4 con đường dành cho sinh viên du học Úc sau tốt nghiệp
1. Ở lại làm việc và tìm cách trở thành công dân Úc
Úc là một trong những nước có môi trường giáo dục phát triển nhất hiện nay. Đây cũng là điểm đến du học lý tưởng của rất nhiều sinh viên các nước trên thế giới. Du học sinh Việt Nam tốt nghiệp hàng năm đều có nhu cầu tìm việc làm và mong muốn định cư ở Úc.
Tại sao đa số du học sinh đều muốn ở lại?
Theo thống kê, 64% du học sinh đã tốt nghiệp quyết định ở lại nước sở tại để sinh sống và làm việc.Trong đó, con số sinh viên theo dạng du học Úc tự túc chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số sinh viên Việt ở Úc. Vì không bị ràng buộc phải quay trở về nước làm việc nên sinh viên thường ở lại Úc tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Mức lương cao, chính sách phúc lợi tốt, kinh nghiệm thực tế nhiều, tiếng Anh được cải thiện là những lý do khiến họ muốn ở lại.
Với những sinh viên quốc tế du học dưới dạng visa du học Úc ưu tiên, họ sẽ được hưởng những quyền lợi ở các khâu thủ tục xin visa và cả khi học tập tại Úc. Nên nhớ là mức lương tại xứ sở chuột túi này cũng khá hấp dẫn nếu bạn tìm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp. Mức lương tối thiểu hàng năm cho sinh viên mới ra trường ở Úc từ 30,000 – 50,000 AUD tùy thuộc vào vị trí và tính chất của từng công việc cụ thể và có tăng lên theo luật định.
4 con đường dành cho sinh viên du học Úc sau tốt nghiệp
Thế nhưng, cơ hội làm việc và định cư tại Úc có dễ dàng?
Để được ở lại làm việc là định cư tại Úc không hề dễ dàng, thông thường sinh viên du học Úc sau tốt nghiệp phải xin được thường trú thì mới được phép ở lại trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, luật nhập cư thì thay đổi theo từng năm, công việc và học tập chiếm nhiều thời gian, áp lực kinh tế luôn lởn vởn trong đầu… Khiến nhiều lúc ta không thể nắm bắt hết được, dẫn đến kế hoạch định cư chệch hướng lúc nào không hay. Việc tham khảo người đi trước hoặc người tư vấn luật là thật sự cần thiết.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc định cư tại Úc:
- Ngành học: Ngành học có liên quan mật thiết đến việc có được ở lại Úc hay không. Cụ thể, chính phủ có đưa ra một danh sách ngành nghề được phép định cư ở Úc. Học những ngành này, sinh viên sẽ thỏa mãn điều kiện cơ bản để xin định cư dài hạn. Tuy nhiên, thỏa mãn những điều kiện cơ bản để đệ đơn xin không có nghĩa là đơn của bạn được chấp nhận. Nó còn là sự kết hợp của các yếu tố khác nhau.
- Bậc học: Bậc học cũng có vai trò rất quan trọng trong việc nhập cư. Với xu hướng ưu ái lao động có trình độ chuyên môn cao, chế độ ưu tiên sẽ giảm dần từ: tiến sĩ, thạc sĩ >> đại học >>> cao đẳng nghề.
- Vùng học: Thời gian gần đây, việc học ở đâu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xin định cư tại Úc. Điều này được thể hiện ở hai yếu tố trực tiếp và gián tiếp. Yếu tố trực tiếp, việc bạn học và xin việc làm ở một số vùng xa xôi, mật độ dân số thấp, bạn sẽ được cộng điểm trực tiếp và thang điểm di trú. Yếu tố gián tiếp, việc học ở những vùng kinh tế mới nổi, năng động, đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ.
- Người học: Đây là yếu tố cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất trong kế hoạch du học định cư. Vấn đề cơ bản nhất trong việc định cư là việc làm hoặc sở hữu một kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Muốn có việc làm, ngoài tận dụng yếu tố thời gian được ở lại tìm việc sau khi đi học, người học cần tận dụng khoảng thời gian đi học tìm các công việc có liên quan đến ngành học của mình thay vì chỉ làm các công việc part-time đơn thuần.
2. Tiếp tục học lên cao
Ở Úc, chính phủ luôn khuyến khích sinh viên học cao học. Có rất nhiều sinh viên sau khi hoàn thành xong khóa học vẫn muốn tiếp tục học cao học hoặc theo học một ngành học nào đó mà mình yêu thích.
Các chú ý khi tiếp tục du học Úc sau ĐH
Có nhiều nguyên nhân khiến các du học sinh Úc lựa chọn con đường này có thể là họ muốn có một tấm bằng đẹp để dễ xin việc hoặc muốn học thêm một ngành nào đó để hồ sơ xin việc của bản thân đa dạng hơn, có nhiều cơ hội hơn biết đâu sẽ xin được một công việc đáng mơ ước nào đó. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng với quyết định này bởi vì học trái ngành này không hề đơn giản. Hãy xác định là bạn có thực sự yêu thích ngành đó hay không? Một gợi ý là bạn có thể đi làm một thời gian để xem bản thân mình thực sự muốn gì, yêu thích gì rồi hãy quay lại học. Nếu đắn đo và sợ lãng phí thời gian thì hãy yên tâm nhé bởi việc học không bao giờ là muộn, bạn có thể học tập tại Úc bất cứ lúc nào.
Tham khảo học bổng Úc bậc Thạc sĩ
Học bổng Chính phủ Australia là một bộ phận quan trọng của chương trình trợ giúp Chính phủ Australia dành cho Việt Nam nhằm giúp đáp ứng các nhu cầu phát triển và nguồn nhân lực ưu tiên.
Học bổng Chính phủ Australia là học bổng toàn phần và có 80 suất học bổng dành cho các công dân Việt Nam xin học bậc sau đại học (Thạc sỹ) tại các trường đại học uy tín Australia hàng năm.
Các ứng viên sẽ được xét duyệt dựa trên trình độ chuyên môn và năng lực cá nhân, thành tích học tập, và quan trọng nhất là khả năng đóng góp và ảnh hưởng tới những thách thức về phát triển của Việt Nam.
Chương trình khuyến khích nam, nữ, đặc biệt người dân tộc thiểu số, từ các tỉnh và vùng nông thôn, nếu đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn nộp đơn xin học bổng.
Những ứng viên thuộc diện khó khăn – người khuyết tật và người ở vùng nông thôn nghèo theo qui định được đặc biệt xem xét.
3. Xả hơi với Gap year
Gap year là gì?
Gap year là một khái niệm khá mới, được du nhập vào Việt Nam từ cách đây 2,3 năm. Đây là khái niệm có thể gọi là năm học thứ 13 của học tập và trải nghiệm. Gap year thường là 12 tháng mà bạn quyết định “nghỉ giữa hiệp” trong một quá trình học tập hay làm việc, cho phép bạn tìm đến những kế hoạch khác biệt. Gap year đối với sinh viên có rất nhiều lựa chọn có thể là: đi làm partime để lấy kinh nghiệm hay tham gia các công việc thiện nguyện ở các quốc gia đang phát triển, đi du lịch vòng quanh thế giới… hay đơn giản là đi thực tập hay đi làm có trả lương. Các chương trình thực tập có trả lương ở Úc rất phổ biến. Nhìn chung, tinh thần chính của gap year là vừa tích lũy được kinh nghiệm, vừa được trải nghiệm đời sống và du hý, thăm thú một điểm đến mới lạ. Nhưng dù là sự lựa chọn nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên nhớ rằng hãy lên kế hoạch gap year một cách có ích, đừng để một năm trôi qua lãng phí mà bạn không hề tích lũy được một chút kinh nghiệm nào nhé.
4 loại gap year phổ biến nhất
- Gap year làm việc
Gọi là gap year công việc bởi những “mối lợi” thu vào đều rất thiết yếu cho công việc của bạn sau này: tích lũy kỹ năng, tiết kiệm tiền của và bắt đầu xây dựng mạng lưới quen biết mới. Nếu bạn quyết định kết hợp chuyến đi làm việc với đi du lịch đây đó, trải nghiệm sẽ cho phép bạn phát triển kỹ năng “sống sót” trong môi trường liên văn hóa, khả năng ngôn ngữ và phát triển hiểu biết về văn hóa địa phương.
- Gap year tình nguyện viên
Trải qua một năm trời làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều khả năng cộng đồng, cho phép xây dựng mạng lưới quan hệ và có thể hứa hẹn mang đến bạn một công việc có trả lương về lâu về dài.
- Gap year đi "bụi”
Rất nhiều sinh viên dành ra cả một năm trời để du hý, hoặc một mình, hoặc với cả nhóm bạn. Các trang mạng Xã hội dành cho giới gap year là nơi mang lại cho bạn nhiều thông tin, ý tưởng, lời khuyên quý giá. Một số trang còn giúp bạn tìm kiếm các chỗ trọ giá rẻ tại nhiều quốc gia khác nhau, thậm chí còn có các chương trình khuyến mãi cho sinh viên.
- Gap year để “học”
Nói là “nghỉ học để đi chơi” nhưng không có nghĩa là bạn hoàn toàn “cắt đứt” sự liên kết với trường lớp trong thời gian này. Nếu muốn, thử theo đuổi các khóa học ngắn hạn vào mùa hè, tham gia các chương trình học trao đổi cũng là một cách học “đổi gió” rất hay.
4. Về nước để cống hiến
Tại sao nên về nước sau khi du học Úc?
Ngoài việc định cư và làm việc tại Úc, hồi hương cũng là một hướng đi được nhiều sinh viên du học Úc lựa chọn sau tốt nghiệp. Nếu bạn không có đủ điều kiện để tiếp tục sinh sống và làm việc tại Úc thì đây là một quyết định sáng suốt. Nếu may mắn có một tấm bằng giỏi bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn khi trở về nước. Tuy nhiên trước khi về nước hãy đảm bảo rằng bạn đã giải quyết tất cả các vấn đề như: giấy tờ, visa, bằng cấp… để tránh tình trạng khi về nước lại phát sinh các vấn đề. Như vậy vừa tốn thời gian và tiền bạc của bạn đó.
Những ưu thế của du học sinh khi về nước:
- Tự tin
So với cuộc sống bao bọc của gia đình, du học sinh phải tự xoay xở và sống độc lập từ sớm. Chưa kể đến môi trường học tập yêu cầu tư duy độc lập, kinh nghiệm làm việc thực tế buộc bạn phải học hỏi và trải nghiệm nhiều. Những năm tháng học tập ở nước ngoài sẽ tôi luyện kinh nghiệm quý giá khiến bạn trưởng thành và tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh.
- Suy nghĩ độc lập
Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong phương pháp học tập khi đi du học và học tại Việt Nam. Một trong những điểm khác biệt là sinh viên được yêu cầu tự làm việc và phân tích độc lập. Chẳng hạn, khác với ở Việt Nam, các giáo sư luôn muốn học sinh tự tìm hiểu và phát triển ý tưởng của bản thân nên để giao bài tập nhóm trước. Khi vấp phải vấn đề và đã thảo luận nhóm cặn kẽ, giáo sư mới giải đáp và hệ thống toàn bộ kiến thức chính. Cách học này nhớ bài rất lâu và giúp sinh viên biết vận dụng kiến thức vào thực tế.
- Góc nhìn mới
Đi du học bạn sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu.
- Cọ xát với thực tế
Việc học ở Việt Nam không khuyến khích đầu tư thời gian vào công việc bên ngoài trường học. Tuy nhiên du học có thể coi như một môi trường giả lập trước khi bước vào sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng việc học tập trên trường như một phép thử. Chẳng hạn kinh doanh nhỏ, tham gia dự án, tìm lời giải cho một tình huống thực tế…
Bạn đọc quan tâm tới các trường ĐH tại Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin du học Úc hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.