Cái cá tính mạnh mẽ cũng thể hiện trong các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều. Dù đó là những sáng tác cho thiếu nhi, ngòi bút của ông vẫn tỏ rõ được sức nặng của sự tìm tòi và khao khát mới mẻ.


Bí mật hồ cá thần xóa bỏ hoàn toàn lối trần thuật giản đơn thường thấy trong các sáng tác văn học thiếu nhi cùng thời bấy giờ. Nguyễn Quang Thiều bằng ngòi bút hiện thực huyền ảo đã tạo dựng nên một bầu không khí huyền thoại với đầy những bí ẩn, những phi lý nhưng vô cùng lý thú, và quyến rũ.
Tại đầm Vực, có một con cá đã sống tới 50 năm. Đó là con cá một mắt mà người dân trong làng tìm mọi cách cũng không thể nào bắt được. Dân làng sợ hãi đến mức cho rằng con cá đã thành quỷ, và có những dự cảm không lành mỗi khi con cá xuất hiện.
Những người già như bà nội Mon thì luôn tin rằng đó là con cá thần, không ai có thể bắt được. Bà còn cảm thấy một không khí linh thiêng ở dưới đầm Vực, khi khẳng định rằng vẫn nhìn thấy vị sư và nghe tiếng gõ mõ từ dưới đầm vọng lên.


bí mật hồ cá thần


Biết bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt nên. Lũ trẻ trong xóm như anh em Mon đều rất tò mò, nhưng chúng dường như đứng bên ngoài “cuộc chơi”, cho đến khi Mon được ông Bộc kể cho bí mật về con cá thần.
Từ lúc ấy, với sự ra đi của ông Bộc, với ý chí kiên quyết giữ lời hứa, những đứa trẻ trong làng đã bắt đầu dấn bước vào một cuộc phiêu lưu vô cùng tuyệt vời. Từ cuộc phiêu lưu ấy, cái thông minh, khí khái, cái hồn nhiên đầy sức sống của những đứa trẻ đã được bộ lộ sắc nét.Vốn là một tác giả rất say mê tạo dựng không khí cổ quái nửa thực nửa hư, nên trong Bí mật hồ cá thần, Nguyễn Quang Thiều cũng đã phả vào câu chuyện của mình một cảm giác kỳ quái, đôi khi khiến những người yếu tim phải giật mình.
Ấy thế nhưng những đứa trẻ trong tác phẩm này lại được hiện diện bằng một hình ảnh đượm chất sử thi. Cái chất sử thi ở đây chính là tập trung sức mạnh vào nhân vật chính, biến nhân vật chính thành một anh hùng.


Có thể nói, người anh hùng ấy chính là cậu bé mười ba tuổi, tên Mon. Cậu bé đã bắt được con cá thần, bằng một dẫn dắt mang đậm tính li kỳ. Độc giả nhỏ tuổi sẽ đặc biệt yêu thích cuốn sách này bởi cái không khí có chút “phép thuật” được gợi ra ấy. Nhưng bằng lối viết nhiều tầng lớp, đầy chất triết lý thâm trầm, sâu kín, Bí mật hồ cá thần vẫn đủ sức khiến những độc giả lớn tuổi, với lịch sử đọc sâu rộng cũng phải suy niệm, ngâm ngợi.
Tác phẩm không chỉ là một cuộc phiêu lưu với con cá một mắt đã sống hơn 50 năm ở đầm Vực mà nó còn là một hành trình khám phá bí ẩn những ngõ ngách sâu tối nhất của con người.


Bởi thế cuốn sách không đơn giản chỉ là một cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn, nó còn là một lời tự sự cảm động, về những riêng tư, những nỗi lòng của trẻ con, của người lớn, mang đậm phong vị nhân tình thế thái, mà trên những trang viết của mình Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định rằng cần phải có sự chân thành, lòng tin và sự ân cần mới có thể khiến trái tim mỗi người mở lòng với nhau, để những “nỗi đời riêng” ấy được biết đến mà san sẻ, mà an ủi.
Hình ảnh những đứa trẻ nhỏ xúm xít bên ông Bộc, nghe ông kể chuyện, cùng chuẩn bị bữa ăn cho ông thật cảm động. Những đứa trẻ ham nghịch ngợm, nghĩ ra đủ trò láu cá thường ngày đã trở nên “dịu dàng”, và ấm áp như vậy.
Ấy là hình ảnh mà ta có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào giữa đời sống, trong bất kỳ khoảng thời gian nào, nhưng nó vẫn luôn gợi được những rung cảm mãnh liệt đến tâm hồn mỗi người chứng kiến. Trẻ thơ luôn giống như những thiên thần, và phép màu của chúng đều được tạo nên từ tình thương thơ dại và hồn hậu mà người lớn thật khó có thể chạm vào được.


Bằng ngôn ngữ đậm chất trữ tình, gợi cảm, Bí mật hồ cá thần gói ghém rất nhiều những cung bậc cảm xúc, tạo nên một không gian vừa lãng đãng với gió mát trăng thanh, vừa huyền bí với những âm điệu buồn vương như tiếng thở dài của người lớn, lại vừa có chút rộn ràng, bộc trực của trẻ nhỏ.
Ngôi làng bên đầm Vực ấy cũng giống như biết bao nhiêu ngôi làng trên khắp đất nước này, ẩn giấu những bí ẩn, như thế giới trẻ thơ cũng chất đầy những bí ẩn bất ngờ, mà ta cần rất nhiều thời gian để khám phá, để ngỡ ngàng và chiêm ngưỡng nó.
Bí mật hồ cá thần đoạt giải B trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1996 – 1997 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tác phẩm vừa được tái bản lần thứ 5 trong loạt ấn phẩm kỷ niệm 60 năm thành lập NXB Kim Đồng.