Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì với mô hình 9+ thì học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn đi học nghề và có cơ hội đi làm sớm.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa năm 2021, cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho thị trường lao động.
"Ngày càng có một bộ phận lớn người dân ý thức được rằng sau THCS, có thể cân nhắc việc định hướng cho các em tham gia thị trường lao động sớm, nhằm trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực, cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn", ông Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, chia sẻ.
Ông Phương đánh giá, đây là xu thế phát triển tự nhiên, khi nhiều gia đình đã không còn bệnh "ảo tưởng" về thành tích học của con cái, thay vào đó hiểu rõ hơn về khả năng của các em, hướng nghiệp từ sớm để có sự lựa chọn nghề nghiệp ổn định và hướng đi chắc chắn.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, xu hướng học tập, đào tạo gần đây chuyển dần từ thời gian dài sang ngắn, diện hẹp sang diện rộng, tức là đi từ kiến thức bao quát đến chuyên sâu, từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ nhằm tạo ra sự linh hoạt cho người học. Việc phân luồng học sinh sau THCS trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của Nhà Nước.
Xu hướng học nghề sau khi tốt nghiệp bậc THCS
Cũng theo số liệu từ Tổng cục nghề nghiệp, tổng phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 15%. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu về phân luồng sau THCS và sau THPT vào giáo dục nghề nghiệp đạt 30% vào 2030.
Cũng theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mô hình giáo dục nghề nghiệp đã là xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Đức. Quốc gia này đã phân luồng tới 70% học sinh sau cấp 2 đi tiếp con đường học nghề, thực hành, đưa các em trở thành "thợ lành nghề", được trọng vọng trong doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy nhanh đào tạo lượng lao động có kinh nghiệm, thích nghi cao trong thời đại công nghiệp hóa.
Tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiếp cận nghề từ sớm, cũng như định hướng về phân luồng học sinh THCS của Nhà nước, FPT là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình đào tạo 9+, dành riêng cho học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS muốn trực tiếp học lên hệ Cao đẳng.
Cụ thể, thay vì mất ba năm học THPT và ba năm học Cao đẳng như lộ trình truyền thống, sinh viên học Cao đẳng tại Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic chỉ mất 4 năm để nhận được tấm bằng Cao đẳng chính quy.
ThS. Bùi Quang Hùng, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic cho biết, với tiêu chí "học nhanh - làm sớm", mô hình Phổ thông Cao đẳng giúp người học có thể tốt nghiệp ở tuổi 19 với tấm bằng Cao đẳng chính quy sau 4 năm học, sau đó có thể lựa chọn làm việc ngay tại doanh nghiệp hoặc hướng tới các bậc đào tạo cao hơn.
Theo vị này, 97,7% sinh viên tốt nghiệp tại trường có việc làm trong vòng một năm. Mô hình này cũng nhận nhiều phản hồi tích cực của phụ huynh và học sinh trên toàn quốc khi ra mắt từ năm 2019.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, học sinh sau lớp 9 chuyển vào học chương trình văn hóa và trung cấp sau đó nối tiếp cao đẳng như mô hình đào tạo của Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic có lợi thế cạnh tranh lớn khi gia nhập thị trường lao động. Bên cạnh việc thời gian đào tạo được rút ngắn, các em còn được trang bị kỹ năng, trở thành các lao động có nghề, lành nghề, thay vì học hết lớp 12 vẫn hoang mang về nghề nghiệp hay mất thời gian quay trở lại học.
"Quan trọng nhất là phù hợp với khả năng. Trong quá trình làm nghề, các em vẫn có cơ hội học tiếp", ông Bình cho biết.
Trong thị trường lao động cạnh tranh và hội nhập, mô hình này giúp người học không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn, mà còn phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, hợp tác, tự học, kỹ năng cảm xúc. "Ngoài ra có 2 kỹ năng quan trọng là kỹ năng số và trình độ ngoại ngữ phù hợp với môi trường làm việc quốc tế. Công tác phân luồng càng sớm càng tránh nhiều lãng phí, góp phần định hướng và rèn luyện các kỹ năng cho các em", đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói.
> Gỡ nút thắt môn lịch sử cấp THPT bằng cách nào?
> Sinh viên ngành toán đoạt huy chương vàng môn lặn tại SEA Games 31
Theo VnExpress