Bộ GD-ĐT đề xuất những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên nghỉ việc như đã phản ánh trong loạt bài trên Báo Thanh Niên.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh hiện tượng giáo viên nghỉ việc, những giải pháp mà Bộ GD-ĐT dự kiến nhằm ngăn chặn tình trạng này.
3 nguyên nhân chính giáo viên nghỉ việc
Theo ông, có những nhóm nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng nghỉ việc, chuyển việc của giáo viên (GV)?
Việc GV chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, có một số nguyên nhân sau đây.
Thứ nhất, phải kể đến là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với GV mới vào nghề, GV hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao. Điều này khiến một số GV phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống; trong khi đó ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới là khá dễ dàng do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
Thứ hai, một số thầy cô dù gắn bó nhiều năm trong ngành nhưng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục thì khả năng đáp ứng còn hạn chế (khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy…) nên cảm thấy bị áp lực; một số thầy cô lớn tuổi, có sức khỏe không tốt nên cũng muốn nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn… Đối với GV mầm non, còn có lý do thời gian lao động trong ngày rất dài, áp lực từ phụ huynh và xã hội rất lớn.
Thứ ba, một số GV được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn nhiều thiếu thốn, đường sá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc quan tâm, chăm sóc gia đình. Vì vậy, số GV này chuyển sang làm công việc khác ở gần gia đình hơn.
Loạt bài "Vì sao giáo viên nghỉ việc?" tạo được sự quan tâm của đông đảo giáo viên và những nhà quản lý giáo dục
Tuy nhiên, theo nhiều tâm sự của GV khi nghỉ việc thì thu nhập không phải nguyên nhân chính mà môi trường làm việc thiếu dân chủ, cùng những áp lực không đáng có với GV là điều khiến họ không thể gắn bó với công việc?
Khảo sát của chúng tôi thì đúng là có nguyên nhân từ áp lực công việc, có những nơi môi trường làm việc còn thiếu dân chủ… Tuy nhiên, nguyên nhân ấy không chiếm tỷ lệ lớn và cũng không phải nguyên nhân chính. Về cơ bản, việc xây dựng văn hóa học đường, thực hiện dân chủ trong trường học đã được thực hiện khá tốt. Hiện tượng mất dân chủ trong trường học chỉ là hiện tượng cá biệt.
Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết liệt rà soát các quy định về hồ sơ, sổ sách đối với GV; tổng kết, đánh giá việc tổ chức các hội thi, hội giảng để điều chỉnh theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu và điều kiện tham gia của GV, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý nhằm giảm bớt áp lực của các công việc ngoài chuyên môn của GV.
Mong muốn đội ngũ quản lý phát huy vai trò tự chủ
Đội ngũ quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường làm việc tốt cho nhà giáo, giúp họ gắn bó với nghề. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng do tính tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông chưa cao nên hiệu trưởng dù muốn cũng chưa tạo được môi trường làm việc thực sự lý tưởng với GV? Vậy dân chủ và tự chủ cho nhà trường phổ thông thời gian tới, theo ông có cần thay đổi?
Đội ngũ quản lý các nhà trường đều trưởng thành từ GV và phần lớn họ đều rất tâm huyết, hiểu GV của mình cần gì, mong muốn gì để từ đó tạo môi trường làm việc tốt nhất trong điều kiện có thể.
Về mặt chính sách, Bộ đã tạo điều kiện tốt nhất để các cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm thông qua xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với thực tế dạy học thay vì thực hiện cứng nhắc theo một quy định chung.
> Học sinh vẫn thiếu sách giáo khoa dù NXB đã hứa hẹn
> Bộ GD-ĐT ban hành công văn yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học mới
Theo báo Thanh Niên