kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đang cận kề, áp lực lên các thí sinh ngày càng gia tăng. Vậy để làm bài thi một cách hiệu quả nhất thì các sĩ tử nên lưu ý những điều gì?
Xem thêm:
>>> Trăm ngàn cách ôn thi mùa World Cup 2018 của các bạn học sinh 2K
>>> Bí kíp đạt hiệu quả 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018
>>> Kỹ năng để thí sinh đạt điểm cao môn Khoa học tự nhiên
Ngủ sớm, tập dậy sớm (5h sáng)
Vào mùa tuyển sinh 2018, các bạn thí sinh thường thức khuya để "vùi mài kinh sử". Tuy nhiên, đây là một thói quen sai lầm. Đầu tiên bạn phải ngủ đủ giấc để đảm bảo được sức khỏe trong suốt thời gian ôn luyện và thi. Việc nghĩ đơn giản nhưng không hề đơn giản. Ngủ sớm, dậy sớm là một thói quen cần được tập luyện hàng ngày. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho đầu óc của bạn. Nó khiến cơ thể bạn hoạt động đúng theo đồng hồ sinh học, tinh thần thoải mái, phấn chấn. Trong thời gian ôn luyện, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu được kiến thức hiệu quả. Từ đó, mới có những phút xuất thần ra bài khó hay ý tưởng mới lạ trong đoạn văn,...
Tập ngủ trưa 30 phút
Thường các bạn có thói quen ngủ trưa từ 2 -3 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, việc này thật tai hại vì bạn có thể ngủ quên vào ngày thi. Theo thông tin Kênh tuyển sinh thu thập được, trường hợp ngủ quên bỏ thi buổi trưa chiếm 60%, buổi sáng 40%. Vì vậy, bạn cần phải thiết lập lại thời gian nghỉ trưa của mình trong khoảng 30 phút tạo thành thói quen cho những ngày sắp tới. Dựa theo lịch thi THPT Quốc gia, các bạn sẽ thi trong 2 ngày liên tiếp, ngủ trưa là điều cần thiết để khôi phục lại sự tinh nhạy của đầu óc. Đừng để ước mơ của mình lại bị trì trệ chỉ vì thói quen ngủ trưa không đúng cách.
Xem lại kiến thức tổng quan
Trước ngày thi 1 - 2 ngày, bạn nên ôn lại các kiến thức tổng quan của từng môn thi và giải các đề thi thử để xem mình còn chưa ôn phần nào. Sau đó, bạn sẽ ghi ra giấy những phần mình chưa rõ để xen lại hoặc hỏi bạn bè, thầy cô. Có thể phần mập mờ đó sẽ là phần được cho trong đề thi của bạn. Cách giải đề thi thử giúp bạn hệ thống được toàn bộ vấn đề đã học và tăng thêm kĩ năng phân bố hợp lí. Khi hoàn thành xong bài thi thử, bạn nên tự chấm điểm cho bài làm của mình và so với điểm chuẩn ĐH - CĐ năm trước. Từ đó, bạn sẽ nắm vững các kiến thức đã học một cách dễ dàng và đánh giá được năng lực của mình. Bên cạnh đó, các sĩ tử nên thiết lập thời gian biểu giảm dần sáng 4h, chiều 3h và tối 2h.
Vào phòng thi, nhận đề, hít thở sâu, đọc lướt một lượt
Khi nhận được đề thi, bạn hãy dành ra 15 phút để đọc đề, chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau, câu lý thuyết làm trước và câu bài tập làm sau. Nếu bạn phân vân đáp án hoặc chưa làm được, hãy ghi câu đó ra nháp và bỏ qua để tiếp tục làm câu kế tiếp và quay lại sau khi hoàn thành xong. Quan trọng hơn, khi vào phòng thi các thí sinh thường căng thẳng, áp lực và bị quên kiến thức. Thay vì lo lắng, bạn nên hít thật sâu để lấy lại bình tĩnh và chọn câu dễ nhất để làm.
Tận dụng 10 phút kiểm tra đề để làm phần lý thuyết
Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân bao gồm: họ tên, số báo danh… vào phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh sẽ có 10 phút để kiểm tra đề thi. Trong thời gian 10 phút này, theo quy chế thi thì sẽ bao gồm các công việc là giám thị phát đề và thí sinh kiểm tra đề (đề có bị nhàu nát, mờ, nhòe, rách hay thiếu câu hỏi). Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm xảy ra và đây là thời gian quý báu để các bạn đọc sơ đề để làm trước những câu dễ.
Trong thời gian này, bạn sẽ không được quyền cầm bút đánh dấu vào đề. Do đó, thí sinh phải khéo léo dùng móng tay làm dấu câu đã chọn. Việc này sẽ giúp bạn xác định nhanh đáp án khi điền vào phiếu trả lời. 10 phút đối với bài thi trắc nghiệm là vô cùng quan trọng vì vậy bạn hãy biết tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành tốt bài thi.
Theo Kênh 14
Xem thêm:
>>> Chia sẻ thủ khoa 30 điểm: “Làm nhiều đề, làm quen nhiều dạng bài mới”
>>> Học sinh quay như chong chóng để thi cử
>>> Học sinh cần "sàng lọc" để lựa chọn người phù hợp thay vì chỉ thi trắc nghiệm