Vào đại học luôn là mục tiêu lớn nhất của đa số các học sinh trung học phổ thông. Nhưng khi đã trở thành sinh viên rồi, họ mới hiểu rằng, để ngồi được trên giảng đường 4 năm và tốt nghiệp với một tấm bằng loại khá đôi khi gian nan hơn việc thi đại học rất nhiều.
Nhiều bạn sinh viên than thở: “Chỉ khi kì thi đến gần, mình mới học lấy học để. Còn bình thường, không hiểu sao mình chẳng thể nào tập trung được. Dù đã là sinh viên được hơn một học kì nhưng mình vẫn chưa thích nghi với môi trường học hiện tại
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tập trung giảm dần:
* Lên đại học, các sinh viên phải tự tìm tòi nghiên cứu là chính. Nếu không được đốc thúc, không có động lực cụ thể, không ai động viên học tập, thì sẽ trở nên lười biếng và mất hứng thú học tập lúc nào không hay
* Chưa thích nghi với môi trường mới, ở xa nhà nên luôn nhớ về những kỉ niệm xưa cũ. Đôi khi chỉ cần một lời giảng rất đỗi bình thường của thầy cô cũng khiến tâm hồn họ “mơ về nơi xa lắm”
(Ảnh minh họa trên internet)
* Sinh viên luôn phải học liên tục hai, ba tiếng đồng hồ, chỉ nghỉ giải lao ngắn khoảng 15-20 phút. Việc học cao độ cộng với kiến thức tiếp thu quá nhiều trong đầu sẽ dẫn đến bão hòa và đuối, càng về sau càng không thể tập trung
* Cảm thấy chán, không hứng thú với môn đang học và tự hỏi không biết học để làm gì. Giảng viên phân tích quá sâu và quá kĩ trong khi sinh viên không đủ thời gian hệ thống hóa lại các kiến thức đã được tiếp thu
* Không hiểu sẽ dẫn đến chán, và chán sẽ khiến sinh viên mất tập trung. Càng mất tập trung lại càng không hiểu. Vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại và sự tập trung cứ thế mà giảm dần…
Cách khắc phục
Khi đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến mất tập trung thì ta hãy khắc phục ngay từ chính những nguyên nhân đó
Bằng cách:
+ Tạo động lực bằng việc thi đua với bạn bè, cố gắng đưa ra những mục tiêu và công khai cho mọi người thấy (khi bạn đã công khai thì mọi người đều chứng kiến, như thế bạn mới có thể phấn đấu đến nơi đến chốn): ghi những dòng quyết tâm lên status, bỏ Facebook, hạn chế tán gẫu tại các diễn đàn…
+ Hòa nhập hơn với bạn bè, lắng nghe họ, cười với họ và chia sẻ cùng họ những trải nghiệm, tâm sự của mình… Khi có nhiều bạn và cởi mở với họ, bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều và mỗi ngày lên giảng đường là một niềm vui đối với bạn
+ Khi đang nghe giảng nên tắt điện thoại và cất đi. Việc để điện thoại trên mặt bàn chỉ khiến bạn có xu hướng nhắn tin, lướt web, nghe nhạc…
+ Khi mệt mỏi, hãy nghỉ một chút. Không nên quá cầu toàn. Nhiều sinh viên thường cố gắng tập trung cao độ dẫn đến tinh thần mệt mỏi, nên thường chỉ tập trung được khoảng thời gian đầu, về sau đuối dần
+ Không nên mang laptop theo khi đi học. Đối với các môn thực hành, mang laptop là rất tốt, nhưng nếu chỉ học những môn liên quan đến lý thuyết, thì nên tập trung lắng nghe hơn. Ngồi bàn đầu và ngồi chung với những bạn chăm học. Nhìn xung quanh thấy ai cũng chăm chú, tự khắc bạn sẽ có hứng
+ Nên đọc sách trước ở nhà khi rảnh
+ Tìm hiểu thêm những thông tin, kiến thức bên ngoài để tích cực trao đổi, thảo luận trên lớp
+ Thay vì bỏ phí hàng giờ đồng hồ để lên mạng và rồi không biết mình phải làm gì tiếp theo, hãy hoàn thành những việc lặt vặt còn dang dở: lau bàn ghế, tưới cây, giặt quần áo… Tự khắc bạn sẽ bị cuốn vào những công việc đó và hăng say làm, hứng thú chơi bời sẽ giảm. Bạn sẽ dễ dàng ngồi vào bàn học hơn.
+ Tránh ghi chép quá nhiều. Chỉ cần ghi những điều không có trong sách vở và bạn cảm thấy đáng để nhớ. Ghi chép nhiều sẽ khiến bạn xao nhãng, và khi đã xao nhãng thì dù cố tập trung đến mấy vẫn không hiểu được giảng viên đang truyền đạt điều gì
+ Ghi ra những nỗi lo trong đầu của bạn, từ chuyện bạn bè, gia đình, tình cảm, quá khứ và tương lai… Ghi hết ra trong một tờ giấy và tự nhủ: “Sẽ giải quyết sau khi học xong”. Đang học mà cứ nghĩ đến những chuyện không đâu, vừa mất thời gian, vừa không giải quyết được gì, lại còn làm cho năng suất học tập giảm sút
+ Hạn chế nhìn đồng hồ và đừng trông đợi, hy vọng những điều khó có thể xảy ra: trường cúp điện, giảng viên vắng mặt, được về sớm… Điều đó chỉ càng khiến bạn mất tập trung mà thôi.