Sự kiện: Thông tin tuyển sinh , tuyển sinh 2011

Tuy nhiên, để tránh tình trạng học sinh học vẹt, đề thi sẽ dành tối thiểu 50% số câu hỏi cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức.

Barem điểm thiết kế theo hướng có lợi cho học sinh

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, nội dung đề thi sẽ dựa theo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Cũng như những năm gần đây, đề thi được ra theo hướng giảm học vẹt, học tủ, có những câu hỏi đánh giá khả năng vận dụng, thông hiểu kiến thức của học sinh để làm sao học sinh khi đi thi không chỉ học thuộc lòng mà phải liên kết được các phần đã học, các kiến thức với nhau mới có thể trả lời được.

 

thong tin tuyen sinh, tuyen sinh 2011, thi tot nghiep

Hình minh hoạ , nguồn Google

 

Ông Nghĩa cho biết, trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có những câu hỏi khó hơn dành cho học sinh khá, giỏi nhưng không nhiều.

“Các em không nên quá lo lắng vì chủ trương của Bộ về việc ra đề thi cơ bản ổn định như năm 2010. Các em nên lưu ý, ngay trong các câu hỏi khó cũng có thể sẽ có những phần mà học sinh sức học trung bình làm được. Dù có những câu hỏi phân hóa nhưng về tổng thể tôi khẳng định, học sinh với sức học trung bình nếu chuẩn bị ôn thi tốt chắc chắn sẽ vượt qua được kỳ thi”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho học sinh thể hiện kiến thức của một quá trình học tập, những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT được ra theo hướng có nhiều câu hỏi.

Hơn nữa, đề thi có nhiều câu hỏi với phạm vi kiến thức rộng sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ của học sinh. Trong barem đáp án, điểm một câu hỏi có thể được chia nhỏ ra nhiều phần. Vì vậy, nếu học sinh làm sai một câu chưa chắc đã mất điểm hoàn toàn câu đó. Nếu làm trọn vẹn phần nào trong câu, sẽ được điểm của phần ấy.

Một số lưu ý

Ông Nghĩa lưu ý thí sinh, trong cấu trúc đề thi có hai phần, bắt buộc và tự chọn, thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn.

“Khi ra đề thi, giám khảo luôn tính toán để hai phần tự chọn tương đương nhau, không có phần nào dễ hơn. Vì vậy, ngay từ lúc ôn tập, thí sinh nên xác định trước sẽ ôn theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) và khi vào phòng thi sẽ làm phần tự chọn theo chương trình đó. Nếu làm được điều trên, trước hết thí sinh không bị mất thời gian cho việc cân nhắc lựa chọn phần riêng, bên cạnh đó sẽ không xảy ra các lỗi liên quan đến việc làm hai phần tự chọn và dẫn đến mất điểm”, ông Nghĩa nói.

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần nhận dạng, phân loại đề thi thuộc loại nào, yêu cầu của đề là gì để định hướng làm bài, tránh bị lạc đề. Một điểm đáng chú ý là thí sinh cần bao quát đề thi, xem đề có mấy câu hỏi, biểu điểm thế nào để có hướng phân bổ thời gian làm bài, tránh tập trung vào một số câu mà bỏ qua các câu còn lại.

Đề thi dành tối thiểu 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu vận dụng kiến thức là một thông số mới trong chỉ đạo việc ra đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT. Một số ý kiến cho rằng, thông hiểu, vận dụng là những yêu cầu có cấp độ cao hơn yêu cầu nhận biết trong thiết kế bài giảng trên lớp của giáo viên. Do đó, dù phạm vi đề thi nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình, việc đề thi dành 50% điểm số cho các yêu cầu này sẽ khiến học sinh có học lực trung bình khó đạt điểm cao.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nói: “Khi làm bài thi, học sinh sẽ đạt được điểm số tương ứng với mức độ thông hiểu, vận dụng mà mình thể hiện được. Yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp không bắt buộc các em phải đạt điểm 9-10/môn mới đỗ. Các em chỉ cần đạt mức trung bình – 5 điểm/môn, thậm chí với những đối tượng ưu tiên, các em chỉ đạt mức trung bình 4,5 đến 4,75 điểm/môn đã đỗ tốt nghiệp”.

 

Sự kiện: Thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh 2011

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.

Kenhtuyensinh ( Nguồn Tienphong )