Với vài cuộc đánh giá năng lực học sinh gần đây, việc phát hiện việc nhiều em được tận 9,25 điểm môn toán nhưng không làm được bài tích phân đơn giản đã đặt ra nhiều câu hỏi cho hình thức thi trắc nghiệm THPT.
Xem thêm:
>>> ĐHQG TPHCM gia hạn thêm thời gian đăng ký dự thi Đánh giá năng lực
>>> Chương trình Cử nhân Quốc tế đào tạo tại Việt Nam của ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM
>>> Lên kế hoạch ôn tập hiệu quả trong tháng cuối cùng trước kỳ thi THPT Quốc gia 2018
Chỉ 2 năm trước khi bộ GD&ĐT công bố việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm đã gây ra những phản ứng trái chiều trong xã hội. Việc thi toán bằng hình trắc nghiệm không chỉ khiến giáo viên và học sinh bàng hoàng mà rất nhiều những giáo sư, phó giáo sư và những người có chuyên môn trong giáo dục & đào tạo ra sức phản đối hình thức này.
Với lập luận noi gương kì thi SAT hay ACT của Mỹ bằng hình thức trắc nghiệm, nhưng theo nhiều chuyên gia việc bắt chước như này chỉ là hình thức nửa vời. Việc thi trắc nghiệm ở Mỹ được coi là thành công khi nó chỉ là công cụ chỉ đủ để đánh giá học sinh một cách đại trà, không sàng lọc rõ ràng được năng lực học sinh.
Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, SAT hay ACT là những kỳ thi do các tổ chức tư nhân tổ chức, nhưng vì tính khách quan và kết quả đáng tin cậy của nó mà hầu hết các trường ĐH của Mỹ đều chấp nhận các kết quả thi này. Ngay cả những trường đỉnh cao như Harvard, họ vẫn dùng, tất nhiên là với yêu cầu điểm thi của ứng viên rất cao so với các trường thứ hạng thấp. Tuy nhiên, điểm SAT hay điểm ACT chỉ là một tiêu chí trong nhiều tiêu chí có trong bộ hồ sơ mà trường yêu cầu ứng viên phải chuẩn bị trong quá trình xét tuyển.
Yếu tố nào để lựa chọn được người phù hợp?
GS. Lâm Quang Thiệp cũng nhận xét: “Trắc nghiệm là một phương thức hiệu quả khi cần lọc thô trên một diện thí sinh đại trà. Nhưng với những kỳ thi mà mục tiêu của nó là chọn ra những cá nhân xuất sắc, có năng lực chuyên biệt về một bộ môn hoặc một lĩnh vực hẹp thì không ở đâu trên thế giới này người ta dùng phương thức thi trắc nghiệm cả. Chẳng hạn như các kỳ thi chọn học sinh giỏi, hay thi Olympic, có bao giờ người ta cho thí sinh làm bài trắc nghiệm đâu, đặc biệt là với môn toán”.
Từ đây, ông Thiệp cho biết: “Với tuyển sinh ĐH, nếu chúng ta không có công cụ đánh giá nào đáng tin cậy ngoài kỳ thi THPT, mà trong đó toán lại thi theo hình thức trắc nghiệm, thì với những trường có ngành nào đó yêu cầu cao về môn toán đối với thí sinh chắc là cần thêm một bước sàng lọc, chẳng hạn tổ chức thi thêm môn toán cho những thí sinh có nguyện vọng mà điểm thi môn này thí sinh trong kỳ thi THPT đạt đến một ngưỡng nhất định nào đó”.
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), người từng nhiều năm làm cố vấn tuyển sinh cho ĐH Harvard, xác nhận không chỉ ĐH Harvard mà nhiều ĐH danh tiếng khác ở Mỹ có đặt ra tiêu chí điểm thi SAT (hoặc ACT, TOEFL…), các bài thi này chủ yếu thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, khác với cách tuyển sinh ĐH của VN là chỉ dựa vào hầu như duy nhất kết quả thi THPT quốc gia (có một số trường xét tuyển học bạ, nhưng đã xét tuyển học bạ lại thường không tham khảo yếu tố điểm thi), các trường ĐH Mỹ, đặc biệt là những trường danh tiếng đặt ra rất nhiều yếu tố nhằm tìm kiếm được những ứng viên phù hợp nhất.
Trường cao đưa ra 5 tiêu chí, trường thấp hơn thì khoảng 3, có những trường hồ sơ nào nộp cũng nhận thì khỏi bàn. Tiêu chí đó gồm có kết quả học ở THPT (ở Mỹ là từ lớp 9); thư giới thiệu của thầy cô đã từng dạy các em ở THPT; các hoạt động, thành tích ngoại khóa… Ứng viên viết vài ba bài luận, qua đó hội đồng tuyển sinh đánh giá suy nghĩ, tầm tư duy, khát vọng của ứng viên. Đặc biệt, khoảng trên trăm trường áp dụng thêm khâu phỏng vấn. Ông Cảnh chia sẻ: “Các tiêu chí xét tuyển của Harvard đầy tính cạnh tranh và phương châm của họ là xét tuyển con người chứ không xét tuyển điểm”.
Cần thêm bước sàng lọc đề đánh giá năng lực thực sự học sinh
"Tôi ủng hộ việc ra đề Toán theo cách thi trắc nghiệm theo hình thức đánh giá kiến thức cơ bản của học sinh. Nhưng nếu cần kiểm tra năng lực sâu sắc, một bài thi trắc nghiệm không thể đánh giá được", PGS.TSKH Vũ Đình Hòa bày tỏ.
GS Lê Tuấn Hoa cho biết: “Tôi tin vài ba năm nữa các trường ĐH của ta sẽ nhận thức được vấn đề, xem kỳ thi THPT đơn thuần chỉ là một kỳ thi xét tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh ĐH sẽ quay lại như trước đây, trường nào muốn thi kiểu gì thì thi, muốn chọn kiểu gì thì chọn”.
GS Lâm Quang Thiệp cũng nhận xét: “Nói ĐH Mỹ thì phổ rộng lắm, từ trường rất cao đến trường rất thấp. Vào những ĐH được coi là tử tế thì quá trình đào tạo rất nghiêm túc, người học còn phải học rất nhiều, sinh viên phải làm việc rất tích cực”.
Theo Thanh niên