Sau khi Bộ GD-ĐT quy định cấm tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 dưới bất cứ hình thức nào, nhiều địa phương đã công khai hình thức tuyển sinh mới. Tuy nhiên, thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa đưa ra được hình thức tuyển sinh nào thay thế trong khi phụ huynh, học sinh đang rất sốt ruột.
Không thi thì sẽ tuyển thẳng
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, Hà Nội sẽ bước vào thời điểm căng thẳng của các kỳ chuyển cấp cho năm học mới, đặc biệt với khối lớp 6. Tuy nhiên, với yêu cầu không thi tuyển để giảm áp lực cho học sinh, đến thời điểm này, nhiều nhà quản lý giáo dục vẫn tỏ ra lúng túng.
Học sinh Hà Nội sốt ruột chờ phương án thay thế thi tuyển sinh vào lớp 6 chất lượng cao
“Chắc chắn là không thể tổ chức thi tuyển như những năm trước, vì vậy chỉ có thể thay thế bằng tuyển thẳng những học sinh đoạt giải thành phố, quốc gia” – ông Nguyễn Ngọc Anh, Trường phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, nơi có nhiều trường THCS chất lượng cao, thu hút đông đảo học sinh dự thi các năm trước. Trước câu hỏi “hình thức tuyển sinh này liệu có đủ nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đào tạo chất lượng cao hay không”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, hiện mới chỉ nghĩ ra cách này. “Năm ngoái, chúng tôi tuyển thẳng được hơn 50 học sinh theo dạng này. Nếu được Sở đồng ý, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy sẽ công bố rõ đối tượng được tuyển thẳng với quy mô mở rộng hơn năm ngoái” - ông Nguyễn Ngọc Anh nói.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho rằng, dù có dùng các hình thức thay thế khác thì trước sau cũng sẽ quay lại tình trạng ôn luyện bởi cầu lớn hơn cung nhiều lần. “Bỏ thi là phương thức quản lý đúng nhưng cần nhiều cải tiến đồng bộ. Với cách học, cách bố trí hệ thống, mô hình giáo dục bây giờ thì với bất cứ hình thức tuyển sinh nào… thì trước sau gì phụ huynh, giáo viên cũng tìm ra cách để luyện thi cho con em mình” – ông Vũ nhận xét.
Khảo sát năng lực khách quan
Trong khi một số trường công lập phải chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT thì một số trường dân lập đã có biện pháp tuyển sinh riêng của trường. Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc khảo thí trường Vinschool cho biết: “Trường Vinschool sẽ thực hiện đúng quy định của Bộ, Sở về việc không thi tuyển đầu vào lớp 6. Thay vào đó, chúng tôi chỉ kiểm tra năng lực đầu vào nhằm đánh giá xem học sinh có thể đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục của trường hay không. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra năng lực đầu vào sẽ phân loại trình độ để có chương trình, phương pháp dạy học phù hợp”.
Khi được hỏi, “với cách kiểm tra này, học sinh có phải chịu áp lực ôn luyện hay không”, ông Nguyễn Chí Thành khẳng định, cách kiểm tra của nhà trường sẽ không khiến phụ huynh phải lo lắng đến mức phải yêu cầu học sinh luyện thi. “Cách kiểm tra của chúng tôi không theo định hướng đánh giá hiện nay. Chúng tôi không nhấn mạnh vào việc học sinh nhớ gì mà tập trung vào việc các em biết áp dụng kiến thức và giải quyết thực tiễn như thế nào. Thứ hai là chúng tôi kiểm tra tư duy phản biện, bằng cách đưa ra bài test, từ đó đưa ra giải pháp cho nhân vật trong bài” – ông Thành phân tích.
Ông Đào Thiện Khải - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam đánh giá, việc cấm thi vào lớp 6 là chủ trương đúng. “Còn thi tuyển vào lớp 6 thì còn học thêm, dạy thêm và áp lực này tiếp tục đè nặng trên vai học sinh tiểu học. Vì thế, để xét tuyển mang tính công bằng cao, cần có phương án phù hợp, đánh giá, khảo sát năng lực học sinh một cách khách quan, khoa học” – ông Đào Thiện Khải phân tích. Về biện pháp trước mắt, ông Đào Thiện Khải cho rằng, nên thay thế thi Văn - Toán bằng kiểm tra tổng quát năng lực học sinh trên mọi lĩnh vực, bao gồm hiểu biết khoa học, xã hội và năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật… Tuy nhiên, về lâu dài, cần đầu tư nâng cao chất lượng dạy - học tại tất cả các trường THCS để tránh việc phụ huynh phải lo "chạy" cho con từ trường này sang trường kia.
Cũng bàn về hướng lâu dài, ông Lê Hồng Vũ cho rằng, để đảm bảo công bằng giữa các học sinh thì không nên phân tách chất lượng cao trong hệ thống công lập mà nên đưa hình thức này vào các trường xã hội hóa. “Việc hình thành trường công lập chất lượng cao với mức thu thấp hơn dân lập đang tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt và chính là nguyên nhân khiến học sinh tiểu học phải ôn luyện để được vào các trường này” – ông Lê Hồng Vũ nhấn mạnh.
Cấm thi tuyển vào lớp 6: Sẽ theo phương thức xét tuyển
Bộ GD-ĐT vừa chỉ đạo các trường THCS không được tổ chức thi tuyển cho học sinh lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Không chỉ có các trường THCS mà một số trường “chuyên” bậc THCS và trường phổ thông nội trú cũng bị cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Quy định trên không hề mới nhưng được làm quyết liệt hơn vì theo Bộ GD-ĐT, Việt Nam đã xóa bỏ trường chuyên THCS ngay từ khi có Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu “Không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và THCS”. Do đó, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, những trường có đơn đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh thì phải có phương án chọn lọc trình lên Sở GD-ĐT địa phương xem xét, phê duyệt
Việc tuyển sinh cấp THCS sẽ thực hiện theo hình thức xét tuyển
Không được tổ chức thi tuyển cho học sinh lớp 6 tưởng chừng là đương nhiên vì Việt Nam đã phổ cập giáo dục THCS, học sinh học hết cấp Tiểu học đều được lên cấp THCS theo đúng tuyến cơ sở của mình.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều trường THCS có vẫn tổ chức thi tuyển “đầu vào”. Đặc biệt là những trường ở Hà Nội hay một số đia phương khác có chất lượng cao về giảng dạy, điều kiện học tập tốt và được tuyển sinh ở nhiều tuyến khác nhau như trường THCS Lương Thế Vinh, THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Đoàn Thị Điểm… thu hút một lượng lớn phụ huynh muốn cho con vào học vẫn tổ chức thi tuyển.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, việc tuyển sinh cấp THCS phải theo quy hoạch phát triển ở từng địa phương và nhất là phải góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, không gây quá tải trong việc dạy học ở cấp Tiểu học. Đặc biệt là không để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, khó kiểm soát cũng như nảy sinh tình trạng tiêu cực khi tổ chức thi tuyển đầu cấp. Nhiệm vụ này phải được thực hiện ở tất cả các trường công lập, ngoài công lập, trường thực hiện tuyển sinh theo tuyến hay không theo tuyến... Việc Bộ GD-ĐT không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 cũng là nhằm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu “Không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và THCS”.
Thông tư tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT ban hành nhấn mạnh, việc tuyển sinh cấp THCS được thực hiện bằng hình thức xét tuyển, tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển. Vì vậy, những trường có số lượng đơn tuyển sinh đầu cấp vượt quá chỉ tiêu và từ lâu nay vẫn được tuyển sinh theo nhiều tuyến khác nhau có thể thực hiện tuyển sinh bằng hình thức này. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Công văn quy định, những trường trên phải xây dựng phương án tuyển sinh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở các quy định hiện hành cũng như những quy định thực tế của trường.
Địa phương sẽ giải quyết việc tuyển sinh vào lớp 6
Như vậy là việc tuyển sinh cấp THCS sẽ được thực hiện bằng hình thức xét tuyển. Còn đối với những trường dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư nhưng chỉ được nhận số lượng học sinh có hạn. Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, việc thành lập trường dân tộc nội trú là để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương khó khăn. Căn cứ vào nhu cầu của học sinh và điều kiện tiếp nhận học sinh của nhà trường và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở từng vùng miền, cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương phải có hướng dẫn, quy định cụ thể trong việc tuyển sinh phù hợp. Tuy nhiên, trước yêu cầu các địa phương, trường học tuyệt đối không thi tuyển học sinh vào lớp 6, nhiều ý kiến cho rằng, những trường THCS mọi năm vẫn tổ chức thi tuyển “đầu vào” sẽ “lách luật” bằng cách tuyển học sinh qua hình thức kiểm tra năng lực, chỉ số thông minh của học sinh…
Trước thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, Sở GD-ĐT địa phương sẽ giải quyết việc có tổ chức tuyển sinh đầu vào lớp 6 theo hình thức nào. Tuy nhiên, việc tuyển sinh vào lớp 6 không có nghĩa là phải kiểm tra kiến thức của học sinh bậc Tiểu học lên THCS. Trường học có nhiều cách đánh giá học sinh nhưng tuyệt đối trên một địa bàn, nhà trường tuyển sinh không được chọn học sinh này mà bỏ học sinh khác vì chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục THCS.
Trường chất lượng cao không phải muốn tuyển bao nhiêu cũng được
Mục tiêu của Bộ GD-ĐT vẫn là thực hiện phổ cập giáo dục nhưng tại một số địa phương lại đang tồn tại và hình thành một số mô hình trường học chất lượng cao, phát triển năng lực học sinh, ngoài công lập mở rộng tuyển sinh ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên, hiện có nhiều người coi những trường này là trường chuyên.
Lý giải về vấn đề trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc những trường này cần bao nhiêu học sinh đều phải do cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương đó quyết định, chứ không phải trường muốn thích tuyển bao nhiêu thì tuyển. Việc tuyển sinh bao nhiêu thì Sở GD-ĐT ở địa phương phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đào tạo của trường.
Việt Nam đã xóa bỏ mô hình trường chuyên THCS nhưng hiện tại ở một số địa phương có mô hình trường chất lượng cao. Mô hình trường học chất lượng cao được Quốc hội cho phép thực hiện nhằm đảm bảo cho chúng ta có được những trường học đạt chất lượng tốt. Những trường này được phép thu học phí cao để đáp ứng nhu cầu giảng dạy chất lượng. Điều này có nghĩa là trường học hoạt động theo mô hình chất lượng cao giảng dạy như thế nào, được thu học phí đến đâu là phải do thỏa thuận và sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Mô hình trường học chất lượng cao không phải là trường chuyên.
Trước đó, Bộ giáo dục đã ra thông báo Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị ngày 3-11-2014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm với bậc tiểu học, trong đó yêu cầu “Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”. Trong quá trình thực hiện chỉ thị, một số SỞ GD-ĐT đã đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với những trường có số lượng học sinh đăng ký vào học vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Trước thắc mắc này, ngày 17-3, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có công văn gửi các Sở GD-ĐT, nhấn mạnh, các sở cần căn cứ vào quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định nhưng tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. Theo Bộ GD-ĐT, bậc THCS là cấp học phổ cập. Việc tuyển sinh vào bậc học này phải đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục THCS, tuyển đúng chỉ tiêu, không vượt quá quy định về sĩ số trên lớp … Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh THCS cũng quy định việc tuyển sinh cấp học này chỉ theo phương thức xét tuyển. Ngoài việc không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD-ĐT cũng nhắc nhở các địa phương không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật, thể thao. |
Tin gốc:
- http://www.anninhthudo.vn/giao-duc/phu-huynh-sot-ruot-truong-van-chua-co-phuong-an/603846.antd
- http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cam-thi-tuyen-vao-lop-6-se-theo-phuong-thuc-xet-tuyen-393253.vov
Sự kiện: Tuyển sinh, tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh lớp 6 năm 2015, bỏ thi lớp 6