Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Minh họa: Tuyển sinh 2012 sẽ chú ý hơn về chất lượng tuyển sinh ĐH-CĐ
Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 sắp tới, phương thức thi "3 chung” sẽ vẫn được Bộ GD&ĐT tiếp tục áp dụng; đồng thời bổ sung một số thay đổi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đặc biệt đối với hệ không chính quy. Các trường sẽ được tạo cơ chế hoạt động thông thoáng hơn khi việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH sẽ được cụ thể hoá bởi Luật Giáo dục ĐH (GDĐH) được ban hành.
Cải tiến "3 chung”, xem xét lại việc giao chỉ tiêu
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường ĐH-CĐ diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh sẽ vẫn duy trì "3 chung”, nhưng kèm theo nhiều điều chỉnh mới được bổ sung.
Đánh giá về hoạt động GDĐH trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ đã được cụ thể hoá bằng các chiến lược đổi mới GDĐH giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 khá tích cực. Hiện đã có 270 trường ĐH-CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra; 294 trường ĐH-CĐ xây dựng cam kết chất lượng đào tạo; 344 trường ĐH-CĐ thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 đã có 1.696.250 thí sinh dự thi (trên tổng số 2.183.630 hồ sơ đăng ký dự thi, đạt 77,68%) vượt năm 2010 gần 1,5% thí sinh dự thi. Hệ thống trường ĐH-CĐ đã tăng nhanh về quy mô, chất lượng, xây dựng nhiều trường ĐH đẳng cấp quốc tế, đào tạo mô hình chất lượng cao. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, năm 2011 vẫn tồn tại nhiều trường thực hiện không nghiêm túc quy chế tuyển sinh như: tự ý chuyển thí sinh không trúng NV1 xuống các hệ đào tạo khác của trường; gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không dự thi, không trúng tuyển; thông tin quảng bá, dùng các chiêu thu hút thí sinh để cạnh tranh không lành mạnh...
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hướng tới kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng những điều chỉnh, bổ sung quy chế tuyển sinh nhằm đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực, tạo điều kiện thông thoáng cho các trường tuyển sinh cũng như tăng cơ hội lựa chọn trường, ngành cho thí sinh. Hướng điều chỉnh tuyển sinh sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm chỉ tiêu TCCN trong các trường ĐH-CĐ; ưu tiên các điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy.
Đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo GDĐH hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chỉ rõ, việc các trường khó tuyển sinh, nhiều ngành quan trọng nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, một phần do lựa chọn xã hội, nhưng quan trọng vẫn là chất lượng trường yếu kém. Nếu các trường này công bố "3 công khai” đầy đủ, sẽ khó thu hút, chắc chắn phụ huynh và học sinh sẽ không lựa chọn. Để xảy ra vấn đề trên, Bộ trưởng thừa nhận "Việc giao chỉ tiêu của Bộ chưa chính xác”, Bộ sẽ sớm có nghiên cứu đưa ra giải pháp tích cực.
Chú trọng kiểm định chất lượng
Định hướng phát triển GDĐH trong các năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình sẽ thanh tra, rà soát phát hiện những trường ĐH-CĐ yếu kém không đảm bảo yêu cầu tuyển sinh và đào tạo, sau đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý, giải thể. Việc thanh tra chất lượng các trường sẽ bắt đầu thực hiện từ năm nay, trước mắt thanh tra những trường thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây, sau đó sẽ tiến hành thanh tra đồng bộ.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong thời gian tới việc phát triển quy mô GDĐH phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo; công tác kiểm định chất lượng GDĐH phải được đặt lên hàng đầu. Qua đó, công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống các trường ĐH-CĐ phải được đẩy mạnh, kiên quyết xử lý những yếu kém tồn tại; rà soát, xử lý những trường hoạt động không hiệu quả sau 3 năm thành lập, áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt.
Bàn về chất lượng đào tạo giữa các hệ ĐH-CĐ, Phó Thủ tướng cho rằng hệ chính quy được kiểm định bằng kỳ thi tuyển sinh nghiêm túc; hệ không chính quy thì còn buông lỏng cho các trường. Chủ trương của Chính phủ là không thể tăng quy mô mà không giám sát về chất lượng. Hiện, số lượng đào tạo không chính quy đang rất nhiều, cần phải kiểm soát chặt chẽ.