Trên văn đàn khi ấy xuất hiện khá nhiều tác phẩm, nhất ra sự ra đời ồ ạt của dòng văn chương mang tư tưởng lãng mạn tiểu tư sản. Nhân vật ưa thích bấy giờ của các tác giả thường tập trung vào giới thượng lưu, những ông cử, bà tuần, cậu ấm, cô chiêu sống trong nhung lụa.
Trong những tác phẩm này một xã hội yên bình, khoan thai được tô vẽ, không có gì đáng nói ngoài những chuyện tình trái ngang của các cặp trai tài gái sắc không phải lo lắng cho cuộc sống.
Nhiều nhà văn đương thời tỏ ý phản đối với lối viết thêu hoa dệt gấm giả tạo như vậy. Họ tự đặt cho mình nhiệu vụ dùng ngòi bút để lật tẩy những ung nhọt xã hội, qua đó phản ánh chân thực cho độc giả thấy được sự thật khắc nghiệt của cuộc sống.
Ngược lại với các nhà văn lãng mạn tư sản, nhân vật được khai thác trong tác phẩm là những mẫu người thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội. Những con người cùng cực, nheo nhóc đang ngụp lặn trong bể khổ.
Nguyên Hồng là một trong những nhà văn đầu tiên có ý thức về điều này. Thời thơ ấu cơ cực đã dạy cho ông biết thương xót những con người cùng cảnh ngộ và cũng bởi lẽ đó đã khiến ông viết nên những trang văn ca ngợi bênh vực kẻ yếu.Bỉ vỏ ra đời như một hệ quả tất yếu. Đây là một tác phẩm đầu tay giúp Nguyên Hồng gây được ấn tượng trên văn đàn. Một tiểu thuyết định hình phong cách, đồng thời chỉ ra được những mặt còn hạn chế tồn tại trong thế giới quan ban đầu của tác giả.
Bỉ vỏ viết về số phận của một người đàn bà lưu manh mang tên Tám Bính. Khác với những tác phẩm cùng đề tài, Nguyên Hồng đặc biệt chú ý đến sự phát triển của tình huống và tính cách nhân vật. Đặc biệt ông không miêu tả đời sống các nhân vật lưu manh ở thế tĩnh tại mà nêu bật lên quá trình lưu manh hóa, bần cùng hóa của mảnh đời bất hạnh.
Mở đầu Bỉ vỏ xây dựng Bính là một thiếu nữ rất hồn nhiên, chân chất, thực thà. Cô sinh ra tại một gia đình theo đạo nhưng tấn bi kịch của Bính bắt đầu đổ ập xuống khi cô bị một tên tham đạc điền lừa bịp và phụ bạc. Tên tham Chung là người đầu tiên gieo tai họa cho Bính, kẻ đã phủi áo ra đi khi nàng còn đang bụng mang dạ chửa.
Tiếp đó các phong tục lạc hậu, ấu trĩ và vô đạo bấy giờ đã đẩy lòng bạc ác của bố mẹ Bính lên cao. Ông bà bán cháu để đổi lấy thanh danh gia tộc, mặc cho Bính đang ngơ ngác, thẫn thờ không hiểu chuyện gì xảy ra.
Bính bỏ nhà lên Hải Phòng tìm tình nhân thì bị một thằng thanh niên lừa bịp, cưỡng hiếp. Cô bị đánh ghen và đưa vào nhà thổ của mụ Tài sế cấu, rõ ràng xã hội thối nát đến mức đẩy một cô gái trong sạch lao thẳng xuống bùn nhơ.
Trước hoàn cảnh khó khăn, nhục nhã ấy, Bính gặp Năm Sài Gòn. Một gã du thử du thực sống bằng nghề trộm cắp, đâm thuê chém mướn, mà theo nhà văn Nguyên Hồng miêu tả với một cái tên tiếng lóng của giới lưu manh xã hội là “chạy vỏ”. Từ một cô gái nông thôn trong sáng Bính đã trở thành một “bỉ vỏ” thực thụ.
Nàng theo chồng tham gia những phi vụ trộm cắp. Nàng chứng kiến cảnh đâm chém mà không mảy may kinh sợ. Từ đó cuộc đời người con gái long đong chìm nổi không thoát được con đường tối tăm mặc dù sâu trong thâm tâm nàng luôn muốn hướng thiện. Số phận của Bính kết cục trong bi thảm, bế tắc, một màu sắc chung của những kiếp người khốn khổ đến khốn nạn trước khi cách mạng bùng nổ.
Trong Bỉ vỏ ta thấy một Nguyên Hồng rất tự nhiên, có phần ngây ngô, đơn giản. Ông dùng nhân xưng “chàng – nàng” để phủ sự ưu ái của mình lên các nhân vật. Đọc Bỉ vỏ độc giả không khỏi cảm thương cho số phận con người hiền lành, lương thiện bị xã hội đày đọa, vùi dập, một cách tàn nhẫn. Một giai đoạn mà người với người nhìn nhau, cay đắng không khác loài lang sói.
Quá trình lưu manh hóa của Tám Bính được miêu tả rõ từ những nguyên nhân xã hội. Nàng không lười biếng, cũng chẳng lẳng lơ, không sống buông tuồng hay trễ nải. Trái lại nàng còn rất chăm chỉ, lao động chân chính, lên án những đồng tiền dơ bẩn vấy máu mà Năm Saigon đem về.
Dưới ngòi bút của Nguyên Hồng, Tám Bính là một cô gái xinh đẹp với nhiều đức tính đáng quý, thể hiện thái độ trân trọng xót thương của nhà văn với các nạn nhân trong xã hội đương thời.
Nhưng ở đời không có mâu thuẫn nào mà cuối cùng không được giải quyết. Tấn bi kịch của Tám Bính cũng vậy. Nhưng nó không thể xảy ra như chủ quan của Tám Bính mong đợi. Ngày Năm Sài Gòn hoàn lương đã tan tành mây khói. Tấn bi kịch ấy đã quay đầu đi ngược.
Tám Bính trở thành một “bỉ vỏ”, một “bỉ vỏ” lành nghề. Thậm chí nàng còn biết dùng nhan sắc của mình để phỉnh lừa con mồi, ăn cắp tiền của bọn trai trẻ háu gái. Bi kịch đẩy lên cao khi hai vợ chồng Tám Bính đã ăn cắp khoản tiền của một ông cụ khốn khổ để đánh bạc, tiêu pha phè phỡn.
Nguyên nhân ấy dẫn đến một cơn sang chấn tinh thần cực mạnh ở Bính khiến nàng day dứt về cuộc đời của mình. Trong khi đó Năm Sài Gòn và đám đàn em được dịp thích thú, hả hê vì đã bóp méo được nhân cách của một kiếp người.
Năm Sài Gòn là một sản phẩm lầm lỗi của xã hội Việt Nam trước cách mạng. Một kẻ tứ cố vô thân, lang thang khắp nơi, vào tù ra khảm như đi chợ. Tinh thần hung ác như súc vật. Hắn yêu Tám Bính là thế nhưng cũng nhẫn tâm, phũ phàng đuổi nàng ra khỏi nhà với những ngôn từ cay nghiệt nhất, nào thì “có cút xéo hay không”, nào thì “chó đểu nào”.
Năm Saigon là một điểm yếu chí tử của Nguyên Hồng. Nếu ông miêu tả Tám Bính đậm nét chân thực bao nhiêu thì Năm Sài Gòn hời hợt, dễ dãi bấy nhiêu. Thậm chí nhà văn còn thể hiện hắn dưới thái độ ngạo nghễ, dũng cảm, cầm dao tả xung hữu đột đề cứu anh em dẫn dắt người đọc vào tư tưởng hâm mộ cảm phục nhiều hơn sự phê phán.
Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ trong khi tuổi đời chưa tròn hai mươi. Tâm hồn non trẻ, trắng trong của nhà văn lúc này là một tâm hồn dạt dào tình hương và lòng nhân đạo, đã đem lại cho căn chương đương thời nhiều đời mới về cuộc sống và con người.
Nhưng cũng vì vốn sống và kinh nghiệm tích lũy còn hạn chế nên Bỉ vỏ vẫn ít nhiều tồn tại một cái nhìn lý tưởng, đề cao đời sống nay đây mai đó của đám lưu manh. Ông gán cho họ những phẩm chất cao quý nhưng chưa bóc tách được rõ ràng các tầng lớp, lẫn lộn giữa dân nghèo với đám lưu manh, khiến các nhân vật đều sở hữu chung một tông màu.
Sở dĩ Bỉ vỏ trở thành một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của văn chương Việt Nam chính vì nó sở hữu một cốt truyện hiếm có. Nguyên Hồng lôi cuốn người đọc bằng cốt truyện ấy. Mặc dù kể đủ thứ chuyện nhơ nhuốc khổ đau nhưng ông khiến đọc giả phải si mê, ngây ngất bằng ngòi bút ngây thơ, đầy tính nhân văn của mình.
Theo zing.vn