Tin liên quan

>> Hơn 1000 hồ sơ ảo tại trường Đại học Đà Nẵng

>> Chống hồ sơ ảo ĐH - CĐ

>> Trường lo thí sinh ảo

 

Hiện nay nhiều trường đã kết thúc làm thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1). Tuy nhiên, nhiều trường khá bất ngờ với lượng thí sinh ảo, thậm chí có trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM sau khi nhập học NV1 bị thiếu chỉ tiêu phải công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Có trường gọi đến 2.500 thí sinh NV1 nhưng chỉ có khoảng 60% thí sinh nhập học, có trường hệ CĐ trúng tuyển gần 700 nhưng nhập học chỉ có 20%. Trong khi đó, với các trường CĐ con số ảo còn lớn hơn rất nhiều.

 

Trường đại học lao đao vì thí sinh ảo, Hồ sơ ảo, Nguyện vọng 2, sai gon giai phong, tuyển sinh

Trúng tuyển gần 5.000, nhập học 1.500

Câu chuyện thí sinh trúng tuyển ảo không mới nhưng luôn là bài toán khó đối với hội đồng tuyển sinh các trường ĐH-CĐ. Và năm nay, nhiều trường đứng ngồi không yên với việc thí sinh trúng tuyển ảo quá nhiều.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dù thí sinh đăng ký và thí sinh dự thi nhiều gấp đôi năm 2011, đồng thời điểm chuẩn NV1 lấy bằng điểm sàn (khối A: 13 điểm; khối B: 14 điểm; khối D1: 13,5 điểm) nhưng số thí sinh nhập học so với thí sinh trúng tuyển chỉ đạt 60%.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Tổng chỉ tiêu hệ ĐH của trường là 2.800. Ở NV1, trường có 2.500 thí sinh trúng tuyển nhưng kết quả nhập học chỉ có 1.500 thí sinh nhập học (đạt khoảng 60%). Trường tiếp tục dành thêm 1.300 chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung và phải gọi trúng tuyển khoảng 2.000 thì may ra mới đủ chỉ tiêu đã đề ra”.

Trong khi đó, hệ CĐ trường có hơn 600 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có khoảng 20% làm thủ tục nhập học. Do đó, với 2.000 chỉ tiêu được duyệt, ở nguyện vọng bổ sung trường cần thêm 1.700 chỉ tiêu nhưng đã gọi đến 2.400 thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, ông Sơn cũng lo lắng vì không biết thực tế sẽ có bao nhiêu thí sinh đến làm thủ tục nhập học.

Tại Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, trường luôn có lượng thí sinh đăng ký dự thi dẫn đầu cả nước trong những mùa tuyển sinh gần đây cũng phòng ngừa lượng thí sinh ảo bằng cách gọi thí sinh trúng tuyển cao hơn gấp 3 lần so với chỉ tiêu. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo của trường, thổ lộ: “Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay trường gọi gần 5.000 thí sinh trúng tuyển (4.812 thí sinh). Kết quả, sau khi kết thúc nhập học có 1.500 thí sinh làm thủ tục nhập học.

Với kết quả này, ông Hòa không giấu được vui mừng: “Những năm trước dù đã tính rất kỹ lượng thí sinh ảo gọi khoảng 3.000 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có khoảng 60% thí sinh nhập học. Do đó, trường phải tiếp tục xét tuyển thêm NV2 nhưng cũng rất ít thí sinh vì điểm xét tuyển của trường khá cao. Tuy nhiên, năm nay sau khi làm thủ tục nhập học hội đồng tuyển sinh nhẹ cả người vì vừa đủ chỉ tiêu”.

Là một trường thuộc dạng danh tiếng của ĐH Quốc gia TPHCM nhưng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng không tránh khỏi số thí sinh trúng tuyển ảo. TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo trường, cho biết: “Tình trạng ảo xuất hiện ở từng khối thi lẫn từng ngành. Đây là thực tế các trường phải chấp nhận vì ngay cả những ngành nghề hấp dẫn như y dược, kinh tế cũng vẫn có thí sinh trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, với thực tế tuyển sinh thi tuyển như hiện nay thì mặc nhiên các trường phải chấp nhận tình trạng ảo và phải có phương án xử lý”.

Trong khi đó, nhiều trường như ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Tài chính Marketing, ĐH Nông Lâm TPHCM… năm nay cũng gọi thí sinh trúng tuyển NV1 tăng nhưng thực tế tỷ lệ thí sinh nhập học không như mong đợi.

Ứng phó bằng kinh nghiệm

Trong khi cái ảo của tuyển sinh “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) chưa có lời giải thì với những quy định về xét tuyển sau NV1 năm nay (thời hạn xét tuyển đến 30-11, các trường được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi (phiếu điểm bằng bản photocoppy) càng làm cho các trường “rối đội hình” vì đối phó với thí sinh ảo gia tăng.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, phân tích: “Thực tế tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo tồn tại nhiều năm nay và không có cách hóa giải. Thí sinh thi 2 đợt đã ảo lần thứ nhất ở NV1, thí sinh xét tuyển lại tiếp tục ảo lần thứ 2 và với cách xét tuyển năm nay lại làm cho các trường thật sự rối với việc thí sinh trúng tuyển ảo gia tăng”.

Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, dù thí sinh A nộp phiếu điểm bằng bản chính và đã trúng tuyển nguyện vọng bổ sung vào trường X nhưng chưa chắc thí sinh đó đã học vì thí sinh A có thể chọn học trường mà thí sinh này đã nộp phiếu điểm photocoppy. Cũng có trường hợp thí sinh trúng tuyển NV1 nhưng lại xin phiếu điểm đi xét tuyển nguyện vọng bổ sung ở trường khác. Ngoài ra, cũng có trường hợp thí sinh trúng tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng không học lại tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo ở trường khác. Do đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho rằng: “Việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung như trò chơi xổ số nên các trường không biết đường nào mà lần. Duy nhất chỉ có trường nào nhiều kinh nghiệm, biết tính toán kỹ và hạn chế thí sinh ảo bằng cách gọi thí sinh trúng tuyển nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với chỉ tiêu thì may ra mới đủ chỉ tiêu”. Tuy nhiên, với cách làm theo kinh nghiệm này thì cũng như con dao hai lưỡi vì lỡ may thí sinh nhập học cao thì dẫn đến vượt chỉ tiêu… Bộ GD-ĐT sẽ phạt, kỷ luật. Nếu hết hạn mà tuyển không đủ chỉ tiêu thì cũng bị bộ phê bình.

Phân tích thêm về cách xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm nay, TS Nguyễn Kim Quang cho rằng: “Năm nay mỗi trường đưa ra quy định và thời hạn xét tuyển khác nhau nên không tránh khỏi việc thí sinh trúng tuyển trường này lại rút hồ sơ nộp sang trường khác. Tình trạng này khiến cho bộ phận tuyển sinh các trường đau đầu với việc nhập liệu, giải quyết rút hồ sơ. Do đó, tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo năm nay ở nguyện vọng bổ sung sẽ cao”.

Trước thực tế tình hình xét tuyển nguyện vọng bổ sung rối bời như năm nay, nếu trường nào không tính toán kỹ, nhất là các trường ĐH địa phương, ĐH ngoài công lập, các trường CĐ, hệ CĐ các trường ĐH thì chắc chắn không những không tuyển đủ chỉ tiêu mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của toàn trường trong năm học mới. Và bài toán thí sinh ảo chắc chắn sẽ kéo dài ít nhất là đến năm 2015 vì Bộ GD-ĐT đã khẳng định sau năm 2015 mới có phương án tuyển sinh mới để thay cho phương án “3 chung”.

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (SGGP )