
Viết bài luận cá nhân như thế nào cho ấn tượng?
- Tập trung trả lời câu hỏi mà bài luận đưa ra.
- Tập trung vào các sự kiện mà bạn nhớ rõ vì trong một bài luận, chi tiết là vô cùng quan trọng.
- Nhờ người khác đọc lại bài luận của bạn, tìm ra các lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả.
- Nói sự thật và trung thực, đừng chọn một chủ đề chỉ để thể hiện điểm tốt của bản thân.
- Tự viết bài luận của mình, cán bộ tuyển sinh có thể dễ dàng phân biệt những bài luận trung thực với các bài luận giả mạo
- Hãy dành nhiều thời gian để viết, đừng trì hoãn và viết vào đêm cuối cùng trước hạn nộp.
Xem thêm:Một bài luận xin học bổng du học Mỹ hoàn hảo cần những gì?
* Mẫu đơn và thư giới thiệu
Thông thường nhà trường yêu cầu ít nhất hai thư giới thiệu. Bạn nên lựa chọn những người có thể nhận xét về quá trình học tập, làm việc của bạn, đánh giá về khả năng phát triển của bạn trong môi trường đại học. Một số trường đại học yêu cầu người giới thiệu điền vào mẫu đơn đã được chuẩn bị sẵn.
Thư giới thiệu cần lưu ý những điều sau:
- Thư giới thiệu chiếm một phần quan trọng trong hồ sơ, vì vậy hãy nói với người viết thư kế hoạch học tập và thông tin về trường.
- Người giới thiệu của bạn cần phải ký tên niêm phong trên phong bì đựng thư giới thiệu.
- Nếu thư giới thiệu được yêu cầu gửi trực tiếp, bạn cần cung cấp cho họ phong bì có đính kèm tem và địa chỉ và thời gian chuẩn bị dài trước hạn.
* Chứng minh tài chính
Hầu hết các hồ sơ du học dự tuyển cần bao gồm một “Thư cam kết hỗ trợ tài chính" hoặc "Cam kết và chứng nhận tài chính" có chữ ký của cha mẹ bạn hoặc người tài trợ chi phí giáo dục, kèm theo xác nhận số dư tài khoản ngân hàng. Các giấy tờ này cũng được yêu cầu nộp trong hồ sơ xin thị thực du học Mỹ, vì vậy bạn cần nhớ giữ một bản. Hầu hết các trường đại học muốn thấy bằng chứng rằng ít nhất các chi phí giáo dục cho năm học đầu tiên của bạn sẽ được đảm bảo, mặc dù một số trường khác yêu cầu bằng chứng về hỗ trợ tài chính (thu nhập, vv) trong suốt thời gian bạn tham gia chương trình học.
* Phỏng vấn sinh viên quốc tế
Một số trường phỏng vấn sinh viên quốc tế. Thông thường, trường đại học sẽ sử dụng các sinh viên đã tốt nghiệp của mình hiện đang cư trú tại các quốc gia sở tại để phỏng vấn các ứng viên. Mặc dù sinh viên quốc tế không gặp bất lợi gì nếu không tham gia phỏng vấn, nhưng nếu trường có chương trình phỏng vấn ở thành phố của bạn, nên tranh thủ cơ hội này để tìm hiểu thêm về trường.
Làm sao để nộp đơn du học Bắc Mỹ thành công?
Bước 1: Đánh giá bản thân
Lập một danh sách trong đó liệt kê các kết quả học tập và những thành tích đạt được trong năm học phổ thông, bao gồm:
- Điểm số: Tổng hợp điểm các môn học trong năm học phổ thông cũng như xếp hạng học tập trong lớp (top 5, 10, 15, ...). Bạn có thể nộp điểm theo như cách ghi điểm của Việt Nam (ví dụ 8.0/10), không cần phải qui đổi sang thang điểm Mỹ vì các trường sẽ tự làm như vậy.
- Điểm thi: bao gồm kết quả thi SAT và TOEFL. Lưu ý rằng bên cạnh việc điền kết quả vào đơn đăng ký, bạn phải yêu cầu ETS trực tiếp gửi điểm tới trường học mà bạn định đăng ký.
- Các hoạt động ngoại khóa: các hoạt động tập thể, thể thao cũng như việc làm tình nguyện, việc làm mùa hè, du lịch mà bạn tham dự.
- Các giải thưởng: tất cả những giải thưởng, bằng khen, học bổng mà bạn được trao tặng.
Bước 2: Lập danh sách các trường muốn nộp đơn
Xác định các tiêu chí chọn trường cho bản thân. Các câu hỏi bạn nên đặt ra cho mình là: học ngành gì, khu vực địa lý nào, trường cạnh tranh đến đâu, khả năng tài chính của gia đình thế nào, trường có cho học bổng không, điểm TOEFL họ yêu cầu là bao nhiêu.
Dựa trên tiêu chí của bạn, lập ra danh sách các trường mà bạn muốn nộp đơn. Nếu bạn biết ngay trường nào mình muốn đi thì rất tốt. Song chúng tôi gợi ý các bạn nên lựa chọn khoảng 10 trường và phân thành 3 nhóm:
- Lựa chọn lý tưởng: 3 trường mà bạn mơ ước được học, nhưng có tính cạnh tranh đầu vào cao và điểm của bạn chỉ ở mức xấp xỉ so với điểm yêu cầu.
- Lựa chọn vừa khả năng: 4 trường mà bạn có cơ hội lớn thành công và bạn cũng thích học tập tại đây, nhưng bạn được nhận hay không còn phụ thuộc vào chất lượng các ứng viên khác.
- Lựa chọn an toàn: 3 trường gần như sẽ đồng ý nhận bạn vào học căn cứ vào kết quả học tập và điểm thi, dĩ nhiên bạn cũng sẽ thích khi học ở đây.
Bước 3: Lập kế hoạch đăng ký các trường
Tạo một danh sách gồm 10 cột, tương đương 10 trường trong danh sách. Trong các hàng ngang, điền vào những thông tin quan trọng cần theo dõi trong đơn đăng ký. Đó có thể là cấc giấy tờ yêu cầu, hạn nộp đơn, địa chỉ liên hệ. Lưu ý những trường có quyết định sớm, hạn mở... Golden Path Guide sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho bạn. Nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn gì, xin hãy liên hệ với trường hoặc chúng tôi.
Video giới thiệu khóa học Lập kế hoạch du học - Academy.vn
Bước 4: Nói chuyện với người bạn tin tưởng
Nói chuyện với bố mẹ, người hướng dẫn, hoặc giáo viên về ngành học, trường học hay bất kỳ câu hỏi nào mà bạn còn thắc mắc. Bạn cũng nên nói chuyện với những người đã từng học tập hay trải qua quá trình đăng ký học tập tại Mỹ khu vực Bắc Mỹ để học hỏi thêm kinh nghiệm. Những người đã học tại những ngôi trường chất lượng tốt và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Mục tiêu của bước này là để giúp bạn hoàn thiện danh sách các trường muốn đăng ký.
Bước 5: Tổng hợp tất cả vào hồ sơ đăng ký
Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý là các trường ở Mỹ không tìm kiếm những sinh viên hoàn hảo; họ tìm những sinh viên đa dạng, thú vị, thông minh và muốn học tập tại trường của họ. Vì vậy đơn đăng ký nên phản ánh đúng con người của bạn, từ kết quả học tập cho đến hoạt động ngoại khóa, nhưng quan trọng hơn là điểm “độc đáo” của bản thân bạn. Điều gì khiến bạn nổi bật và gây được sự chú ý của cán bộ tuyển sinh, người không hề biết gì về bạn?
Hãy nhớ rằng tất cả những gì họ có là bảng điểm, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu và bài luận của bạn. Bảng điểm và điểm thi là thứ bạn không thể sửa được. Bạn có thể tác động vào thư giới thiệu khi được quyền chọn người viết những lá thư đó. Bạn có thể chọn những hoạt động ngoại khóa của mình nhưng vào thời điểm nộp đơn thì đã quá muộn để thay đổi (đó là lý do vì sao chuẩn bị sớm là rất quan trọng).
Vào thời điểm này, cái quan trọng nhất chính là bài luận. Bài luận là nơi bạn có thể cho nhà tuyển sinh thấy bạn là ai, điều gì đặc biệt về bạn, từ cuộc sống, văn hóa, niềm tin, cho tới những điều mà bạn đam mê, ước mơ trong tương lai và sự quan trọng của nó đối với bạn. Vì vậy hãy chắc chắn rằng bài luận của bạn đúng chính tả, ngữ pháp, mạch lạc và thống nhất với điều mà bạn muốn thể hiện. Đọc bài viết của chúng tôi để có thêm thông tin.
Bước 6: Thư giới thiệu
Trong hầu hết các trường hợp, trường học sẽ yêu cầu bạn nộp 1 hoặc 2 lá thư giới thiệu và họ chấp nhận thư từ giáo viên hay cố vấn sự nghiệp của bạn (nếu trường bạn học có). Những lá thư này được đọc cẩn thận bởi người xét tuyển để xem khả năng của bạn trong một môi trường học tập ra sao. Bạn không nhất thiết phải lấy thư từ hiệu trưởng, điều quan trọng hơn là thư từ người biết rõ bạn và có thể nói về khả năng cũng như sự đặc biệt của bạn. Người viết thư lý tưởng là giáo viên dạy bạn lớp 10 hoặc 11. Bạn không nên xin thư giới thiệu của giáo viên dạy mình hồi lớp 9. Bạn có thể nộp thêm thư ngoài ra so với yêu cầu, tuy nhiên không nên quá nhiều để tránh trùng lặp và làm loãng hồ sơ.
Bước 7: Nộp đơn
Trong bước cuối cùng, bạn sẽ mất nhiều thời gian để điền đơn, nộp giấy tờ liên quan, nộp lệ phí, kết quả thi... Sẽ rất dễ bị quên một vài thứ hoặc gặp khó khăn trong việc theo dõi tất cả các bước nộp đơn vào trường bạn mong muốn. Chúng tôi có một vài lời khuyên giúp việc nộp đơn của bạn dễ dàng hơn:
- Lập một bảng ghi nhớ những việc cần làm cho từng trường để khi đăng ký bạn có thể theo dõi và biết được việc nào đã làm xong rồi.
- Nộp đơn đăng ký qua mạng khi có thể, nó sẽ giúp đơn đăng ký của bạn đến nơi nhanh hơn.
- Sử dụng Common App cho càng nhiều trường càng tốt để tiết kiệm thời gian: bạn chỉ cần điền thông tin một lần cho nhiều trường.
- Yêu cầu điểm TOEFL và SAT gửi thẳng tới các trường cùng một lúc, như vậy bạn sẽ không bị quên trường nào.
- Nhờ người khác kiểm tra và đọc lại bài luận trước khi nộp, kiểm tra kỹ chính tả!
- Nếu bạn là người hay quên, nhờ bố mẹ hoặc người hướng dẫn nhớ những ngày tháng hoặc giấy tờ cần thiết cho chắc chắn.
Gừi tới trường tất cả các bản sao công chứng bảng điểm cũng như các giấy tờ khác đã được dịch sang tiếng Anh qua đường bưu điện sau khi đã nộp đơn đăng ký qua mạng (hoặc gửi cùng với đơn đăng ký trên giấy nếu bạn điền bằng tay). Hãy dùng thư bảo đảm!
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, visa du hoc my việc làm thêm khi chọn du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các trung tâm tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.