Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), TS Lê Viết Khuyến chứng kiến nhiều thay đổi trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học.
Là Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) 20 năm rồi chuyển sang công tác tại Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng năm 2008, TS Lê Viết Khuyến chứng kiến nhiều thay đổi trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học.
Ban đầu, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức bên cạnh kỳ thi tuyển sinh của từng đại học. Sau đó kỳ thi tốt nghiệp bên cạnh kỳ thi đại học theo hình thức "3 chung" rồi gộp hai kỳ thi thành THPT quốc gia năm 2015, trở thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tựu trung, giai đoạn nào cũng có một kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia với mục đích chính xét tốt nghiệp.
Nhiều người muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì cho rằng không cần thiết, tỷ lệ trượt chỉ 1-2%. Tuy nhiên, ông Khuyến lại cho rằng chưa thể bỏ ngay vì điều kiện chưa chín muồi. Một khi bệnh thành tích trong học tập, thi cử chưa được giải quyết triệt để, việc bỏ một kỳ thi ở tầm quốc gia, trao trả hoàn toàn cho địa phương dễ dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở".
"Khi đó, kết quả học tập 12 năm của học sinh không còn mấy ý nghĩa, gây ra hệ luỵ xấu. Chúng ta chỉ có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp nếu hình thành được văn hóa chất lượng, nhưng tôi e ngày đó còn xa lắm", ông Khuyến nói.
Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Mặt khác, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là cách tuyển sinh đại học phù hợp, hiệu quả. Thực tế, đại học được tự chủ, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, nhưng vẫn phụ thuộc phần lớn vào kỳ thi này. Để các trường và xã hội tin tưởng khi dùng làm phương thức xét tuyển đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thay đổi để hiệu quả, khoa học hơn.
Thứ nhất, theo ông Khuyến, không có quốc gia nào học sinh thi tốt nghiệp mà tỷ lễ đỗ nhiều năm liên tiếp 98-99% như Việt Nam. Những con số này tạo nên sự hoài nghi về tính thực chất, các đại học không thể tin tưởng khi sử dụng kết quả để tuyển sinh. Tốt nhất nên thành lập trung tâm khảo thí độc lập, không chịu sự chỉ đạo, chi phối nào, chỉ làm đề thi, tính toán điểm số theo đặt hàng. Một năm, trung tâm đó có thể tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Các đại học có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi.
Thứ hai, để tránh tình trạng 29-30 điểm vẫn trượt như hiện nay, các trường khi sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn cần xét thêm tiêu chí phụ, như điểm học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thi kiểm tra năng lực. Chẳng hạn, thay vì lấy điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 29, những ngành "hot" có thể lấy mức 26, yếu tố quyết định đậu hay trượt là các tiêu chí khác. Điều này đang được nhiều nơi áp dụng khá hiệu quả, cũng là cách tránh sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp, chọn được thí sinh phù hợp.
Công tác tuyển sinh hiện tại cũng cần được hoàn thiện. Tổ hợp trong tuyển sinh đa dạng nhưng theo hướng rõ ràng, đơn giản. Thực tế, khi có quá nhiều tổ hợp xét tuyển được các trường sử dụng, việc dự báo điểm chuẩn không sát, gây thiệt thòi cho thí sinh.
Ngoài ra, đại học đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nhưng cần hạn chế xét tuyển bằng kết quả học tập THPT bởi vẫn có tình trạng "xin điểm làm đẹp học bạ". Ngay trong phương thức này, các điều kiện xét tuyển cần tránh rườm rà, gây rối loạn cho thí sinh. Hiện, với phương thức xét học bạ, có trường lấy tiêu chí điểm trung bình ba môn của cả năm hoặc theo học kỳ, có trường lại xét điểm tất cả môn, có trường lấy điểm 5-6 kỳ, lại có trường chỉ xét lớp 12.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, công tác tuyển sinh hiện tại cần được hoàn thiện
Đồng tình với ông Khuyến, nhiều chuyên gia tuyển sinh đại học nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được vận hành khá ổn định, không nên thay đổi đột ngột sẽ gây "sốc" với thí sinh và các trường. Giữ kỳ thi này cũng nhằm thực hiện định hướng ổn định tuyển sinh đại học đến năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc các trường cần làm lúc này là thiết lập, giữ ổn định phương án tuyển sinh, dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nha Trang, cho biết bên cạnh phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, hai cách làm khác phổ biến và chiếm tỷ trọng chỉ tiêu lớn của nhiều trường hiện nay là xét kết quả học tập và sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực.
Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM được nhiều trường quan tâm hơn, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường. Hình thức và tính chất của kỳ thi đánh giá được năng lực cơ bản của người học đại học. Chẳng hạn, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM có cách tiếp cận như bài thi SAT của Mỹ, công tác tổ chức gọn nhẹ, thuận lợi cho thí sinh.
"Đây là giải pháp để hạn chế sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tương lai. Giả sử kỳ thi tốt nghiệp không được tổ chức nữa, các trường có thể bị động 1-2 năm đầu, nhưng sau đó sẽ thích ứng được bởi đang sử dụng ít nhất là 3 phương thức tuyển sinh", ông Phương nói.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cũng đồng tình việc các trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trong vài năm tới. "Chỉ khi nào thành lập được các trung tâm khảo thí độc lập, không liên quan tới bất cứ trường, bộ ngành nào, chỉ chuyên lo thi cử mới có thể bỏ được phương thức xét tuyển dựa kỳ thi tốt nghiệp", ông Sơn nói.
Trung tâm khảo thí sẽ tổ chức thi theo "đặt hàng" của trường; thí sinh có nhu cầu thi vào các trường đó mới đăng ký. Các trường còn lại có thể tuyển sinh bằng tiêu chí khác tùy theo tiêu chí đầu vào.
> Điểm danh 10 trường có điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính cao nhất
> Điểm chuẩn nhóm ngành Sư Phạm tăng cao nhất sau nhiều năm
Theo VnExpress