> Giáo dục, tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh lớp 10
Thi tuyển có hơn xét tuyển?
Tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức xét tuyển được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhưng TP HCM phải chấm dứt sau 7 năm thực hiện để tất cả đều phải thi tuyển.
Tuyển sinh lớp 10: Thi tuyển không phải là tối ưu
Ngày 24/10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc tại sao TPHCM lại chấm dứt tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức xét tuyển, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, cho rằng thi tuyển hay xét tuyển đều có ưu, khuyết điểm riêng. Bảy năm qua, TP HCM tổ chức xét tuyển ở một số quận, huyện là có yếu tố từ thực tiễn. Nay căn cứ quy định của Bộ GD-ĐT, TP phải chấm dứt việc xét tuyển vào lớp 10 hằng năm.
Bộ GD-ĐT quy định, phải thực hiện
Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT ngày 30/1 ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT quy định điều kiện xét tuyển là chỉ đối với các trường không có điều kiện tổ chức thi hoặc có số học sinh đăng ký tuyển sinh không vượt quá chỉ tiêu vào trường. Áp dụng quy định này, TP HCM phải tổ chức thi tuyển vào lớp 10.
Khi chúng tôi hỏi Sở GD-ĐT TPHCM có hài lòng với quy định về điều kiện xét tuyển hay không, ông Nguyễn Tiến Đạt nói: “Xin không bình luận! Bộ GD-ĐT quy định thế nào thì sở phải thực hiện thế đấy”. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Thông tư 02 ban hành năm 2013 quy định về xét tuyển là không phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, quy định của Bộ GD-ĐT chỉ phù hợp với các tỉnh - nơi các trường lập hội đồng tuyển sinh riêng. Còn tại TP HCM, nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã thực hiện tuyển sinh chung cho các trường THPT công lập. Ngoài ra, chủ trương xã hội hóa giáo dục quy định đến năm 2010, chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập chỉ 60%, số còn lại học nghề hoặc học các trường ngoài công lập. Vì vậy, không thể nào có số học sinh đăng ký tuyển sinh không vượt quá chỉ tiêu vào trường.
Một số hiệu trưởng cũng cho rằng Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT cứng nhắc, không phù hợp thực tế từng địa phương. Thi hay xét chỉ là hình thức, vấn đề quan trọng là qua những hình thức đó, việc tuyển sinh có đạt được hiệu quả hay không.
Thi tuyển không phải là tối ưu
Hình thức xét tuyển vào lớp 10 đã được TP HCM thực hiện 7 năm qua. Từ chỗ chỉ 3 huyện thực hiện, sau đó đã có 9/24 quận, huyện xét tuyển dù vẫn có một số hạn chế cần khắc phục.
Bà Phan Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ - cũng như đại diện nhiều trường THPT khu vực xét tuyển cho biết không thi tuyển lớp 10, chất lượng đầu vào đã giảm sút. Tình trạng này được giải thích là do khi không thi tuyển lớp 10, giáo viên THCS lẫn học sinh có tâm lý dễ dãi trong việc dạy và học lẫn đánh giá chất lượng. Với hình thức xét tuyển, hạn chế này hoàn toàn có thể giải quyết được.
Ưu điểm của hình thức xét tuyển là rất lớn. Ông Nguyễn Văn Ngai cho biết xét tuyển tránh được áp lực không đáng có, đi kèm đó là sự tốn kém về tiền bạc cũng như những hệ lụy khác.
“Xét về hiệu quả, việc tuyển sinh bằng hình thức tổ chức thi chung thì kết quả học tập của học sinh thể hiện qua điểm số. Điều này là hết sức khách quan nhưng nó chỉ là một kỳ thi với 3 môn và đầy may rủi. Trong khi đó, xét tuyển đánh giá được cả quá trình 4 năm học THCS” - ông Ngai nhìn nhận.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết dù thi hay xét, tỉ lệ vào lớp 10 các trường công lập hằng năm chỉ khoảng 80%. Xét tuyển vào lớp 10 như cách làm của TP HCM được đánh giá là ưu điểm hơn thi tuyển. Vì vậy, khi chưa có Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT, TP HCM dự định mở rộng xét tuyển thêm ở nhiều quận khác; sau này thì chỉ tổ chức thi tuyển vào các trường, lớp chuyên.
Căng thẳng và tốn kém
Từ năm học 2006-2007, TPHCM đã thí điểm tuyển sinh vào lớp 10 bên cạnh hình thức xét tuyển kết hợp thi tuyển. Năm đầu tiên, chỉ có 3 huyện thực hiện xét tuyển, đến nay đã mở rộng lên 9 quận, huyện, gồm: 2, 6, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn.
Từ năm nay, khi có Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT, TP HCM không thể làm trái và đành phải quay về tổ chức thi tuyển vào lớp 10 ở tất cả các quận, huyện - một hình thức tuyển sinh đầy căng thẳng và tốn kém.
Theo Báo Người Lao Động