Sau nhiều ngày chờ đợi, đúng 8 giờ ngày 17-1, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 đã chính thức khai mạc tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chương trình do Báo Người Lao Động phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng và các trường ĐH, CĐ tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền. Hơn 1.500 học sinh từ các trường THPT Trần Phú, Chi Lăng, Phù Đổng, Đống Đa… và Bùi Thị Xuân đã đến tham dự chương trình, Đài Phát và Truyền hình Lâm Đồng truyền hình trực tiếp.

Thang điểm nào thì hợp lý?

Đội ngũ chuyên gia uy tín đến từ TP HCM như ĐHQG và các trường ĐH Ngân hàng, Nông Lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Công nghệ Thực phẩm, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, Hồng Bàng, Yersin Đà Lạt đã giải đáp tận tình trăn trở của học sinh Lâm Đồng, trước quá nhiều đổi mới trong thi cử năm 2015.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết hiện chưa có thông tin liệu thí sinh ở Lâm Đồng sẽ thi THPT ở cụm thi Lâm Đồng hay đến các tỉnh khác. Vấn đề này học sinh cần chờ thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT. Về đăng ký dự thi, theo dự thảo quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, học sinh trường THPT nào thì đăng ký tại trường đó. Thời hạn đăng ký sẽ kết thúc trước ngày 1-4. Thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, nếu trúng tuyển phiếu số 1 thì các thông tin trong phiếu số 2, 3, 4 sẽ bị vô hiệu hóa. Sau khi xét tuyển đợt 1 xong thì hầu hết các trường lớn xét tuyển đủ chỉ tiêu, rớt đợt 1 thì khả năng trúng tuyển đợt 2 chỉ còn 30%.

Nhiều băn khoăn về thang điểm trong kỳ thi THPT quốc gia được các chuyên gia tuyển sinh giải đáp tận tình. Một học sinh hỏi: “Với thang điểm 20 mà điểm chuẩn như năm ngoái là 15 thì năm nay em chỉ cần thi 3 môn, mỗi môn 8/20 là đạt?”. TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trả lời nếu thang điểm 20 thì chắc chắn điểm sàn và điểm chuẩn sẽ thay đổi. Việc dự kiến đưa ra thang điểm 20 là để chấm chi tiết hơn, việc phân hóa sẽ tốt hơn phục vụ cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cấu trúc và chất lượng đề thi quan trọng hơn thang điểm. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Năm 2015 sẽ có ngưỡng điểm sàn nhưng hiện chưa có quy định cụ thể. Bộ GD-ĐT chỉ mới có quy định về điểm liệt, dự kiến điểm liệt năm nay sẽ là 2”.

Tại buổi tư vấn, TS Trần Đình Lý thực hiện khảo sát nhỏ, kết quả đa số học sinh lựa chọn thi 5 môn. Bạn Trương Thị Tuyết Nga, Trường THPT Trần Phú, hỏi: “Ví dụ em thi được 20 điểm, điểm chuẩn vào trường cũng 20, trong khi có rất nhiều bạn có điểm cùng em, trường sẽ xử lý thế nào?”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa giải đáp: “Ví dụ điểm chuẩn của trường ĐH em thi vào là 20, chỉ tiêu 200, thì chắc chắn trong trường hợp này, trường không lấy đúng 200 chỉ tiêu. Thông thường, các trường sẽ lấy toàn bộ thí sinh đạt 20 điểm. Mỗi ngành, nhà trường thường cho phép số thí sinh trúng tuyển vượt số chỉ tiêu khoảng 20%-25%.

Tìm hiểu cơ hội việc làm để chọn ngành

Tại chương trình, nhiều băn khoăn về môn xét tuyển của các trường cụ thể như thế nào cũng được học sinh nhiệt tình gửi đến ban tư vấn. Học sinh Bùi Anh Duy, Trường THPT Chi Lăng, hỏi năm nay, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức xét tuyển như thế nào? ThS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết: Trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển theo tổ hợp môn thi chung cho tất cả các ngành, riêng ngành luật kinh tế và ngôn ngữ Anh xét tuyển theo điểm chuẩn riêng.

Một học sinh hỏi về cơ hội việc làm ngành công nghệ thực phẩm, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, khẳng định ngành công nghệ thực phẩm không đơn thuần chỉ dừng lại ở đào tạo chế biến, bảo quản thực phẩm mà còn mở rộng ra ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chức năng… Vì thế, cơ hội việc làm không lo thiếu.

Trong khi đó, ThS Tô Hoài Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ DN và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý: Ngoài kết quả học tập, những kỹ năng trong xu thế hội nhập cũng rất cần thiết cho sinh viên, như tiếng Anh kém thì các em sẽ thiệt thòi. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như tin học, làm việc nhóm... cũng khá quan trọng.

Một học sinh muốn thi vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết đây là một trong những ngành truyền thống của trường, với bề dày 52 năm. Ngành xét tuyển theo 2 khối A, A1 và D1. Hiện nay, các gara, trung tâm lắp ráp xe hơi, trung tâm kiểm định xe hơi cũng rất nhiều nên cơ hội việc làm rất lớn.

Một học sinh quan tâm đến ngành quản lý nhân lực, ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết ngành này thì trường đã đào tạo 6 năm. Đây là ngành đào tạo chuyên sâu về nhân lực, sinh viên ra trường làm việc trong các công ty liên quan đến nhân sự. Các khối ngành ngôn ngữ cân nhắc tùy năng lực thí sinh vì ít nhất có 2 trường tại TP HCM là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cùng đào tạo.

Hôm nay (18-1), chương trình tiếp tục diễn ra tại Ninh Thuận (Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM), Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận tường thuật trực tiếp lúc 14 giờ.

80% thí sinh Lâm Đồng chọn các trường tại TP HCM

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, không phải ngẫu nhiên mà Báo Người Lao Động chọn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là điểm khởi đầu cho chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên với số lượt thí sinh dự thi hằng năm lên đến khoảng 100.000 - là địa bàn trọng điểm của nhiều trường ĐH không chỉ ở địa phương mà còn cả các trường ĐH, CĐ khu vực TP HCM.

Trong những kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, tỉnh Lâm Đồng có gần 30.000 lượt thí sinh dự thi. Hai trường ĐH lớn trên địa bàn là Trường ĐH Đà Lạt và Trường ĐH Tây Nguyên chỉ thu hút được khoảng 20%, còn lại hầu hết thi vào các trường ĐH tại TP HCM. Với lợi thế được ưu tiên khu vực ở mức cao nhất (khu vực 1), tỉ lệ học sinh của tỉnh Lâm Đồng trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ hằng năm đều cao hơn tỉ lệ bình quân chung của cả nước” - TS Nghĩa cho biết.

NLĐ, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tran-tro-truoc-ky-thi-thpt-quoc-gia-201501172231173.htm