TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC
Vì sao “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm?”
Lịch sử tuyển sinh đáng buồn của ngành sư phạm những năm gần đây liệu có tiếp tục?
Theo GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm, “ta đang thiếu rất nhiều biện pháp hỗ trợ để luôn có một lực lượng nhiều người giỏi làm trong ngành sư phạm”.
Ðội ngũ nào, chất lượng ấy
* Người ta vẫn hay nói ngoài đời rằng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Giáo sư nghĩ sao?
- Thật ra không phải lúc nào câu đó cũng đúng. Từ giữa những năm 1990, chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm tương đối khá. Thời kỳ hoàng kim trong tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là giai đoạn 1997-2003, hồi ấy thí sinh phải đạt 27 điểm/ba môn mới đỗ vào khoa toán, 24-25 điểm vào khoa văn, các khoa khác cũng phải 22 điểm, tỉ lệ là 7-8 em chọi 1, thậm chí mười mấy em chọi 1. Sau năm 2003, chất lượng đầu vào trường sư phạm đuối dần nhưng vẫn còn học sinh giỏi để tuyển, chỉ có điều những em xuất sắc nhất (như diện đoạt giải quốc gia, quốc tế) thì không vào sư phạm.
Nhưng vài ba năm nay thì tuyển sinh vào ngành sư phạm còn nặng nề hơn cả câu "chuột chạy cùng sào", nghĩa là đã phải tuyển nhóm "cùng sào" rồi mà cũng không đủ. Nếu cứ tiếp tục thế này sẽ là một vấn đề báo động cho chất lượng giáo dục phổ thông. Trong một hội thảo bàn về đội ngũ nhà giáo gần đây, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhắc lại một ý mà nhiều chuyên gia nước ngoài khi làm việc với chúng tôi cũng từng nhấn mạnh: "Chất lượng giáo dục phổ thông không bao giờ vượt qua chất lượng đội ngũ giáo viên (GV)". Đây là một đúc kết, một quy luật phổ quát rồi. Anh muốn nâng cao chất lượng nền giáo dục mà chất lượng đội ngũ không được cải thiện thì chỉ là nói suông.
Tôi nghe nói năm nay hình như có chút biến chuyển nào đó, chẳng hạn lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tăng đột biến so với năm ngoái. Tuy nhiên phải đợi sau tuyển sinh mới chắc được chất lượng đầu vào thay đổi đến mức nào.
* Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân khiến tuyển sinh ngành sư phạm đi xuống?
- Chỉ có thể xác định nguyên nhân bằng phương pháp loại trừ, bắt đầu từ việc xác định tại sao lại có sự đột biến về chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm từ mùa thi năm 1997. Chính sách miễn học phí cho sinh viên trường sư phạm có những thời điểm là kích thích đủ mạnh nhưng càng về sau đãi ngộ ấy không còn là vấn đề nữa với số đông. Nói cách khác, đến lúc chính sách đó hết hiệu lực kích thích học sinh thi vào sư phạm.
Vậy thì lý do ảnh hưởng lâu dài tới việc chọn nghề của học sinh là vấn đề lương và thu nhập. Một nguyên nhân gây ảnh hưởng tức thì, hiện là nguyên nhân số 1 là sinh viên sư phạm ra trường bị "ế". Nếu lương thấp người ta vẫn có thể hi vọng sau này sẽ cao. Nhưng nếu tốt nghiệp ĐH để rồi thất nghiệp thì ai muốn thi vào?
* Lương GV thấp, nhưng thấp so với ai?
- Tôi không dám so thấp với ai. Tôi chỉ thấy trước hết là thấp so với cái người ta cần để tồn tại chứ chưa nói đến chuyện để sống sung sướng. Trước tháng 5-2012 (lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng), khi lương tối thiểu là 850.000 đồng, sinh viên giỏi trường sư phạm được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy chỉ được 75% lương hệ số 2, nghĩa là khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, khi hết tập sự thì được hệ số 2,2, nghĩa là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Cứ nhìn vào cái đáy này mà không ai thấy xúc động thì đó là một tội lỗi!
Thứ hai là thấp so với yêu cầu cần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Như trên đã nói, GV là yếu tố quyết định chất lượng của nền giáo dục. Phải có đội ngũ nhà giáo có chất lượng để đáp ứng yêu cầu nâng chất lượng giáo dục. Muốn nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo thì phải tăng lương cho GV để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, chí ít cũng phải là người khá trở lên. Nhà nước đặt ra yêu cầu tăng chất lượng giáo dục mà lại lấy người "cùng sào" vào sư phạm, vì "cùng sào" nghĩa là bét! Như vậy, nói lương thấp ở đây là để so sánh với cái ngưỡng đặt ra để thu hút người khá giỏi vào sư phạm.
Không ai muốn vào ngành giáo dục để dạy thêm
* Lúc nãy giáo sư có nói hình như năm nay lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành sư phạm tăng. Giáo sư đã thử tìm hiểu lý do tại sao?
- Nếu điều đó là sự thật thì có thể do dư luận xã hội nhận thấy triển vọng thu nhập của ngành sư phạm sáng sủa hơn. Trước hết là từ chế độ phụ cấp thâm niên có hiệu lực từ tháng 5-2011 và bắt đầu thực hiện chi trả từ năm nay. Lấy ví dụ là tôi, nhờ phụ cấp thâm niên mà lương tôi tăng hơn 40%. Đương nhiên là tôi thấy rất sung sướng. Cảm xúc đó lan tỏa trong cộng đồng nho nhỏ của gia đình tôi. Chắc chắn nó sẽ là tham số có ảnh hưởng tích cực tới việc chọn nghề của cháu tôi nếu nó sắp thi ĐH.
Mặt khác, từ khoảng một năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng luôn đề cập vấn đề cải cách căn bản chế độ tiền lương của công chức, viên chức hưởng lương sự nghiệp. Những thông tin này gieo vào người ta một hi vọng. Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết ban đầu của tôi.
* Hay ngành sư phạm hấp dẫn trở lại do người ta nhìn vào thu nhập từ dạy thêm của các thầy cô?
- Đúng là có những người rủng rỉnh đồng ra đồng vào nhờ dạy thêm. Thậm chí cũng có những người khá đấy. Nhưng đứng về mặt thống kê, số GV giàu lên nhờ dạy thêm không phổ biến. Hơn nữa, dạy thêm chỉ có ở những vùng mà điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, chứ ở những nơi khác dân nghèo lấy đâu ra tiền đi học thêm!
Tôi nghĩ rằng nhiều GV xem dạy thêm là cực chẳng đã. Kiếm được đồng tiền từ dạy thêm cũng chẳng sung sướng gì, có người có con nhỏ vẫn phải cặm cụi dạy thêm tới 8-9 giờ tối. Hơn nữa, dạy thêm dù có tiền vẫn làm hình ảnh người ta nhếch nhác. Tôi cho rằng dạy thêm là một lựa chọn phát sinh, lương thế này nên buộc phải dạy thêm chứ không phải vì cơ hội dạy thêm mà nộp đơn vào sư phạm. Về mặt xã hội, tôi cho rằng không nên khuyến khích người ta đi theo nghề giáo bằng kiểu khổ sở như thế.
Ngay cả ở nước ngoài, lương GV cũng không cao so với một số ngành nghề khác, nói chung nghề GV chẳng mấy ai giàu có nhờ lương. Nhưng GV vẫn yên tâm làm việc vì họ được xã hội tôn trọng về mặt tinh thần, lương thì đủ sống. Xã hội đa dạng về năng lực, về nguyện vọng, về sở trường. Không phải ai sống cũng với mục tiêu phải có thật nhiều tiền, ngay trong những người giỏi nhất. Thế nên mới có người theo ngành nọ, người theo ngành kia. Nhưng việc đảm bảo cho người ta đồng lương đủ sống mới giúp người ta chọn nghề là vì sở trường, vì năng lực chứ không vì đồng tiền.
* Có vẻ như khó đặt vấn đề tăng lương cho riêng lực lượng GV khi đội ngũ này chiếm 1/2 tổng số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước?
- Đội quân ấy đông vì đội quân đi học đông. Đội quân đi học là thế hệ tương lai. Về mặt ý chí chính trị nếu nhận thức như vậy thì phải xác định được việc cần làm đảm bảo cho sự tồn vong, phát triển của đất nước. Nhưng nếu bảo vì lực lượng đó quá đông, ta không có đủ tiền thì không bàn nữa.
* Nhưng để nâng cao chất lượng đội ngũ chắc cũng cần những giải pháp ngoài vấn đề lương?
- Đúng rồi. Lương chỉ là một yếu tố kích thích đầu vào, là một điều kiện cần để GV có thể toàn tâm toàn ý với công việc giáo dục. Để phát triển đội ngũ cần có một quá trình sàng lọc thường xuyên, trong đó năng lực nghề nghiệp là công cụ. Nếu lương thấp, người ta không mặn mà thì động thái sàng lọc là vô nghĩa, chưa cần sàng lọc người ta đã tự bỏ nghề.
Mặt khác, chế độ lương phải kích thích được những người trẻ có năng lực, có cố gắng. Cách trả lương hiện nay khiến người giỏi cũng như người kém, sống lâu lên lão làng. Nhiều GV trẻ rất giỏi nhưng vẫn phải "leo từ từ". Một số nước áp dụng giấy phép hành nghề, tốt nghiệp ĐH sư phạm không có nghĩa là được đi dạy ngay mà phải vượt qua một kỳ sát hạch. Giấy phép hành nghề cũng có thời hạn, chẳng hạn cứ năm năm phải đổi một lần.
Ngay cả khi anh có khả năng vượt trội, anh được hưởng một mức lương tương xứng với khả năng đó cũng không có nghĩa là anh sẽ được hưởng mãi mãi. Nếu không cố gắng, thậm chí còn thụt lùi, anh sẽ phải quay về với mức lương thấp hơn. Nói chung cần rất nhiều biện pháp hỗ trợ về quản lý để luôn luôn có một lực lượng nhiều người giỏi làm trong ngành sư phạm.
* Cảm ơn giáo sư!
* Để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, ngoài chính sách về lương chúng ta nên có chiến lược xây dựng hình ảnh cho nghề giáo?
-Cần xây dựng chuẩn giá trị cho nghề giáo về vật chất cũng như về vị trí tinh thần. Nhiều nước có chuẩn giá trị nghề GV, bước chân vào ngành sư phạm họ phải cam kết thực hiện các trách nhiệm riêng cho nghề nghiệp. Trong một hội nghị về đội ngũ cán bộ, nhà giáo gần đây, PGS.TS Phạm Hồng Quang - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên - đề xuất cần quan tâm xây dựng môi trường sư phạm thật sự văn minh ngay từ khâu đào tạo.
Sinh viên sư phạm phải được quan tâm đặc biệt, đồng thời cũng phải có những đòi hỏi đặc biệt. Chẳng hạn, cần yêu cầu tất cả sinh viên sư phạm phải được rèn luyện tác phong, lối sống giống như sinh viên các trường của ngành công an, quân đội. Tôi chia sẻ quan điểm này với thầy Quang. GV phải là nhà giáo dục, là nhà văn hóa. Giá trị văn hóa của người làm nghề giáo vô cùng quan trọng, vì họ là những người làm nghề tác động tới con người.
Giá trị văn hóa được tạo nên từ những hành vi, phẩm chất văn hóa của người làm nghề giáo. Nhưng không phải tự nhiên mà nhà giáo có được những hành vi, phẩm chất có văn hóa. Chúng ta phải xây dựng môi trường để con người văn hóa trong anh ta được nuôi dưỡng. Khi một nhà giáo bước chân ra đường, anh ta phải thể hiện phong cách của nhà giáo... Ngay ở Việt Nam ngày trước, những người làm nghề giáo đều có phong cách riêng, họ đi ra ngoài là người ta nhận ra ngay đấy là sinh viên sư phạm, đấy là nhà giáo.
Theo tôi biết, một số nước, như Trung Quốc chẳng hạn, bắt buộc sinh viên phải ở ký túc xá. Đằng này ở mình, sinh viên sư phạm ở trọ trong những khu nhà nhếch nhác, phòng trọ thì bừa bãi. Sống trong môi trường như thế khó mà làm cho người ta có được tác phong mô phạm hoặc chỉ mô phạm được một chút trên bục giảng, bước ra khỏi lớp học là lộ ngay cái chất lôm côm.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Tuổi trẻ cuối tuần
tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, ti le choi, tỉ lệ chọi 2013, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn trường,tuyển sinh khối a1, diem thi, diem thi dai hoc, diem chuan, diem chuan dai hoc, diem thi tot nghiep, dap an de thi tot nghiep, dap an de thi dai hoc