Định hướng nghề nghiệp cho con là một trong những cột mốc quan trọng mà cha mẹ cần đồng hành để tiếp sức cho con. Vậy thì cha mẹ nên làm gì để định hướng cho con hiệu quả?
1. Tinh tế quan sát và lắng nghe nguyện vọng của con
Có lẽ bạn đã biết nhưng không quá để tâm, con trẻ đã từng có một ước mơ. Tuy nhiên, theo thời gian khi con khôn lớn thì ước mơ ấy đã biến chuyển ra sao và năng lực của con phát triển theo xu hướng nào? Cha mẹ thường cho rằng ước mơ thuở bé của trẻ chỉ là suy nghĩ non nớt, ngộ nghĩnh và trẻ sẽ chóng quên mà thôi. Dẫu vậy, tính cách của trẻ đã phần nào thể hiện trong ước mơ ngày đó. Chẳng hạn như thuở bé, trẻ muốn trở thành họa sĩ. Vậy là bé quậy tan tành cả nhà chỉ vì bức vẽ sinh động đó. Bạn cảm thấy đó là một tai họa không chỉ cho căn nhà mà cho bất kỳ ai thưởng thức bức vẽ ấy. Thế nên bạn bóp nát trò nghịch ấy và đưa bé rời xa hội họa mà chưa từng thực sự nghiền ngẫm liệu rằng bé có thích hợp để tiếp tục tiến bước xa hơn trên con đường ấy hay không? Hãy ngồi xuống và suy ngẫm cẩn thận. Trẻ thích vẽ và sự nghiệp của bé chưa hẳn là hoàn toàn về hội họa. Bạn có thể định hướng cho bé lựa chọn theo ngành thiết kế thời trang hay thiết kế công trình, kiến trúc, v.v đấy!
Do vậy, hãy tinh tế quan sát hành vi của bé. Từ chi tiết nhỏ nhất đến hành động "vĩ đại" của bé từ nhỏ đến lớn để đúc kết ra sở trường của bé. Bên cạnh đó, hãy lắng nghe nguyện vọng của con thay vì chỉ nhìn vào sở trường, sở đoản của bé mà thôi. Bằng cách này, cha mẹ có thể hiểu con sâu hơn và có thể giúp con đưa ra cách lựa chọn phù hợp cho nghề nghiệp tương lai.
Cách định hướng nghề nghiệp cho con hiệu quả
2. Đừng áp đặt mà hãy để con tự do lựa chọn
Thời bé, tôi từng nghe chị tôi thuyết phục ba mẹ khi lựa chọn ngành nghề tại trường đại học: "Con đường con đi do con lựa chọn. Nếu có vấp ngã, con sẽ tự đứng lên." Là cha là mẹ, bạn không thể theo bước chân con cả đời được hay sống thay con cuộc đời ấy. Bởi vậy nên bạn hãy để con lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Có lẽ nhận định của bạn về ngành nghề đó là chính xác, quan điểm của bạn là đúng đắn và thậm chí đề xuất về ngành nghề cho con bạn đưa ra phù hợp với năng lực của con bạn nhưng chưa chắc đó là lựa chọn tối ưu với con của bạn. Bởi lẽ trong thời gian sống cùng gia đình từ bé đến năm 12 thì việc học tập của con là do bạn sắp xếp và quyết định. Do vậy, những môn học, những kỹ năng ấy đều căn cứ trên nhận định từ trước của bạn mà thôi. Mà con của bạn thì đã "lớn" rồi. Chúng cần được tôn trọng và được chắp cánh để trưởng thành. Bởi vậy nên, hãy để trẻ thử những điều trẻ muốn, làm những điều trẻ thích và lựa chọn những gì chúng khát khao. Và bạn nên tiếp sức cho trẻ, nên đầu tư cho trẻ chứ đừng can thiệp vào quyết định của trẻ. Vì chúng có cả tương lai phía trước, có cả tiềm lực phát triển và cần được xã hội mài giũa để trưởng thành.
3. Tạo cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tế cho con
Để con trẻ có năng lực phán đoán tốt nhất thì điều tối ưu nhất mà cha mẹ nên làm không phải là lựa chọn cho con, tư vấn con nên chọn ngành này, trường nọ mà nên trao cho con cơ hội để trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn như nếu con bạn muốn đi sâu vào con đường công nghệ thông tin thì nên cho trẻ đến các lớp dạy lập trình, đưa trẻ đến các buổi tham quan thực tế, triển lãm do Google, Facebook, Alibaba, v.v tổ chức để chúng mở rộng tầm mắt và hiểu rõ về những công việc mà tương lai chúng sẽ đảm nhận nếu lựa chọn đi trên con đường này.
4. Tìm hiểu, nắm bắt và phân tích thị trường nguồn nhân lực của xã hội
Bên cạnh việc tôn trọng ý kiến của con thì việc nắm bắt tình hình xã hội, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp sẽ là cách tốt nhất để đưa ra lời tư vấn cho con. Hãy phân tích cho con biết giá trị của nghề A, tiềm năng của nghề B, yêu cầu công việc của nghề C, v.v để con có nhiều thông tin nhất có thể và đưa ra sự lựa chọn tối ưu cho ngành nghề tương lai của bản thân.
Ngoài ra, cha mẹ hãy nhớ kỹ một điều: "Áp lực tạo thành kim cương". Trẻ phải té ngã, phải được mài giũa thì mới có thể thành tài. Trẻ không cần phải chọn đúng ngay từ ban đầu mà trẻ có thời gian để học cách trưởng thành, học cách đứng lên sau thất bại. Với tư cách là cha mẹ, hãy là người đồng hành, người đưa ra ý kiến, đầu tư và là bến bờ để trẻ có thể trở về sau những ngày giông bão nhé!
> TOP 5 cuốn sách phát triển cảm xúc dành cho trẻ
> TOP 3 sách hay giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo CQ
Theo Long Huỳnh - Kênh tuyển sinh