Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con vật lộn với bài tập về nhà liền ra tay làm bài hộ con hoặc la mắng con. Vậy bố mẹ nên làm gì khi con gặp khó khăn với bài tập về nhà?
Bố mẹ có thể hỗ trợ con học tập như thế nào khi con gặp khó khăn với các bài tập về nhà?
1. Không nên trách con
Theo nghiên cứu của tờ Atlantic, bản năng của cha mẹ khi thấy con vật lộn với đống bài tập là khiển trách. Tuy nhiên, trong khi con cảm thấy áp lực và căng thẳng, những lời khiển trách đó sẽ chỉ khiến con trở nên im lặng và nặng nề hơn.
Theo các nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của các giáo viên, gia sư và phụ huynh, những em học sinh chậm hoàn thành bài tập về nhà thường cảm thấy lo lắng, nặng nề. Và cảm xúc tiêu cực này sẽ chỉ khiến con ngày càng gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình.
2. Hãy đưa ra gợi ý thay vì làm bài hộ con
Nhiều bậc phụ huynh thấy con gặp khó trong việc giải quyết bài tập về nhà thường làm bài giúp con. Tuy nhiên, phương pháp này có thể khiến trẻ trở nên phụ thuộc vào cha mẹ, không tự mình tìm ra cách giải bài.
Nếu con không thể tự mình làm được, hãy cho con một số gợi ý nho nhỏ để con phần nào định hướng được cách xử lý.
3. Khuyến khích con liên lạc nhờ sự hỗ trợ từ giáo viên
Nếu con bạn lo sợ giáo viên khiển trách khi làm bài sai, hãy khuyên con bắt đầu lại bằng cách tự mình xem lại những kiến thức mà con cảm thấy chưa nắm vững. Khuyến khích con liên lạc với giáo viên để được hỗ trợ thêm những gì con cần.
Hãy động viên con rằng, việc đặt câu hỏi và nỗ lực vượt qua khó khăn là điều quan trọng đối với giáo viên. Theo các chuyên gia, bất kể giáo viên khó tính nào cũng sẽ phản hồi tích cực khi con bạn đến với họ bằng những câu hỏi chân thành và thái độ học tập chăm chỉ.
4. Không mắng khi con làm bài sai
Không phải trẻ nào cũng có thể giỏi toàn diện và có thể làm đúng tất cả các bài tập về nhà. Khi con làm sai, thay vì trách phạt, hãy khuyến khích con rà soát lại bài thật kỹ để tìm ra lỗi sai và cách khắc phục.
Theo Abby Freireich và Brian Platzer – hai chuyên gia phụ trách chuyên mục giáo dục hàng tuần của tờ The Atlantic và The New York Times, việc tập trung vào quá trình và nỗ lực mới là chìa khóa giúp con thành công. Cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề và tạo áp lực khiến con cảm thấy chán nản và sợ bài tập về nhà bởi khi trẻ sợ bài tập về nhà, chúng thường có xu hướng né tránh và bỏ qua.
> Điểm danh 6 trò chơi phát triển khả năng suy luận dành cho trẻ
> Phụ huynh nên làm gì khi con gặp phải áp lực thi cử?
Theo Vietnamnet