Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trình UBND thành phố phương án mở cửa trường học tại địa phương được xác định an toàn phòng chống COVID-19.
Ngày 9/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trình UBND thành phố phương án mở cửa trường học tại địa phương được xác định an toàn phòng chống Covid-19. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất, việc mở cửa ưu tiên lớp nhỏ (mầm non, lớp 1, 2) và cuối cấp (lớp 9, 12), tiếp đó các lớp 5, 6, 10 và lớp còn lại. Lớp sẽ được chia nhỏ, chỉ học một buổi, ưu tiên khối ngoài công lập do không vướng tham gia phòng, chống dịch. Cở sở ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài nhà trường được mở cửa khi địa bàn lân cận an toàn.
Việc học trực tiếp được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh
Muốn mở cửa, các trường phải đảm bảo điều kiện: Được đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Việc dạy trực tiếp cho học sinh trên tinh thần tự nguyện; dạy trực tuyến, qua truyền hình vẫn duy trì cho những em không thể đến trường.
Về nhân sự, địa phương bổ sung, hợp đồng tạm đảm bảo đủ giáo viên khi trường mở cửa, nhất là bậc mầm non. Giáo viên chưa đủ điều kiện an toàn với dịch bệnh được bố trí dạy trực tuyến. Quận huyện rà soát tình hình sử dụng cơ sở vật chất, kể cả trường ngoài công lập để lên phương án sửa chữa.
Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá phương trên giúp sớm mở cửa trở lại các ngành, phục hồi kinh tế, địa phương sớm ổn định, người lớn yên tâm đi làm. Tuy nhiên, ngành giáo dục đang đối mặt nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Hệ thống trường ngoài công lập, nhất là bậc mầm non gặp khó, nhiều trường ngưng hoạt động. Ở nhiều địa phương, trường lớp đang được trưng dụng phòng chống dịch.
Ngoài ra, công tác tuyển dụng giáo viên bị trì hoãn, nhiều thầy cô bị nhiễm bệnh hoặc trong khu phong toả, một số bỏ nghề. Hơn 72.000 em không có điều kiện học trực tuyến do thiếu thiết bị, đường truyền. Người dân còn tâm lý lo lắng an toàn khi cho trẻ đến trường.
> Bộ GD&ĐT đề nghị mở rộng băng thông Internet phục vụ cho việc học trực tuyến
> Nhiều tỉnh không áp dụng học trực tuyến với học sinh lớp 1
Theo VnExpress