>> Giáo dục, du học, tư vấn du học, học bổng du học, du học nhật
Tính ra là còn chưa đầy 1 tháng nữa là nghỉ hè sẽ chính thức bắt đầu với lưu học sinh Nhật. Kiểu gì thì kiểu, tớ chắc chắn trong dự định của mỗi người sẽ đều có cụm từ “homestay”, ít nhất là một lần. Vừa mang được chút “kinh nghiệm” con con sau vụ homestay 1 ngày ở gia đình Nhật, hi vọng tớ có thể chia sẻ một chút ít cho những ai cũng sắp sửa lần đầu homestay như tớ!
1. Chú ý về tập quán
Sẽ không bao giờ là thừa khi nhắc nói tới điều này, vì mình đi homestay cũng là một cách để học hỏi những điều lạ, làm quen thêm với tập quán nơi “đất khách”. Có một số điều không nói chắc các bạn cũng biết, ví dụ như phải xin phép trước khi vào nhà, cởi giày khi bước lên bậc cửa vào nhà,… Bạn nên cầm đồ đạc của mình cho đến khi chủ nhà “giới thiệu” nơi bạn có thể nghỉ ngơi và đặt đồ đạc.
Đương nhiên là, được sự cho phép của gia chủ, bạn mới nên đi tham quan nhà của họ (mặc dù tớ công nhận là tớ rất tò mò muốn biết kiến trúc của một ngôi nhà kiểu Nhật nó như thế nào). Cũng may, gia đình host của tớ có 2 bé gái rất dễ thương – 2 tour-guide dẫn tớ đi vòng quanh nhà, giới thiệu từng căn phòng của ngôi nhà. Tuy nhiên việc vào phòng ngủ của người Nhật là điều “không nên lắm”, nên bạn chỉ nên đứng ngoài ngắm thôi. Nhé!
Nhưng cũng không cần phải quá quan trọng hóa đến mức nghiêm trọng hóa vấn đề này đâu! Đơn giản vì, bạn tham gia homestay là để học hỏi văn hóa và tập quán của đất nước bạn mà. Nên có gì không hiểu bạn nên hỏi, chủ nhà cũng sẽ sẵn sàng trả lời và giải thích cặn kẽ cho bạn! Đây là cơ hội để bạn hiểu thêm hơn con người Nhật Bản, nên đừng ngại nói, đừng ngại hỏi. Có khi, hỏi nhiều, nói nhiều, bạn lại phát hiện ra thêm những điều mới lạ và thú vị của đất nước Phù Tang này thì sao?
Homestay sẽ là một cách hay để bạn có thể học hỏi những điều lạ, làm quen thêm với tập quán nơi “đất khách".
2. Cơ hội để giới thiệu đất nước mình
Chính xác! Đây là một trong những “nhiệm vụ cao cả” của lưu học sinh – trở thành một đại sứ quảng bá đất nước mình cho bạn bè thế giới. Nghe cao cả và vĩ đại nhỉ? Nhưng thật ra nó cũng là một điều nên làm, và tớ nghĩ là tất cả mọi lưu học sinh đều muốn làm. Sẽ chỉ là một tấm bản đồ thế giới nhỏ nhỏ, để biết Việt Nam của mình ở đâu.
Các bạn gái thì đừng ngại mang áo dài đi “khoe” nhé! Việt nam ngoài phở và nem ra thì nổi tiếng nhất là những chiếc áo dài mà! Hay một vài tấm postcard cũng là công cụ hữu ích để giới thiệu với gia đình host “một phần” của Việt Nam. Lần đầu tiên đi homestay, tớ quên không mang postcard đi. Hic hic! Tiếc quá đi mất! Chính cô chủ nhà cũng nói với tớ giá mà có ảnh chụp phong cảnh Việt Nam cho cô xem thì hay biết mấy. Cô khuyên tớ lần sau nếu đi homestay thì nên mang postcard đi theo, ngại quá!
Để xem nào, tớ đã dạy cho 2 bé nhà host biết Việt Nam hình chữ S, Việt Nam nằm ở đâu. Bây giờ nếu Nhật là 10h thì Việt Nam sẽ là mấy giờ,… Cả quốc kì của Việt Nam như thế nào chứ nhỉ? Rồi 1 hoặc 2 trò chơi trẻ con Việt hay chơi nữa chứ! Hãy cố gắng nói thật nhiều về đất nước mình, vừa là cơ hội để bạn rèn tiếng Nhật, và hơn hết là cơ hội để giới thiệu thêm về đất nước mình. Right?
Đọc thêm: Những điều tuyệt vời khi bạn du học "homestay" tại Nhật Bản
3. Những thắc mắc nho nhỏ
Trước khi đi du học homestay ở Nhật Bản tớ có rất nhiều băn khoăn, thêm cả một chút lo lắng nữa. Ví dụ như, mình phải mang cái gì theo khi sang Nhật bây giờ? Có nên tắm ở nhà người Nhật không? (câu hỏi rõ củ chuối nhưng trả lời cũng không phải dễ). Có cần phải mua quà bánh, hay mang gì đến tặng người ta không?…. Theo kinh nghiệm con con của tớ thôi nhé, những thứ bạn cần sẽ là:
- Postcard, ảnh về đất nước mình.
- Đồ dùng cá nhân như pijama, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng. Bạn không phải ngại đâu, vì gia đình host sẽ chủ động hỏi bạn có muốn tắm trước khi đi ngủ không. Chứ chẳng ai muốn bạn cứ mặc đồ như vậy mà đi ngủ đâu. Hì hì! Nếu có thể mang hết những thứ mình cần như sữa tắm, khăn tắm đi thì tốt. Không thì cô chủ nhà tốt bụng sẽ chuẩn bị cho bạn. Yên tâm nhé!
- Không nhất thiết phải mang bánh kẹo hay quà cáp chi cả. Nếu bạn có dự định tặng chủ nhà thì có thể là một cái nam châm cô bé mặc áo dài chẳng hạn, hoặc tranh Đông Hồ,… Những thứ quà nhỏ nhỏ, dễ thương và mang bản sắc dân tộc mình là tốt nhất! Làm sao để thật kinh tế, thật dễ mến và thật Việt Nam nhé!
- Cố gắng chuẩn bị giọng cho tốt để nói thật nhiều. Nếu không nói thì sẽ dễ bị rơi vào trạng thái “ngại”, “không biết phải nói gì”. Thế nên, chủ nhà gợi chuyện là một phần, bạn cũng nên hỏi han về một số thông tin “có thể hỏi” người Nhật, những gì bạn thắc mắc, thậm chí những gì bạn biết là 2 đất nước khác nhau. Bạn biết nhưng chưa chắc người Nhật đã biết, đúng không? Như cô nhà tớ đến homestay, cô không biết Hạ Long là di sản thế giới đâu nhé! Rồi không biết là cấp 1 Việt Nam chỉ đến lớp 5 (vì Nhật là đến hết lớp 6 lận). Thế nên, càng nói chuyện nhiều, bạn sẽ khám phá (hoặc giúp người khác khám phá) những điều thú vị trong văn hóa của hai nước. Và ngược lại, bạn cũng nên “gợi” chuyện để chủ nhà nói, bạn sẽ học hỏi và khám phá thêm nhiều điều từ đó thì sao?
Lần đầu homestay với tớ quả là một trải nghiệm lý thú: Lần đầu được ở trong căn phòng rất Nhật với cửa giấy, chiếu tatami, futon,… Và nhất là được làm quen với những con người Nhật dễ mến, 2 cô bé rất dễ thương và đáng yêu nữa. Tớ học được trò “vuốt ve, em thân yêu em ở với ai…” của người Nhật này! Biết trẻ con Nhật ở trường thì phải học những gì nữa này…
Một sempai đã nói với tớ rằng: “Em sẽ tự hào lắm khi có người nói với em họ muốn đên Việt Nam du lịch một ngày nào đó. Hoặc khi có người khen em xinh trong tà áo dài, muốn xin chụp ảnh trong khi thậm chí còn chưa biết đấy là trang phục của nước nào. Hãy luôn nắm lấy cơ hội để có thể tự hào nói rằng: tôi là người Việt Nam, em nhé!”…
Hi vọng những điều trên có thể giúp ích cho những ai lần đầu tiên đi homestay trong hè này. Chúc bạn có một chuyến homestay thật vui vẻ và thú vị!
Kênh tuyển sinh (Theo VYSA)