Để giải đáp những vướng mắc, băn khoăn về tuyển sinh năm 2011 như: Nộp hồ sơ dự thi; xu hướng nghề trong tương lai; chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân; nghề nào dễ tìm việc làm; thông tin về trường đại học, cao đẳng mà thí sinh quan tâm… Đặc biệt, năm nay chuyên mục Tư vấn tuyển sinh Dân trí thực hiện thêm tư vấn cho thí sinh về vấn đề giữ gìn sức khỏe trong mùa thi.
Ban tư vấn tuyển sinh Dân trí sẽ trả lời ngay các câu hỏi của độc giả trên mục Tư vấn tuyển sinh hàng ngày bởi các chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng và các nhà tâm lý giáo dục… Mọi thắc mắc, băn khoăn lo lắng của thí sinh về mùa thi 2011 xin vui lòng gửi về hộp thư: [email protected].
Dưới đây là những điểm quan trọng thay đổi trong mùa tuyển sinh 2011, các thí sinh cần lưu ý:
Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi bắt đầu từ 14-3 đến 14-4/2011. Các trường ĐH nhận hồ sơ trực tiếp tại trường từ 15/4 đến 21/4.
Năm nay, bỏ quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” khi thí sinh trúng tuyển nhập học.
Mọi thắc mắc, băn khoăn lo lắng của thí sinh về mùa thi 2011 xin gửi về hộp thư: [email protected]. |
. |
* Một thí sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định hỏi: Học ngành Tâm lý học có dễ tìm việc làm không và thường làm việc ở đâu?
Ông Phạm Tấn Hạ, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội trả lời: Những người học tâm lý giáo dục sẽ rất rộng đường tìm việc làm qua công việc tư vấn những vấn đề về học đường, tâm sinh lý học sinh. Ngoài ra, người học ngành này còn đáp ứng được các yêu cầu kiến thức cơ bản về quản lý nhân sự, tài chính, kinh tế học giáo dục, thanh tra, marketing giáo dục, nghiên cứu, tư vấn giáo dục…
Ngành tâm lý học đường mặc dù còn rất mới ở Việt Nam nhưng đã mở ra không ít triển vọng. Đây là một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng nhằm thực hiện công tác phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong các lĩnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng; đồng thời tham gia nghiên cứu, xây dựng, phát triển và lượng giá các chương trình này. Khi giáo dục kỹ năng sống đang ngày càng được ngành Giáo dục và xã hội quan tâm, coi trọng thì sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể dễ dàng kiếm được việc làm.
* Phụ huynh Nguyễn Thị Tuyết ở thị xã Cao Bằng hỏi: Lệ phí tuyển sinh năm nay có tăng không? Nếu tăng là bao nhiêu?
Lệ phí tuyển sinh năm nay không tăng, giữ ổn định như năm trước. Ngay khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh phải nộp luôn lệ phí tuyển sinh (tổng cộng 80.000 đồng/hồ sơ, gồm: 50.000 đồng phí ĐKDT và 30.000 đồng phí dự thi).
Với những trường có sơ tuyển, có môn thi năng khiếu sẽ nộp mức lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 100.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn), sơ tuyển đối với các ngành khác: 40.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn). Lệ phí dự thi năng khiếu: 200.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn).
* Thí sinh Lê Thị Thu Hồng, Đà Nẵng hỏi: Ngành Tài chính và ngành Ngân hàng nếu đào tạo ở trường hai trường đại học khác nhau, giáo trình có khác nhau không? Có phải khi ra trường, những trường chuyên về Tài chính dễ xin việc hơn hay không?
Thầy giáo Châu Minh Quý, Trường ĐH Marketing trả lời: Theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, các ngành đào tạo chung về ngân hàng hay tài chính các trường đại học giảng dạy đều theo chương trình khung, phần cứng do Bộ GD-ĐT quy định, chỉ khác biệt 25% phần sau là do các trường xây dựng theo đặc thù, đặc điểm riêng biệt của các trường.
Ra trường thì những trường chuyên về Tài chính dễ xin việc hơn hay không? Điều này phụ thuộc vào các em. Các trường đều chú trọng và truyền đạt thông tin rất đầy đủ kiến thức để các em có khả năng làm cho các nhà tuyển dụng có ấn tượng với mình. Bên cạnh đó, để làm tốt công việc, các em còn phải trang bị thêm kiến thức là tiếng Anh, vi tính, kỹ năng mềm…
Học sinh Nguyễn Việt Dũng, TP.HCM hỏi: Nếu học về Công nghệ thông tin thì học chuyên ngành nào có cơ hội việc làm cao?
PGS.TS Đỗ Phúc, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM trả lời: Ngành Công nghệ Thông tin là một trong những ngành đào tạo trọng điểm, trong tương lai gần mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1755. Ngành sẽ trở thành ngành đóng góp rất mạnh mẽ vào GDP Việt Nam.
Chúng ta biết, người Việt Nam rất có năng lực về công nghệ thông tin và tư duy về toán học. Trong những năm qua, sau nhiều năm phấn đấu, chúng ta đã có doanh thu 1 tỷ đô la về CNTT. Ngành CNTT có 2 lĩnh vực quan trọng: Thứ nhất, lĩnh vực nghiên cứu riêng về khoa học máy tính; Thứ hai, lĩnh vực quan trọng hơn là tăng cường ứng dụng CNTT, đặc biệt tăng cường ứng dụng CNTT trong khối kinh tế, doanh nghiệp để đẩy ngành kinh tế nước ta lên có sức cạnh tranh lớn, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập toàn cầu.
Trường ĐH Công nghệ thông tin , ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo 5 ngành về CNTT: Ngành Khoa học máy tính đào tạo các cử nhân chuyên sâu về CNTT để phát triển khoa học về máy tính; ngành Khoa học thông tin để phát triển tích hợp các CNTT trong ứng dụng, trong doanh nghiệp và trong kinh tế; Ngành Kỹ thuật phần cứng máy tính liên quan đến các hệ thống phần cứng; Ngành Công nghệ phần mềm, sản xuất phần mềm và ngành Mạng Tin học và Truyền thông trong đó kết hợp với máy tính, bảo vệ an toàn máy tính để ứng dụng trong các ngân hàng. Ngày nay, ta có thể rút tiền ở các ngân hàng qua cây rút tiền ATM trong đó bảo vệ an toàn các dữ liệu.
Nói chung về các ngành học CNTT hiện nay đều có nhu cầu rất lớn. Đến năm 2015 chúng ta cần 1 triệu kỹ sư về CNTT. Nên tôi nghĩ đây là ngành rất có tương lai cho các em. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, bất cứ ngành khoa học nào để các em ra trường dễ tìm việc làm ngoài việc học giỏi chuyên môn thì các em lưu ý vấn đề ngoại ngữ và quan trọng hơn là vấn đề kỹ năng mềm, trong đó kỹ năng giao tiếp và truyền thông.
Ban Tư vấn tuyển sinh
Theo: Dân Trí