Trên thực tế, con trẻ sẽ có sự tò mò và năng động và tạo ra nhiều trường hợp khiến người lớn ức chế. Dưới đây là những cách giải quyết trong một số tình huống cụ thể phụ huynh có thể tham khảo thay vì cằn nhằn, quát mắng con.
1. Khi dọn dẹp đồ chơi
Reena Morgan là mẹ của Sareen (6 tuổi) và Siona (4 tuổi). Cô cho biết, các con thường rất nhường nhịn, chia sẻ cho nhau đồ chơi. Tuy nhiên, mỗi khi đến lúc dọn dẹp, chúng lại thường tranh cãi việc ai sẽ là người dọn đống đồ chơi đó.
Cách làm của Reena Morgan là phải phân công cho trẻ mỗi người sẽ nhặt một món đồ chơi vào trong giỏ. Tuy nhiên, cách làm này cũng khiến chúng chẳng mấy vui vẻ khi làm theo.
Morgan sau đó đã đưa ra một giải pháp mới vào khoảng một năm trước để cải thiện tình hình này.
Cô đã sử dụng một ngăn lớn trong tủ quần áo để cất những món đồ chơi con không còn dùng nữa.
Sau mỗi lần như thế, nếu các con không tự giác thu dọn đồ chơi của mình, cô sẽ cất chúng vào ngăn tủ này và con không được phép chơi món đồ chơi đó nữa. Sau một vài lần như vậy, dần dần, không còn món đồ chơi nào “sót lại” trên mặt sàn nữa.
Tiến sĩ Jerry Weichman, nhà tâm lý học lâm sàng cho rằng, việc cho trẻ thấy hậu quả nếu chúng tiếp tục thực hiện những hành vi sẽ khiến chúng “ngộ” ra nhiều điều và sẽ tự cải thiện hành vi của mình tốt hơn.
Việc cho trẻ thấy hậu quả nếu chúng tiếp tục thực hiện những hành vi sẽ khiến chúng “ngộ” ra nhiều điều và sẽ tự cải thiện hành vi của mình tốt hơn
2. Khi những đứa trẻ cãi cọ lẫn nhau
Alison Page, mẹ của cặp song sinh Grayson và Carter, cho biết, ngay từ khi còn bé, cặp đôi này luôn tranh cãi nhau từ những việc nhỏ nhất, như xem ai lấy đồ chơi nào trước, ai leo lên xe trước, ai phải đi tắm trước,... Dù đã giải thích, giảng hòa nhưng Alison Page vẫn không thể xoa dịu cảm giác thiếu công bằng trong các con.
Một ngày nọ, Alison Page đã nảy ra ý tưởng phân chia sự ưu tiên theo ngày chẵn, ngày lẻ. Các con cô cũng mất vài tuần để thích nghi được với điều đó, nhưng dần dần, giải pháp này đã giúp hai đứa trẻ dung hòa với nhau, bởi việc thay phiên nhau một cách tự nhiên đã mang lại cho trẻ cảm giác công bằng cho trẻ.
Hãy cố gắng phân chia đồng đều để những đứa trẻ có được cảm giác công bằng
3. Khi con có tính hay quên
Jenna Rabe-Hoy, mẹ của ba đứa con cho biết, cậu con trai Huxley là một người rất hay quên. Nếu có điều gì đó không quá quan trọng, cậu sẽ quên nó ngay sau đó.
Trong học kỳ đầu năm lớp 3, Huxley đã đánh mất 4 chiếc áo khoác, 1 hộp cơm trưa và liên tục để quên ba lô ở trường. Jenna Rabe-Hoy đã sử dụng rất nhiều cách như cố gắng thưởng cho con một miếng dán mỗi khi con nhớ mang tất cả mọi thứ về nhà. Nhưng điều này không chỉ làm Huxley phân tâm mà cậu bé còn cảm thấy khó chịu mỗi khi không thể nhận được phần thưởng từ mẹ.
Sau đó, bà mẹ Jenna Rabe-Hoy đã nghĩ ra cách để Huxley cảm nhận được hậu quả đến từ sự hay quên của mình. Ngay từ đầu năm, người mẹ này đã thông báo cho con trai chỉ được mua những đồ dùng cần thiết. Nếu cần thay thế, Huxley sẽ phải tự kiếm tiền để mua.
Vài tuần sau, cậu bé lại làm mất một chiếc áo khoác khác. Sau đó, Huxley đã phải dọn dẹp vườn trong suốt 1 tuần để kiếm tiền mua lại chiếc áo khoác mới. Và chiếc áo khoác này đã được cậu bé giữ đến tận bây giờ.
“Trẻ học tốt nhất khi chúng được trải nghiệm kết quả từ hành vi của mình”, Jenna Rabe-Hoy nói.
Hãy cho trẻ cảm nhận được hậu quả đến từ sự hay quên của mình để trẻ tự điều chỉnh hành vi
4. Khi trẻ làm việc nhà
Một trong những giải pháp quen thuộc mà hầu hết các cha mẹ đều dùng để con cái có thể làm việc nhà là trả lương cho con. Nhưng với cách làm này, nếu công việc cha mẹ giao không được trả lương, trẻ sẽ từ chối và đòi hỏi.
Với cha mẹ của Tristan, họ đã đưa ra một cách thức khác để khuyến khích con làm việc nhà. Tristan vốn là cậu bé rất ham mê trò chơi điện tử. Cậu cũng thường xuyên xin cha mẹ thêm thời gian để được chơi tiếp. Dựa vào sở thích đó của con, cha mẹ Tristan đã biến “tiền lương” thành thời gian chơi điện tử.
Mỗi ngày, cậu bé sẽ phải hoàn thành hết bài tập về nhà, việc nhà và chơi ngoài trời hoặc sáng tạo. Từ đó, Tristan sẽ kiếm được 30 phút để chơi điện tử mỗi ngày.
Có rất nhiều cách cha mẹ cư xử với con mà không cần quát mắng. Cha mẹ sẽ ít phải “đau đầu” nếu như đã thiết lập quy tắc rõ ràng trong gia đình. Hãy in một bản quy tắc và dán chúng lên những nơi dễ thấy trong nhà như tủ lạnh, bàn ăn.
Mỗi khi con mắc lỗi, cha mẹ không cần cằn nhằn mà hãy áp dụng theo quy tắc đã đề ra.
Bên cạnh các hình phạt, cha mẹ cũng cần đưa ra lời khen, phần quà nếu con cư xử tốt và tuân thủ quy tắc. Chẳng hạn, mỗi lần con làm tốt việc sẽ được thưởng một sao. Khi đủ năm sao, con sẽ được nhận một món quà. Quát mắng chưa chắc đã khiến con thay đổi hành vi, nhưng khen thưởng lại luôn giúp ích nhanh chóng.
> Trẻ mãi học trước quên sau - Nguyên nhân và cách khắc phục
> Nỗi lo của cha mẹ khi phải để con tự học online lâu dài
Theo Vietnamnet