Các trường ĐH tư vấn tuyển sinh về những ngành mới mở
Nhiều cơ hội mở
Theo Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM Trần Hoàng Hải thì trường có thêm một số ngành nghề mới như Quản trị luật, Ngôn ngữ Anh, luật kinh tế, quản trị kinh doanh… được nhiều bạn trẻ quan tâm. Được biết, theo tính toán của Bộ Tư pháp, từ nay tới năm 2020, những ngành nghề liên quan đến luật như luật sư, thẩm phán, công chứng viên, chấp hành viên, thẩm tra thừa phát lại… cần hàng chục ngàn người. Đó là chưa kể rất nhiều công việc liên quan đến luật của Việt Nam và quốc tế trong thời kỳ hội nhập mở cửa như hiện nay.
Ông Trần Hoàng Hải cho biết, phía nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ưu tiên các thí sinh chọn lựa những ngành nghề mới này như điểm đăng ký xét tuyển, điểm cộng, các loại học bổng, học phí…
Trường ĐH Sài Gòn cũng mở thêm ngành nghề mới là quốc tế học, cung cấp các kỹ năng hiểu biết cho sinh viên về những vấn đề xã hội hóa toàn cầu, về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo cũng như các hệ thống chính phủ, nhà nước mang tính định hướng của Liên hợp quốc trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Trường này cũng bắt đầu mở thêm một số ngành liên quan đến tâm lý học. Dự đoán, những ngành về tâm lý sắp tới không chỉ bó gọn trong hệ thống các trường học phổ thông mà có thể mở rộng ra các khối doanh nghiệp tư nhân, nơi mà các chuyên gia tư vấn tâm lý có thể được cấp giấy phép hoạt động như những người điều trị cho các khách hàng có nhu cầu. Những sinh viên theo đuổi ngành nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam này còn được học và rèn luyện những kỹ năng, hiểu biết và tư vấn về tâm lý người già, tâm lý người bệnh, người nghiện hay thậm chí cả tâm lý tội phạm. Đó cũng chính là cánh cửa cơ hội mở ra vô vàn những việc làm mới trong tương lai.
Còn lắm băn khoăn
Việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ đổi mới phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội cho các trường nhưng về phía thí sinh lại có nhiều băn khoăn.
Như chia sẻ của một học sinh ở Củ Chi (TP.HCM) thì mặc dù rất thích học ngành tâm lý của trường ĐH Sài Gòn nhưng do đây là nghề khá mới mẻ, không biết thực tế sau 4-5 năm nữa, nhu cầu xã hội đã cần những người làm nghề này hay chưa. Và nếu xã hội chưa thực sự phát triển để những chuyên gia tâm lý có thể làm việc thì sẽ phải làm sao hay lại thất nghiệp.
Một thí sinh khác cũng ở Củ Chi cho biết phía nhà trường khẳng định những ngành nghề mới sẽ dễ có cơ hội tìm kiếm việc làm nhưng cũng chỉ là dự đoán. Với những ngành nghề cũ, cơ hội sẽ rõ ràng và thực tế hơn bởi những mối quan hệ trong xã hội và của chính các nhà trường với nhà tuyển dụng. Ngoài ra hầu hết các ngành mới liên quan đến các lĩnh vực quốc tế, vậy những giáo viên có thực sự đủ trình độ chuyên môn hay kiến thức để giảng dạy trong thời gian dài hay nhà trường sẽ liên hệ để thuê những giảng viên ở nước ngoài.
Vì vậy, để có thể thu hút và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp bằng cách đón đầu xu thế xã hội để mở những ngành nghề đang phát triển, các trường cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình và đội ngũ giáo viên đầy đủ, chất lượng để đảm bảo mang đến cho sinh viên những kỹ năng cần thiết. Đây là một thách thức không nhỏ của những trường bắt đầu triển khai những ngành nghề mới từ năm nay.
Theo Đại Đoàn Kết, tin gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=100756&menu=1433&style=1