Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang tiến tới gần, học sinh cần lưu ý một số điều để tránh sai sót khi làm bài. Học sinh cần ghi nhớ để có một kỳ thi đạt kết quả thật tốt.

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Trường trung học thực hành 1 'chọi' 10

Tuyển sinh lớp 10: Tăng cường tính thực tiễn vào đề thi

tuyển sinh lớp 10 những lưu ý

Học sinh làm bài chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Làm sao để không bị mất điểm đáng tiếc trong quá trình làm bài? Các giáo viên kinh nghiệm ở hai thành phố đưa ra những lời khuyên.

MÔN TOÁN

Thầy Nguyễn Đăng Phú (nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM):

Không chủ quan

Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông báo phần lớn các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh môn toán năm nay là các dạng toán thực tế. Các đề thi toán thực tế thường khá dài, thế nên các em học sinh cần bình tĩnh đọc và phân tích đề. Bài toán thực tế thường cho rất nhiều dữ liệu, đòi hỏi thí sinh phải hiểu được đề bài muốn hỏi vấn đề gì, chọn lọc dữ liệu cần thiết và liên hệ với những kiến thức đã học để giải bài toán.

Những năm trước, nhiều em học sinh thường mất điểm vì những nhầm lẫn trong việc vận dụng hằng đẳng thức đáng nhớ, nhầm lẫn trong việc dùng dấu +, - đối với những câu hỏi phần đại số; trong việc vận dụng các định lý của phần hình học... Do vậy, các thí sinh không nên vội vàng, mà phải thật cẩn thận trong quá trình làm bài.

Thầy Hồng Trí Quang (giáo viên toán Trường THPT Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội):

Trình bày từng bước

Học sinh cần biết khoanh vùng kiến thức trong quá trình ôn tập. Trong đó các dạng toán phần đại số cần luyện tập, cẩn thận trong thao tác tính toán để hạn chế sai sót. Phần hình học, học sinh khai thác đề bài theo hướng tư duy suy luận ngược sẽ dần dần giải quyết được vấn đề.

Học sinh trình bày cẩn thận, chắc chắn từng bước, không được làm tắt vì có thể sẽ dẫn đến mất điểm. Thực tế đã có nhiều học sinh làm ra được đáp án đúng nhưng do làm tắt, không trình bày đúng các bước nên đã bị trừ điểm hoặc không được tính điểm.

tuyển sinh lớp 10 sai sót lưu ý

Học sinh và giáo viên cùng miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới

MÔN VĂN

Cô Phan Thị Xuân (giáo viên môn văn Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM):

Đọc kỹ yêu cầu của đề

Đối với câu 1 (phần đọc - hiểu), thường thì học sinh sẽ đọc văn bản trước rồi mới đọc yêu cầu của đề thi nhưng theo tôi, các thí sinh nên đọc phần yêu cầu của đề trước, sau đó mới đọc văn bản vì như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các học sinh cũng cần viết nội dung của đoạn trích một cách sát sao mới có được điểm tối đa, chứ chung chung quá thì sẽ không được điểm.

Ngoài ra, nhiều em cũng hay nhầm lẫn giữa liên kết đoạn và liên kết câu, dẫn đến mất điểm ở câu hỏi về kiến thức tiếng Việt.

Ở phần nghị luận xã hội, các thí sinh cần đưa ra dẫn chứng và biết cách phân tích những dẫn chứng ấy mới thuyết phục. Các em đừng kể lể dài dòng vì sẽ làm bài văn của mình nhàm chán và thiếu sự chặt chẽ.

Ở phần nghị luận văn học: thường thí sinh sẽ được chọn 1 trong 2 đề. Với những em không có năng khiếu về lý luận văn học thì không nên chọn đề 2. Các em nên chọn đề 1 (thường là yêu cầu phân tích một đoạn thơ hoặc một đoạn trích ngắn) sẽ dễ dàng hoàn thành hơn.

Cô Trần Vân Anh (Trường THCS Trưng Nhị, Hà Nội):

Không "hoảng" với ngữ liệu mới

Đề thi minh họa môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm nay tương đối giữ ổn định so với năm trước. Nhưng có một điểm lưu ý với học sinh là không loại trừ việc đề thi sử dụng một ngữ liệu mới. Vì thế các em học sinh phải bình tĩnh, đừng thấy ngữ liệu mới, lạ là hốt hoảng, mà đọc kỹ câu hỏi thì sẽ thấy đó cũng là những kiến thức đã được thầy, cô ôn tập rồi.

Nhưng ngược lại, có những câu khó nhưng lại nằm ở chỗ tưởng là dễ. Đôi khi đó là câu hỏi phân hóa. Nếu học sinh không đọc kỹ đề sẽ dễ bị nhầm, trả lời sai yêu cầu.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội trong nhiều năm đều có tỉ lệ nhất định dành cho ngữ pháp tiếng Việt, kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn. Câu hỏi mở liên hệ các vấn đề trong cuộc sống thực tế có thể liên quan đến thông điệp của đoạn ngữ liệu được trích dẫn, thường là từ một tác phẩm văn học trong chương trình.

MÔN TIẾNG ANH

Cô Phạm Thị Xuân Oanh (tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Làm nháp trước

Nhiều học sinh bị mất điểm ở phần từ loại. Phần này tôi khuyên các thí sinh viết ra giấy nháp trước, rồi hãy viết vào bài làm. Có những từ các em nói rất giỏi, phát âm rất tốt, nhưng khi viết vào bài thi lại thiếu chữ dẫn đến mất điểm.

Phần sắp xếp câu thành cụm từ cũng tương tự. Mới nhìn vào đề, đa số học sinh đều đánh giá là đề dễ quá, vội vàng làm ngay vào bài. Hậu quả là đề bài cho 14 từ, khi các em sắp xếp chỉ còn 11, 12 từ mà không biết, hoặc đề bài cho số nhiều khi các em viết lại thành ra số ít... Môn tiếng Anh là môn nhẹ nhàng nhất nhưng phải thật bình tĩnh và cẩn thận, khi làm xong bài phải xem đi xem lại mới được.

Cô Nguyễn Thị Tâm (giáo viên tiếng Anh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

Cẩn thận với phần tự luận

Đề thi môn tiếng Anh của Hà Nội năm nay sẽ có cả phần trắc nghiệm và tự luận (40 câu trắc nghiệm, 10 câu tự luận), nhưng phần tự luận cũng ở dạng viết câu. Nhìn chung, các câu hỏi đều ở mức độ cơ bản, không có các câu khó đánh đố học sinh. Học sinh nắm vững ngữ pháp tiếng Anh trong chương trình học và từ vựng thì cơ bản sẽ làm đạt yêu cầu, đặc biệt là ở phần thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, học sinh cần đọc kỹ đề, cẩn thận trong phần tự luận để tránh nhầm lẫn, viết sai.

MÔN LỊCH SỬ

Cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng - giáo viên dạy lịch sử Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Nhiều cách để không sợ môn sử

Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội có thi môn lịch sử. Ngoài việc công bố đề thi minh họa, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cung cấp nội dung ôn tập online miễn phí cho học sinh.

Tuy nhiên, nội dung đó không phải "giới hạn kiến thức", mà chỉ để giúp học sinh ôn tập và làm quen với dạng câu hỏi/trả lời trắc nghiệm.

Vì thế để làm tốt bài thi, trước hết học sinh cần nắm kiến thức cơ bản trong chương trình - sách giáo khoa, đặc biệt lưu ý nắm vững chương trình lớp 9.

Việc học theo nội dung ôn tập online sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức trên nền tảng cơ bản đã ôn tập. Theo đề thi minh họa, số câu hỏi dạng nhận biết, thông hiểu chiếm chủ yếu so với câu hỏi yêu cầu vận dụng. Vì thế, các học sinh không nên quá lo lắng về môn lịch sử.

Tuy nhiên, trong các phương án trả lời trắc nghiệm bao giờ cũng có phương án gây nhiễu. Theo đề thi minh họa thì đề sẽ sắp xếp các câu hỏi từ dễ đến khó, học sinh chỉ cần làm lần lượt từng câu.

Tuy nhiên, có thể dành khoảng vài phút đầu tiên đọc lướt toàn bộ đề và có hướng phân bổ thời gian hợp lý làm bài, theo cách "câu nào dễ, chắc chắn nhất thì làm trước, câu khó làm sau".

Theo Tuổi trẻ