Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH 2013 | TƯ VẤN TUYỂN SINH

Bộ rốt ráo ép khối ngành kinh tế

Tạm dừng tuyển sinh khối ngành kinh tế, sinh viên học những ngành kinh tế sẽ phải chịu mức học phí cao do Nhà nước không có hỗ trợ là hai trong những điểm mới mùa tuyển sinh 2013 đang được quan tâm. Trong khi chưa hết lãng phí nguồn nhân lực do quy hoạch manh mún phân tán và mất cân đối lâu nay, việc rốt ráo tiết kiệm, tập trung ngân sách đào tạo cho những ngành nghề ít có khả năng xã hội hoá nhưng đất nước cần, cũng đáng mừng. Những ngành sư phạm, kỹ thuật, nông lâm ngư, nghệ thuật... sẽ bớt lo ế ẩm người học, nhất là khi có thêm cơ chế sử dụng đầu ra những ngành này.

 

cam mo nganh, mo nganh moi, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, tuyen sinh 2013, nganh moi, nganh hot, nganh de xin viec, nganh su pham, nganh kinh te, dai doan ket


Cuối năm 2012,  Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thông báo từ 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa "đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này. Vì vậy chỉ tiêu tuyển sinh 2013 tạm dừng tuyển khối ngành kinh tế là đương nhiên. Băn khoăn chăng, là những thống kê đúng còn chưa đủ của Bộ.

Năm 2011, Bộ cho biết trong số 416 trường ĐH, CĐ thì có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng và kế toán. Còn trước đó, năm 2010, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh nhóm ngành kinh tế - tài chính chiếm 36,57% tổng số 8 nhóm ngành. Việc Bộ tạm dừng cho tuyển khối ngành này được cho là sẽ giúp giải quyết vấn đề sinh viên kinh tế ra trường khó xin việc, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tuy nhiên, thống kê quan trọng hơn, là có bao nhiêu sinh viên khối ngành, trong đó có ngành kinh tế, đang thất nghiệp không có việc làm, hoặc có việc làm trái ngành, lại chưa được công bố. Bộ cần có thống kê "đầu ra” chính xác mới hy vọng giải quyết được gốc vấn đề mất cân đối trong quy hoạch nhân lực.

Chỉ là đối phó

Bởi vậy, việc siết lại ngành kinh tế năm 2013, chỉ được coi là cách Bộ trả lời câu hỏi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2012: Có đến hơn 40% sinh viên học các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế; quá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành đào tạo về kinh tế, nhu cầu nhân lực có thật sự cần đến mức đó hay không?

Năm nay do chủ trương không mở thêm nhóm ngành tài chính, ngân hàng nhưng các trường đào tạo cũ vẫn muốn tuyển, xu hướng xã hội vẫn đổ xô vào các ngành này nên Bộ quyết "ép” các trường tự giảm dần chỉ tiêu bằng cách tăng học phí. Đây là điểm mới tích cực đáng nghi nhận.

Theo đề án phân bổ ngân sách ngành giáo dục 2013, các trường được chia thành 3 nhóm: tự đảm bảo chi phí hoạt động, tự đảm bảo một phần và do nhà nước chi toàn bộ. Có 7 trường ĐH khối kinh tế, tài chính thuộc nhóm 1 sẽ phải tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, và có 7 trường thuộc khối hữu nghị, vùng cao và dự bị dân tộc sẽ được 100% ngân sách hỗ trợ. Những sinh viên theo học khối ngành nhóm 1 "không được trợ giá nữa” mà phải đóng toàn bộ học phí. Ngân sách Nhà nước sẽ dành để hỗ trợ các ngành nông lâm, y dược, kỹ thuật và sư phạm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngân sách phân bổ sẽ còn được tiếp tục điều chỉnh theo hướng cụ thể hơn nhằm tránh lãng phí.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Đại Đoàn Kết