Hiện nay, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã thành lập các hội đồng tuyển sinh, các tiểu ban hỗ trợ, phục vụ cho công tác tuyển sinh 2022.
Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: Nhà trường đã hoàn thành và "khóa" công tác tuyển sinh năm 2021-2022 vào cuối năm (31/12/2021). Sau khi kết thúc tuyển sinh năm 2021 thì hiện nhà trường đã thành lập các hội đồng tuyển sinh, các tiểu ban (tiểu ban truyền thông phục vụ công tác tuyển sinh, các tiểu ban hỗ trợ, tiểu ban tư vấn cộng tác viên từ xa…).
Trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tuyển sinh trực tiếp đang gặp khó khăn nên đã nhà trường thành lập bộ phận chuyên kết nối tuyển sinh từ xa ở các điểm trường THPT. Từ đó, trường sẽ gửi thông tin về để các trường đầu mối làm các kênh tuyển sinh tại các trường THPT ở các địa bàn quận huyện Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc.
"Năm 2022 này, trường đặt mục tiêu tuyển sinh 1.500 học viên. Năm 2021, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 10% so với năm 2020. Cho nên năm nay nhà trường vẫn đặt mục tiêu tuyển 1.500 em, đây là mức đảm bảo tự chủ của nhà trường.
Nhà trường cũng đã xây dựng kịch bản về làm công tác tuyển sinh đợt mới. Mặt khác, nhà trường đang có một số mã tuyển sinh của các nghề mới đào tạo ngắn hạn 3-6 tháng, vẫn đang trong mùa tuyển sinh", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nói.
Tuyển sinh học nghề hiện đang là một thị trường sôi động
Hiện, nhà trường có khoảng 4 mã nghề số lượng sinh viên đang vào đông: Ngành công nghệ ô tô, Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí, Điện công nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Hường, năm nay, các nghề trên nhà trường chỉ công bố tuyển sinh đến một thời điểm nào đó. Sau đó, trường sẽ tập trung tuyển sinh cho các nghề những năm trước tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chưa nhiều đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, hiện nay có nhiều nghề rất tốt như nghề cắt gọt kim loại, nghề tự động hóa, cơ điện tử… thị trường rất cần, nhưng xu hướng người học lại đổ xô vào một số lĩnh vực nghề khác. Do đó, trường đang áp dụng chiến lược vận động sinh viên chuyển sang một số nghề khác.
"Năm vừa rồi, có một cái khó là do các em không lên trường trực tiếp nộp hồ sơ nhập học, cho nên việc vận động chuyển sang các nghề khác rất khó khăn. Năm 2020, thí sinh và phụ huynh đến tuyển sinh trực tiếp nên công tác phổ cập thông tin, vận động chuyển nghề của nhà trường thực hiện rất tốt nhưng năm 2021 do tuyển sinh từ xa nên khó khăn hơn", bà Hường nói.
> Học nghề có rất nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng biết
> Top 10 trường trung cấp dạy nghề cho thí sinh rớt tốt nghiệp THPT
Theo Dân Trí