Các bài test tính cách đang trở thành một trong những công cụ giúp đánh giá ứng viên hiệu quả. Hiểu rõ về mục đích của hệ thống bài test sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra lựa chọn chính xác hơn cũng như giúp ứng viên nhận biết rõ hơn về bản thân mình.
1. Bài test MBTI
MBTI (Myers-Briggs Type Indication) - trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs Type là một phương pháp sử dụng hàng loạt các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích tính cách con người.
Phương pháp này có nền tảng từ lý thuyết phân loại của Carl Gustav Jung - Bác sĩ người Thụy Điển - cha đẻ của “Tâm lý học phân tích” và được Katharine Cook Briggs cùng con gái của bà, Isabel Briggs Myers phát triển hoàn thiện trong chiến tranh thế giới thứ hai. MBTI thực sự trở nên nổi tiếng và phổ biến khi được giới thiệu ở hai cuốn “Please understand me” I và II của David Keirsey từ những năm 50 của thế kỉ 20 và được người Nhật đưa vào ứng dụng thực tiễn từ năm 1962.
MBTI dùng một chuỗi các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến các vấn đề cơ bản trong cuộc sống với các đáp án để lựa chọn.Tổng kết bài trắc nghiệm sẽ cho ra kết quả để đánh giá bạn là người có tính cách như thế nào thông qua phương pháp phân loại. Sự phân loại này dựa trên 4 nhóm tính cách cơ bản, mỗi nhóm là một cặp lưỡng phân của 8 yếu tố chức năng, nhận thức:
- Xu hướng Tự nhiên: Hướng ngoại (Extroversion) - Hướng nội (Introversion)
- Tìm hiểu và Nhận thức Thế giới: Giác quan (Sensing) - Trực giác (INtution)
- Quyết định và chọn lựa: Lý trí (Thinking) - Tình cảm (Feeling)
- Cách thức và Hành động: Nguyên tắc (Judgment) - Linh hoạt (Perception)
Mỗi yếu tố của 4 nhóm trên kết hợp với nhau tạo thành 16 nhóm tính cách MBTI
MBTI là một trong những bài trắc nghiệm tính cách phổ biến nhất thế giới với hơn 2 triệu người mới sử dụng mỗi năm và đặc biệt được ứng dụng trong các hoạt động tuyển dụng, đánh giá nhân sự, giáo dục, hướng nghiệp… Làm trắc nghiệm MBTI ở TopCV ngoài việc được phân loại tính cách theo 16 nhóm của phương pháp Myers-Briggs thì các dữ liệu thông tin sẽ được tổng hợp để đưa ra xu hướng nghề nghiệp phù hợp nhất với bạn.
2. Bài test Trắc nghiệm Holland
Đây là bài trắc nghiệm được phát triển bởi John Holland – một vị tiến sĩ tâm lý học lừng danh người Mỹ. Có thể nói đây là một trong những bài trắc nghiệm tính cách có độ chính xác cao, bởi chúng được sử dụng rộng rãi trong việc hướng nghiệp phổ thông tại các quốc gia có tiếng tăm trong lĩnh vực giáo dục như Hà Lan, Thụy Sỹ,…
Trắc nghiệm Holland giúp định hướng nghề nghiệp dễ dàng.
Về cơ bản, bài trắc nghiệm tính cách Holland chia tính cách con người thành 6 nhóm riêng biệt, tương ứng với đó là 6 nhóm ngành nghề phổ biến:
- Nhóm ngành nghề nghiên cứu (Investigative): Nhóm ngành nghề này hội tụ những con người thích quan sát các sự vật, sự việc; thích tìm tòi, phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề nào đấy.
- Nhóm ngành nghề kỹ thuật (Realistic): Đây sẽ là những người thích khám phá các loại máy móc, dụng cụ, kỹ thuật,…
- Nhóm ngành nghề nghệ thuật (Artistic): Họ là những người có độ am hiểu về nghệ thuật; họ có khả năng sáng tạo, nhạy cảm và tinh tế trước những điều diễn ra trong cuộc sống; thích được làm trong những ngành nghề liên quan đến sáng tạo như điện ảnh, viết lách,…
- Nhóm ngành nghề xã hội (Social): Những người trong nhóm này sẽ mang những nét tính cách tiêu biểu như thích giúp đỡ, chữa trị hoặc chăm sóc cho người khác.
- Nhóm ngành nghề quản lý (Enterprising): Những người thuộc nhóm này sẽ xu hướng làm doanh nhân, quản lý tương lai. Họ thích làm việc với những người khác, có khả năng tác động, thuyết phục, thể hiện, lãnh đạo hoặc quản lý các mục tiêu của tổ chức, các lợi ích kinh tế.
- Nhóm ngành nghề nghiệp vụ (Conventional): Vừa nghe qua đã khá tỏ thường. Những người trong nhóm ngành nghề nghiệp vụ sẽ nhanh nhạy với những con số, dữ liệu, thông tin; đồng thời có khả năng làm những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết.
3. Bài test Trắc nghiệm về 8 loại trí thông minh
Theo ông Howard Gardner, nhà tâm lý học phát triển người Mỹ và là giáo sư nghiên cứu về nhận thức và giáo dục tại Đại học Harvard, ông tin rằng trí thông minh có đến 8 loại khác nhau. Ông cũng mạnh mẽ tuyên bố rằng con người không được sinh ra với cả 8 loại trí thông minh.
Ông Howard Gardner tin rằng trí thông minh có đến 8 loại khác nhau.
Khái niệm này của ông đã không ít lần thách thức quan niệm truyền thống rằng con người chỉ có một loại trí thông minh duy nhất – khả năng nhận thức. Để mở rộng khái niệm này về trí thông minh, Gardner đã giới thiệu 8 loại trí thông minh khác nhau bao gồm:
- Trí thông minh nội tâm (Intrapersonal): Người sở hữu loại trí thông minh này thường sẽ luôn biết rõ bản thân muốn và thích gì. Họ thích ngẫm nghĩ mọi việc trong im lặng, tự đánh giá những điều đã thực hiện được để từ đó lập kế hoạch và mục tiêu cụ thể.
- Trí thông minh ngôn ngữ (Verbal-linguistic): Tiếp xúc với một ngôn ngữ mới ở cùng một thời điểm, nhưng chắc chắn sẽ có những người nhạy bén hơn hẳn. Đó là do họ sở hữu trí thông minh ngôn ngữ. Họ là những người có khả năng đọc – viết tốt; biết cách truyền đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng qua ngôn ngữ.
- Trí thông minh tự nhiên (Naturalistic): Người sở hữu trí thông minh này thường rất yêu thích các hoạt động ngoài trời và gần gũi với thiên nhiên. Họ dễ dàng nhận biết các loài động, thực vật khác nhau và thông thạo trong việc áp dụng các phương pháp khoa học để trồng trọt, chăn nuôi,…
- Trí thông minh âm nhạc (Musical): Những người có trí thông minh này vô cùng nhạy cảm với âm thanh; có độ cảm âm cực kì tốt. Bên cạnh đó, họ còn có khả năng sáng tác, sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ khác nhau. Khả năng ca hát của họ được xem là trời phú.
- Trí thông minh không gian – thị giác (Visual-Spatial): Đây là những người sở hữu khả năng cảm nhận về không gian rất nhạy bén. Trí tưởng tượng của họ phong phú nên rất dễ dàng nắm bắt ý nghĩa của sự việc qua mặt hình ảnh, mô hình, biểu đồ,…
- Trí thông minh thể chất (Bodily-Kinesthetic): Những người sở hữu trí thông minh thể chất thường có cơ thể dẻo dai, khéo léo. Họ kiểm soát từng cơ trong cơ thể rất tốt. Họ đam mê các hoạt động vận động cơ thể, vui chơi thể thao, nhảy múa,…
- Trí thông minh tương tác và giao tiếp (Interpersonal): Nghe qua đã hiểu ngay. Đây là những người rất nhạy bén và tinh tế với cảm xúc của đối phương. Họ rất dễ dàng kết nối với một ai đó. Một nét đặc điểm nổi bật ở nhóm người sở hữu trí thông minh này là làm việc nhóm hiệu quả, truyền cảm hứng,…
Bên cạnh 8 loại trí thông minh phổ biến, Gardner còn cho rằng sẽ còn rất nhiều loại trí thông minh khác, ví dụ như: trí thông minh tâm linh, trí thông minh hiện sinh và trí thông minh đạo đức,…
4. Bài test theo Mô hình DISC
Mô hình DISC trong tiếng Anh được gọi là DISC model hay DISC assessment hay DISC personality test.
Mô hình DISC là mô hình dùng để nhận diện tính cách, hành vi của con người, đặc biệt là trong tuyển dụng nhân sự.
Mô hình DISC được nghiên cứu và xây dựng bởi nhà tâm lí học William Moulton Marston – còn được gọi là Charles Moulton. 4 chữ cái D, I, S, C đại diện cho 4 nhóm tính cách của con người: Dominance (thống trị), Influence (ảnh hưởng), Steadiness (kiên định), Conscientiousness (tuân thủ).
Dựa theo mô hình DISC, bạn có thể phân tích và đưa ra nhận định tính cách của bản thân và người đối diện. Từ đó, bạn có thể linh hoạt thay đổi phương pháp giao tiếp phù hợp để cả hai đều cảm thấy thoải mái và cuộc hội thoại đạt hiệu quả cao.
Mô hình sắp xếp các nhóm tính cách theo từng cặp đối lập: Chủ động – Bị động; Tập trung vào công việc – Tập trung vào con người:
- Dominance (D) – "Thống trị": Những người nằm trong nhóm này thường có những đặc điểm như tự chủ, năng động, nhanh nhẹn, có mức độ tập trung công việc cao, thích cạnh tranh và chú trọng đến kết quả công việc.
- Influence (I) – "Ảnh hưởng": Hăng hái, thân thiện, lạc quan, hòa đồng, nhiệt tình và có khả năng thuyết phục tốt là những dấu hiệu nhận diện của những người thuộc nhóm I.
- Steadiness (S) – "Kiên định": Những người thuộc nhóm S có những đặc tính nổi bật như thật thà, kiên nhẫn, biết lắng nghe, khiêm tốn trong mọi việc.
- Compliance (C) – "Tuân thủ": Dấu hiệu nhận biết những người thuộc nhóm C là thận trọng, suy tư, tính kỉ luật cao, thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra, đòi hỏi tính chính xác cao trong công việc.
Trong khi tính cách của một người thường bị chi phối bởi một yếu tố chính, bài trắc nghiệm tính cách này cũng tìm hiểu cách cả bốn đặc điểm trên tương tác với nhau và ảnh hưởng đến hành vi của người đó.
5. Bài test 16 Personality Factor Questionnaire/ 16PF Test
Trắc nghiệm 16 yếu tố tính cách đã tạo ra một bảng phân loại gồm 16 đặc điểm tính cách khác nhau. Nó có thể được sử dụng để mô tả và giải thích sự khác biệt cá nhân giữa tính cách của mọi người. Bài test này được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trong tư vấn nghề nghiệp và trong kinh doanh để kiểm tra và lựa chọn nhân viên.
Nhờ vào phạm vi kiểm tra toàn diện, bảng câu hỏi về 16 yếu tố tính cách có thể được sử dụng để xác định các kiểu hành vi trong nhiều hoàn cảnh thực tế.
Nó có thể được sử dụng để tìm hiểu về cách đối phó, hành động, khả năng đồng cảm, nhu cầu tương tác giữa các cá nhân, thái độ đối với quyền lực, quy tắc hoặc tiêu chuẩn xã hội, sở thích nghề nghiệp của một người.
Bài test bao gồm 185 câu hỏi trắc nghiệm bắt buộc, trong đó người trả lời phải chọn một trong ba phương án khác nhau. Thời gian dự kiến để hoàn thành rơi vào khoảng 35 đến 50 phút. Những câu trả lời sẽ được đo lường qua điểm số và cuối cùng được tổng kết để tìm ra loại tính cách phù hợp với người trả lời câu hỏi.
6. Bài Kiểm Tra 5 Tính Cách Lớn
Bài kiểm tra này tuân theo mô hình “5 yếu tố” – một khái niệm dựa trên thực nghiệm trong tâm lý học nhằm đánh giá 5 khía cạnh bao trùm của tính cách: hướng ngoại (extraversion), tận tâm (conscientiousness), dễ chịu (agreeableness), cởi mở (openness) và ổn định cảm xúc (emotional stability).
Big Five Personality Test còn có tên gọi khác là OCEAN Personality Test.
Khác với mô hình MBTI, bài Kiểm Tra 5 Tính Cách Lớn sẽ không chỉ định loại tính cách của bạn, mà sẽ kiểm tra xem bạn đang chiếm bao nhiêu phần trăm/ điểm trong từng khía cạnh tính cách:
- Hướng ngoại (Extraversion): Hòa đồng/mạnh mẽ ___ Đơn độc/kín đáo.
- Tận tâm (Conscientiousness): Tận tâm/thiết lập ___ Dễ dãi/ bất cẩn
- Dễ chịu (Agreeableness): Thân thiện/có lòng trắc ẩn ___ Cứng nhắc/tách biệt
- Cởi mở (Openness): Sáng tạo/hiếu kỳ ___ Kiên định/chắc chắn
- Mức ổn định cảm xúc (Emotional stability): Nhạy cảm/hoảng sợ ___ Vững chắc/tự tin.
Bài trắc nghiệm tính cách này sẽ yêu cầu người thực hiện tự chấm điểm trên thang điểm từ 1 (rất không chính xác) đến 5 (rất chính xác). Bản chất của cấu trúc bài kiểm tra là phù hợp nhất để đánh giá các yếu tố và động lực của các người thực cho các mục đích học tập và phát triển và trưởng thành.
> Nên làm gì khi đến sớm trong vòng phỏng vấn?
> “Do you have any question?” - Câu hỏi tưởng không khó mà khó không tưởng khi phỏng vấn xin việc
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp