Hình minh hoạ
Xoay xở nhiều cách
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore (Bình Dương), ngay sau Tết cũng gấp rút chiêu sinh đợt 2 cho năm học 2010-2011. Trong đợt này, trường sẽ tuyển 480 chỉ tiêu cho hệ trung cấp nghề, trong đó gồm 360 chỉ tiêu cho hệ 2 năm (dành cho học viên tốt nghiệp THPT) và 120 chỉ tiêu cho hệ 3 năm (dành cho học viên tốt nghiệp THCS). Các ngành tuyển sinh gồm: điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, sửa chữa máy vi tính. Ngoài hệ dài hạn, trường cũng đang tuyển sinh hệ ngắn hạn dành cho học viên có nhu cầu theo học các ngành nghề.
Việc chia ra làm nhiều đợt tuyển sinh để thu hút học viên được nhiều trường nghề thực hiện. Bởi ngoài mong muốn có đủ học viên, bảo đảm chỉ tiêu được giao, các trường cũng muốn góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo, cung cấp công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp. Điều đáng nói là năm qua, dù có nhiều hình thức chiêu sinh nhưng số lượng học viên ở nhiều trường nghề vẫn không đủ chỉ tiêu, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Có cơ chế nhưng vẫn không hấp dẫn
Luật Dạy nghề từ khi có hiệu lực (ngày 1-6-2007) đã chia dạy nghề (do Bộ LĐ-TB-XH quản lý) ra 3 cấp độ đào tạo: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Cũng từ đó, việc học liên thông từ bậc sơ cấp nghề lên trung cấp hay cao đẳng nghề được thực hiện. Thế nhưng, trong thực tế, việc liên thông chỉ dừng lại ở cấp bậc cao đẳng nghề. Trong khi đó, chương trình đào tạo giữa các cấp học thuộc Bộ GD-ĐT quản lý lại thông thoáng hơn, học viên có thể học liên thông từ trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng và đại học. Các trường nghề cho rằng, đây là nguyên nhân khiến việc tuyển sinh gặp khó khăn vì học viên không có cơ hội liên thông lên bậc học cao hơn.
Đến tháng 12-2010, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH. Theo đó, học viên từ trình độ trung cấp, cao đẳng nghề có thể học liên thông lên cao đẳng và đại học. Thông tư 27 đã mở ra con đường cho những học viên học nghề muốn tiếp tục phát triển nghề nghiệp mà trước đó không có cơ hội được vào đại học một cách chính thức.
Dù con đường liên thông giữa hai bộ đã thông thoáng nhưng công tác tuyển sinh ở các trường nghề vẫn không khởi sắc. Thậm chí, cơ hội được học tập lên cấp bậc cao hơn vẫn chưa được học viên, sinh viên quan tâm. Điển hình như tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM. Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết đang chiêu sinh đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học thông qua liên kết với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhưng số học viên đăng ký chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là vì để được học liên thông, sinh viên phải trải qua kỳ thi tuyển khá gắt gao nên không ít học viên e dè. Còn tại Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo, hiện số học viên liên thông từ hệ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề chỉ chiếm khoảng 20% - một tỉ lệ thấp so với mong muốn của trường.
Cần tạo thế mạnh riêng
Dễ dàng nhận thấy ở hầu hết các trường, những ngành nghề đào tạo gần như giống nhau. Nếu như trường A có ngành quản trị doanh nghiệp, kế toán hay cơ - điện tử thì trường B cũng nhất định phải ra cho được ngành đó mặc dù đây không phải là thế mạnh của mình. Chính sự giẫm chân lên nhau giữa các ngành nghề đào tạo đã khiến các trường chưa tạo được thế mạnh thu hút học viên.
Thạc sĩ Nguyễn Phan Hòa cho rằng để thu hút học viên, các trường phải tạo ra thế mạnh trong từng ngành nghề, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu học nghề của học viên. Đồng thời phải khảo sát, nắm chắc nhu cầu của xã hội để đào tạo cho phù hợp.
Theo ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, để thu hút học viên, việc cập nhật kiến thức mới, những ngành học mới là rất cần thiết. Bởi hiện các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị mới gấp 2,5 lần và như thế, công nhân phải không ngừng học tập để đáp ứng công nghệ mới. Làm được điều này, các trường mới không lo thiếu học viên
nld.com.vn