Trong năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn đại học khiến nhiều trường đại học cố "vét" nốt các thí sinh vào trường cho đủ chỉ tiêu, điều ấy khiến các trường đại học sụt giảm hẳn chất lượng đầu vào.

Thủ khoa khối A toàn quốc sẽ học tại ĐH Bách Khoa với mức học bổng 150% học phí

Các trường Sư Phạm chật vật tuyển sinh

Theo TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, khi được thể hiện quyền tự chủ, các trường cũng thường ưu tiên lợi ích trước mắt thay vì xây dựng nền móng chất lượng lâu dài...

 

Trường đại học đang chạy "số lượng" hơn "chất lượng"

 

Lấy ví dụ đang thời sự hiện nay là về công tác tuyển sinh của các trường, TS Phạm Tất Thắng nhận xét: “Thực tế là chỉ có một số ít trường mà yêu cầu đào tạo về mặt năng khiếu mới có thêm cách thức đánh giá riêng (chủ yếu là về mặt năng khiếu), còn lại hầu hết các trường đều dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, cũng có nhiều trường dùng cả kết quả học tập ở THPT của thí sinh, nhưng “kênh” sử dụng điểm thi THPT quốc gia vẫn là chủ yếu.
 
Đó là một lựa chọn mang tính “khôn ngoan”, giúp các trường đạt được 3 lợi ích: tiết kiệm chi phí, tránh những rắc rối phức tạp của công đoạn tổ chức thi, và an toàn. Cho nên tôi không đồng ý khi có ý kiến việc các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh là biểu hiện của tính thiếu tự chủ.
 
Một khi các cơ sở giáo dục ĐH đã tự lựa chọn, nghĩa là họ đã thể hiện tính tự chủ. Chỉ có điều, với cách thức mà chúng ta đã và đang làm hiện nay thì đương nhiên sẽ thúc đẩy các trường tập trung đổ xô vào một lựa chọn đó.
 
Vậy theo ông lựa chọn đó là tốt hay không tốt cho phát triển giáo dục ĐH?
 
Về các lợi ích trước mắt, đương nhiên là tốt thì các trường mới chọn. Nhưng về mặt chất lượng người học, mà cái này thì ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trường ĐH, tôi cho là không tốt vì kỳ thi THPT quốc gia là một kỳ thi đánh giá kiến thức phổ thông của thí sinh mang tính đồng loạt.
 
Trong khi đó, mỗi cơ sở giáo dục ĐH lại có những tôn chỉ mục đích riêng, mục tiêu đào tạo riêng, thậm chí trong từng trường mục tiêu đào tạo của mỗi ngành cũng rất khác nhau, vì thế chắc chắn họ cần những yêu cầu cụ thể ở các thí sinh đáp ứng các mục tiêu này.
 
Lẽ ra đối tượng tuyển sinh của các trường phải là những em phù hợp nhất, có năng lực tốt nhất nhưng vì dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia nên tiêu chí lựa chọn của các trường thành ra giống nhau hết ở chỗ đều cùng tìm thí sinh có điểm thi cao nhất xếp từ trên xuống.
 
Trường đại học đang chạy "số lượng" hơn "chất lượng"
 
Việc lựa chọn phương án xét kết quả thi THPT quốc gia giúp các trường đỡ tốn kinh phí, đỡ tốn công, ít rủi ro nhưng lại phải đánh đổi chất lượng đầu vào, một điều kiện cần để cấu thành chất lượng đào tạo.
 
Như vậy, mặc dù đã thể hiện được tính “tự chủ”, nhưng việc lựa chọn của các trường đã không như chúng ta kỳ vọng, bởi họ không chọn phương thức là tìm cách tuyển được những thí sinh phù hợp nhất, để làm cơ sở tạo sự khác biệt, tạo bản sắc riêng, chỉ vì con đường đó khó khăn hơn.
 
 
Vậy phải chăng sự hạn hẹp tài chính chính là lý do khiến các trường chưa dám thể hiện mình mạnh mẽ trong tiến trình tự chủ?
 
Tôi cho là trong thời gian qua chúng ta chưa có sự thống nhất trong quan niệm về tự chủ ĐH nên vẫn để cho các trường phải cân nhắc rất nhiều về tài chính khi muốn tự chủ. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tự chủ ĐH được tiếp cận từ góc độ tài chính, chủ yếu ở mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
 
Ví dụ, 23 trường ĐH được Chính phủ cho thí điểm tự chủ đều phải lo 100% kinh phí, kể cả kinh phí chi thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển. Trường nào lo được kinh phí, tự chủ được về tài chính thì sẽ được tự chủ các mặt khác. Chúng ta đặt nặng về tài chính như thế trong câu chuyện tự chủ nên đương nhiên khi tổ chức các hoạt động là các trường đều phải cân nhắc đầu tiên là yếu tố tài chính.
 
Trong khi đó, những trường lo được kinh phí hiện nay chủ yếu thuộc vào nhóm trường giảng dạy về các ngành nóng như kinh tế, quản lý, luật pháp... Đây là những ngành mà trường không phải đầu tư nhiều cho trang thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm, mà nhu cầu người học lại cao, dễ tuyển sinh. Nếu vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng này thì những trường sư phạm, những trường đào tạo khoa học cơ bản… sẽ không có quyền tự chủ cao.
 
Vì thế theo tôi, cần phải quan niệm tự chủ là tạo hành lang để các trường có điều kiện hoạt động tốt hơn, thể hiện được năng lực quản trị của mình rõ hơn, để nhà trường phát triển. Còn nhà nước vẫn đầu tư cho giáo dục ĐH, nhất là những ngành mà nhà nước cần cho sự phát triển nền kinh tế - xã hội, mà những ngành đó có thể xã hội, người dân không ưu tiên lựa chọn.
 
Rất mừng là gần đây, trong các diễn đàn chính thức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đều bày tỏ quan điểm tự chủ không có nghĩa là bắt các trường tự lo về kinh phí, mà nhà nước vẫn sẽ phải có trách nhiệm đầu tư cho giáo dục ĐH.
 
 
 
Theo Thanh niên - Kênh Tuyển Sinh