Để không còn hướng nghiệp... tự phát
Hơn 150 giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM đến dự buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp 2013”.
"Đừng bao giờ nói với các em rằng chúng ta hãy chọn ngành này đi, mai mốt ra trường sẽ làm công việc như thế nào, mà phải xác định nghề nghiệp trước để từ đó chọn ngành học bởi phải xác định nhu cầu nhân lực trước, khả năng của mình phù hợp với nghề nghiệp nào, sau đó mới chọn ngành"
TS LÊ THỊ THANH MAI
(trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM)
Dự kiến thay đổi thời gian xét tuyển
PGS.TS Ngô Kim Khôi, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết dự kiến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sẽ có một số điều chỉnh so với năm 2012. Đây là các điều chỉnh dự kiến được đưa ra xin ý kiến trong hội nghị thi và tuyển sinh được tổ chức vào ngày 22-1. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ quy định thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung mỗi đợt sẽ kéo dài ít nhất 20 ngày để thí sinh có đầy đủ thông tin. Thời hạn cuối để các trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được rút ngắn chứ không kéo dài đến ngày 30-11 như năm 2012. Thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng truyền tin vào phòng thi để tăng cường kỷ luật phòng thi. Ngoài ra sẽ bổ sung quy định chấm thanh tra bài thi tự luận (chấm 10% bài thi tự luận) trước khi công bố. Bộ GD-ĐT sẽ chấm thẩm định bài thi ở một số trường và công bố kết quả trên các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh các điều chỉnh này, ông Khôi nói về cơ bản kỳ thi vẫn áp dụng theo phương thức ba chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả). Chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng vẫn như các năm trước đây. Tiếp tục thực hiện chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia. Thí sinh các huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo các tiêu chí do các trường đưa ra. Một số vùng như Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ sẽ được hưởng chính sách ưu tiên riêng trong tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay vẫn chia làm ba đợt với lịch thi như năm 2012. Hồ sơ đăng ký dự thi sẽ có mẫu như năm 2012. Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi dự kiến từ ngày 10-3 đến 10-4 (tại các sở GD-ĐT) và từ ngày 11 đến 17-4 tại các trường ĐH, CĐ.
Khởi động “Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013”
Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi “Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT cùng một số đơn vị tổ chức.
Tự chạy xe máy vượt đoạn đường hơn 30km, cô Dương Thị Xuân Thẩm - phó hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ - kỳ vọng: “Nhìn trời mưa cũng ngán lắm, nhưng tôi quyết định ra khỏi nhà từ 5g45 để đến đây, mong học hỏi kinh nghiệm từ các trường chứ mỗi tháng dạy một tiết hướng nghiệp trên lớp, học sinh chán lắm”.
Chấp nhận phân luồng
Cả hội trường như “nóng” lên bởi thông tin của TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: “Điều quan trọng là hướng nghiệp phải giúp học sinh nhận thức được khả năng của mình. Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ gần 600.000 sinh viên với gần 2 triệu hồ sơ dự thi, số lượng thí sinh đi thi thực tế 1,3-1,4 triệu em. Như vậy, sẽ có khoảng 700.000 thí sinh rớt. Đây là kỳ thi mang tính chất phân luồng, 700.000 thí sinh dưới điểm sàn tức là biết chắc đi thi cũng rớt. Vậy có nên đi thi không, hay chọn phương án dự xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề?”.
Ông Nghĩa khẳng định: “Hầu hết phụ huynh đều muốn con em mình được học tiếp sau khi đã hoàn thành THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề đủ sức nhận hết số thí sinh không vào ĐH, CĐ”.
Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - bổ sung: “Hằng năm có 1/3 học sinh tốt nghiệp THPT chấp nhận “chờ” kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% cử nhân, kỹ sư chấp nhận những công việc trái ngành hoặc phù hợp cho trình độ thấp hơn (CĐ, trung cấp) trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu. Công tác hướng nghiệp là làm sao cho học sinh thấy tương lai đang rộng mở, nếu không đủ năng lực thi ĐH thì học cấp thấp hơn rồi sau này học liên thông lên ĐH”.
Trong khi đó, cô Dương Thu Trang - giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - nêu vấn đề: “Người tác động nhiều nhất đến học sinh là phụ huynh nhưng một số phụ huynh trình độ thấp, hướng nghiệp cho con theo cảm tính. Chỉ còn trông chờ vào giáo viên. Tuy nhiên, hiện đa số giáo viên đều làm theo kiểu tự phát. Chúng tôi không được tập huấn, không được cung cấp những thông tin thời sự, kịp thời để hướng nghiệp cho học sinh”.
Hướng nghiệp phải từ THCS
“Đầu tiên, giáo viên hướng nghiệp hãy hỏi học sinh muốn làm việc gì, khi đã chọn nghề rồi mới đến chọn ngành học, tiếp theo mới chọn trường để thi sao cho phù hợp với năng lực bản thân. Cần phân tích cho học sinh biết những tác hại của việc chọn nghề sai và ngược lại” - ý kiến của TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM, đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.
Theo ông Duy, nếu chỉ lên lớp để dạy vài tiết hướng nghiệp trong một năm học thì học sinh không thể hiểu được tác dụng của việc chọn nghề. Ai cũng muốn mình tốt nghiệp ĐH, nhưng đi bằng con đường nào để có bằng ĐH là vấn đề khác. Đó là vấn đề mà chúng ta cần giúp học sinh nhận ra để có đường đi phù hợp nhất với năng lực và sở thích của mình. Việc hướng nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS chứ không phải đến lớp 12 mới làm, như vậy là quá muộn.
“Đặt hàng” với Tuổi Trẻ, cô Lê Thị Hà Giang - giáo viên Trường THPT Gia Định - thông tin: “Trường tôi được ban giám hiệu quan tâm nên làm công tác hướng nghiệp khá thuận lợi. Nhưng tôi biết ở một số trường, hiệu trưởng không quan tâm lắm đến hướng nghiệp nên chỉ làm theo phong trào, làm theo kiểu bắt buộc. Vấn đề này rất cần có sự chỉ đạo cụ thể. Riêng về việc phụ huynh, học sinh định kiến với mảng nghề, tôi nghĩ truyền thông cần góp sức giúp phụ huynh, học sinh thay đổi quan điểm”.
Cô Giang yêu cầu: “Thời gian tới, Tuổi Trẻ hãy đưa tin nhiều hơn về mảng nghề, có nhiều bài viết về sự thành công của những học sinh đi lên từ công nhân bình thường. Khi làm hướng nghiệp, giáo viên chúng tôi cần có dẫn chứng cụ thể để thuyết phục học sinh: không học ĐH nhiều người vẫn sống tốt được và vẫn có điều kiện học nâng cao được”.
Không hẹn mà gặp, ThS Phạm Đăng Khoa - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - tâm tư: “Công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện gặp nhiều khó khăn vì nhân sự thực hiện vừa thiếu lại vừa yếu. Chúng tôi cần tập huấn nhiều hơn, trường chúng tôi rất cần có chuyên viên tư vấn hướng nghiệp chuyên trách”.
Ông Khoa đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về hướng nghiệp, cụ thể là Luật hướng nghiệp. Có luật để khẳng định học sinh có quyền được hướng nghiệp, luật cần quy định doanh nghiệp, trường ĐH mỗi năm phải tiếp bao nhiêu trường phổ thông đến tham quan, rồi các trường phổ thông phải làm những hoạt động hướng nghiệp nào, cái nào bắt buộc, cái nào linh hoạt...
Chương trình sẽ mang lại hiệu quả thiết thực
“Tôi rất vui mừng được thay mặt bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến dự buổi tọa đàm về kinh nghiệm hướng nghiệp 2013 do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp hằng năm của báo Tuổi Trẻ. Đây là chương trình thành công nhất về hình thức lẫn quy mô thực hiện. Mười năm qua, chương trình đã mang đến cho hàng triệu học sinh những kiến thức, kỹ năng chọn lựa ngành, nghề phù hợp.
Trong mười năm, báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ, đồng hành cùng với các sĩ tử, tạo niềm tin rất lớn cho những gia đình trước kỳ thi. Với đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm, được sự ủng hộ của các trường, chúng tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực và được dư luận đánh giá cao. Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức gửi báo Tuổi Trẻ, xác nhận một lần nữa bộ sẽ đồng hành cùng báo trong công tác tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Bộ cũng có công văn gửi các trường ĐH, CĐ chỉ đạo phối hợp, tạo điều kiện cho báo trong công tác tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp. Về những thắc mắc của một số giáo viên trong buổi tọa đàm này, Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận và có thể thay đổi một số chính sách trong công tác này cho phù hợp”.
Tạo hiệu ứng xã hội
“Đối với nhiều phụ huynh, dứt khoát sau lớp 9 thì con em họ phải vào lớp 10, sau lớp 12 thì cứ vào đại học rồi tính, bất kể ngành nghề nào. Nhà trường loay hoay, sở cũng đã hỗ trợ các trường trong công tác hướng nghiệp nhưng không đồng bộ. Chưa kể một số trường vẫn mang tư tưởng thành tích: có em học lớp 10 không nổi, nhà trường đã tư vấn cho em chuyển sang hệ giáo dục thường xuyên thay vì học nghề, có em thiếu khả năng thi đậu đại học nhưng không tư vấn đi học nghề mà tư vấn học trường tư thục. Tiếng nói của báo Tuổi Trẻ rất rộng rãi, tạo hiệu ứng cho toàn xã hội. Nghe Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện chương trình này chúng tôi rất mừng, cần định lại giá trị xã hội để học sinh, phụ huynh không ngại
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Tuổi Trẻ