TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC
Mùa tuyển sinh năm 2012 có lẽ là mùa thất bát nhất của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (gọi tắt là trường tư). Rất ít trường tuyển được 50%-70%, có trường chỉ tuyển vài chục phần trăm; nhiều khoa, ngành mở ra rồi lại phải đóng cửa vì không tuyển sinh được.
Thực trạng đó có được cải thiện ở mùa tuyển sinh năm nay? Khó, bởi nguồn tuyển sinh không thay đổi vì mỗi năm vẫn chỉ có trên dưới 900.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, quy mô các trường công lập ngày càng phình to. Năm học 2001-2002, cả nước mới có 168 trường ĐH,CĐ công lập, với quy mô được phép tuyển 873.000 sinh viên thì đến năm 2011-2012, quy mô đã tăng lên đến 336 trường ĐH, CĐ công lập, được phép tuyển trên 500.000 chỉ tiêu.
Tuyển sinh 2013: trường tư có vượt qua khó khăn để tồn tại?
Miếng bánh chỉ tiêu quá bé
Nếu trừ hết các hệ khác như trung học, cao đẳng nghề, tại chức (ước tính khoảng 300.000 chỉ tiêu) thì “miếng bánh” còn lại cho hơn 80 các trường ngoài công lập rất nhỏ.
“Miếng bánh nhỏ” trong khi các trường tư cũng đang phình to. Đã qua rồi thời hoàng kim của các trường tư. Thậm chí có nhiều yếu tố được báo trước về những “cái chết” của các trường tư. Không chỉ thiếu nguồn tuyển sinh, Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 cũng đẩy các trường tư phải đối diện với những khó khăn chồng chất. Ví dụ quy định phải dành ít nhất 25% lợi nhuận của trường tư để đầu tư phát triển trường (không phải đóng thuế), số còn lại nếu chi cho các cổ đông thì phải đóng thuế.
Nếu trường tư đó hoạt động có lãi, sau nhiều năm số tiền 25% đó trở thành vốn xã hội. Theo các nhà đầu tư, quy định này của Luật Giáo dục ĐH buộc các trường tư hoạt động theo hướng phi lợi nhuận sau một thời gian. Điều này có kích thích các nhà đầu tư giáo dục để việc xã hội hóa giáo dục đi đúng hướng?
Tuyển sinh 2013: Khó khăn chồng chất
Đó là chưa kể những khó khăn khác đang bao vây các trường ĐH, CĐ tư như quy định về quỹ đất (55 m2 đất/sinh viên, nghĩa là mỗi hecta đất chỉ được phép tuyển 200 sinh viên). Trong khi đó, nhiều trường tư chưa được các địa phương hỗ trợ cho thuê đất và muốn được thuê đất cũng hết sức khó khăn.
Khi các trường tư than khó khăn, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm các trường tư phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng đào tạo. Quan điểm đó là đúng đắn nhưng trong tình hình các trường công và cả trường tư cũng đều đang phình to, lợi thế cạnh tranh lại thuộc hoàn toàn về trường công thì trường tư đang bị đẩy vào chỗ “chết”. Hay là Bộ GD-ĐT đang có một cuộc sàng lọc “tự nhiên” các trường ĐH, CĐ tư? Nhưng như vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có chủ trương cho ra đời một số trường tư khác?
Các trường ĐH, CĐ tư thục cũng nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia, cần phải hoàn thiện nó để góp phần phục vụ cho mục tiêu giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi để xây dựng hệ thống đào tạo này vững mạnh, ít nhất phải xây dựng được một số trường tư thục có chất lượng cao, vẫn chưa có lời giải.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Người Lao Động