Sự kiện: Thông tin tuyển sinh 2011
Đầu việc khiến chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải đầu tư công sức nhiều nhất trong dịp này là tổ chức thi trên huyện đảo Cô Tô. Dù chỉ có 106 thí sinh của hai đơn vị (trường THPT Cô Tô và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Cô Tô) nhưng Sở GD&ĐT Quảng Ninh vẫn phải thành lập một hội đồng thi ngoài đảo với đầy đủ ban bệ.
Huyện Cô Tô phải bố trí riêng một chuyến tàu khứ hồi để đưa đón cán bộ, giám thị ra đảo coi thi, bắt đầu ngày 31-5 và kết thúc ngày 5-6. Dù số lượng giám thị làm nhiệm vụ ở Cô Tô không nhiều nhưng để đảm bảo các yêu cầu trong quy chế, Sở GD&ĐT Quảng Ninh phải điều động giáo viên từ 5 trường THPT khác nhau trong đất liền ra coi thi.
Từ điểm đất liền gần nhất ra Cô Tô là 60 km, nếu đi tàu khách mất hai tiếng rưỡi, nếu đi tàu công tác của huyện mất 90 phút.
“Mặc dù nhiều giáo viên xung phong ra Cô Tô coi thi nhưng chúng tôi thường chọn giáo viên nam trẻ hoặc có sức khỏe mới chịu được chuyến đi biển xa như thế”, ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết.
Quảng Ngãi cũng có một hội đồng thi ngoài đảo cách đất liền 40 km – đảo Lý Sơn. Khi Bộ GD&ĐT mới ban hành quy định tổ chức thi theo cụm, học sinh Lý Sơn phải vượt biển vào đất liền dự thi. Quảng Ngãi sau đó đề nghị Bộ GD&ĐT được tổ chức cụm thi một trường đơn lẻ ngoài đảo nhằm giảm khó khăn cho thí sinh dự thi.
Theo ông Mai Đình Thảo, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, năm nay hội đồng thi THPT Lý Sơn có 310 thí sinh.
Địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, nhiều nơi không thể bố trí cụm thi tối thiểu 3 trường theo quy định, Vì thế mô hình cụm thi 2 trường khá phổ biến ở các tỉnh rẻo cao.
Theo ông Lê Xuân Quốc, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Lào Cai, mặc dù đã phải thành lập cụm thi gồm 2 trường nhưng học sinh vẫn phải đi khá xa mới đến được địa điểm dự thi.
“Có những cụm thi học sinh phải đi tới 70 – 80 km, như học viên của các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện Văn Bàn, Bảo Yên phải về thi tại cụm thi đặt tại thành phố Lào Cai”, ông Quốc cho biết.
Ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho rằng, việc thí sinh miền núi phải phải đi thi xa nhà là không thể tránh khỏi.
Ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, cho biết, hầu hết các trường THPT ở các huyện miền núi đều có khu nội trú, bán trú. “Vùng miền núi, biển đảo chúng tôi không bao giờ có chuyện dân lấy tiền trọ của thí sinh trong những ngày đi thi”, ông Hợi nói.
Các tỉnh có đặc điểm địa lý phức tạp thường ưu tiên giao đề thi sớm hơn một ngày. Những hội đồng đặc biệt đều được hưởng phương thức chuyển đề đặc biệt.
Chẳng hạn như các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi tổ chức hẳn một chuyến tàu riêng chỉ để chuyển đề thi ra đảo.
Hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ luôn có phương án chuyển đề qua sông suối khi có mưa lũ.
Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.
Kenhtuyensinh (Nguồn Tienphong)