Bị đánh giá là “điểm nghẽn”, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề hiện vẫn chưa có hướng giải quyết. Câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý là nên giảm yêu cầu 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề hay giảm chỉ tiêu học phổ thông và đại học sau tốt nghiệp THCS và THPT.
Nhiều trường nghề lo lắng vì tuyển sinh ngày càng khó khăn
Tỷ lệ học nghề quá thấp
Theo TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), Bộ GD-ĐT, phân luồng giáo dục ở Việt Nam thực hiện sau THCS và THPT là để học sinh sau khi tốt nghiệp tiếp tục được giáo dục và đào tạo theo những khuynh hướng và ngành học khác nhau phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh và nhu cầu xã hội. “Thực hiện tốt việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhất là ở cấp THCS, giúp các em có thể lựa chọn hướng đi và nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội để có thể phát triển cao độ nhân cách của bản thân, đồng thời có thể cống hiến nhiều cho xã hội” - ông Phạm Như Nghệ khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Như Nghệ, hiện nay tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT khoảng trên 70% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học bổ túc THPT chiếm gần 8%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh vào học trong cơ sở dạy nghề chỉ ước chừng trên dưới 3%, vào học TCCN chiếm khoảng 2% từ nhiều năm trở lại đây. Nếu thực hiện không tốt việc phân luồng học sinh sau THCS cũng có nghĩa là một bộ phận đông đảo học sinh sau THCS yếu thế về lực học và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không thuận lợi phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất không được đào tạo nghề. Phân luồng học sinh sau THCS là tạo cơ hội học tập có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của họ.
Đang tồn tại sự lãng phí lớn theo phân tích của ông Phạm Như Nghệ. Hàng năm, cả nước có khoảng trên 800.000 học sinh tốt nghiệp THPT (chưa kể số học sinh tốt nghiệp THPT những năm trước còn tồn lại), trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng hệ chính quy được xác định vào khoảng 560.000 (chiếm gần 70% so với số học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm). Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 học sinh. Nếu những học sinh này được học giáo dục nghề nghiệp từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.
Doanh nghiệp khan hiếm nhân lực
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phản ánh việc phải chịu ảnh hưởng của các chính sách đào tạo, dạy nghề trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành than - khoáng sản. Đại diện này cho biết, số lượng tuyển sinh học sinh học nghề của các trường cao đẳng nghề thuộc Vinacomin đạt rất thấp. “Tình hình này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị nhân lực của ngành than, đặc biệt là cho các dự án khai thác than hầm lò vì trong tương lai gần công nghệ khai thác than của Việt Nam sẽ chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò là chủ yếu, trong khi công nghệ khai thác than hầm lò đòi hỏi nhiều lao động hơn và do điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên rất khó thu hút và giữ chân người lao động”- đại diện Tập đoàn này cho biết.
Một trong những biện pháp mà Tập đoàn này đề xuất là cần hạn chế việc thành lập mới, nâng cấp các trường đại học, đồng thời đặt ngưỡng phù hợp để lựa chọn những cá nhân xuất sắc được học đại học, còn lại sẽ phân luồng sang đào tạo nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt khuyến khích cho người đi vào luồng giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là các ngành mũi nhọn, chiến lược của đất nước.
Ông Phạm Như Nghệ kiến nghị trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta thì nên điều chỉnh giảm luồng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học THPT xuống tỷ lệ phù hợp (khoảng 50% đến 60% so với số học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm, bao gồm cả THPT và bổ túc THPT), so với tỷ lệ thực tế hiện nay khoảng gần 80%, tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đạt tối thiểu là 30% theo mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra và giảm tối đa học sinh tham gia lao động sản xuất mà không được đào tạo nghề. Đối với học sinh tốt nghiệp THPT nên điều chỉnh giảm luồng học sinh tốt nghiệp THPT vào học ĐH, CĐ xuống còn khoảng 50% so với số học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm và tăng tỷ lệ học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp.
Bạn cần biết:
Các trường dạy nghề thực sự chưa hấp dẫn?
Kenhtuyensinh
Theo: ANTĐ