Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

canh-hoc-sinh-vi-pham-giao-thong-thuong-xuyen-dien-ra

Cảnh học sinh vi phạm Luật Giao thông như thế này không phải hiếm. Ảnh: Phùng Bắc

 

Sau nhiều lần ra quân, chấn chỉnh tình trạng học sinh (HS) đi xe máy đến trường, nhưng đến nay tình trạng HS chở ba chở bốn không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy tốc độ cao, lạng lách trên đường vẫn diễn ra hằng ngày.

 

Các sở giáo dục - đào tạo, lực lượng công an đã nhiều lần vào cuộc, thậm chí là yêu cầu phụ huynh và HS ký cam kết không đi xe máy đến trường, tuy nhiên do chỉ cấm mà không quản nên HS vẫn... vô tư đi xe máy, vi phạm luật

Ngang nhiên vi phạm

Có mặt trước cổng Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy - Hà Nội) lúc 11h, hàng chục HS đi bộ sang bãi giữ xe của tòa nhà 34T cách cổng trường khoảng 30m, trả vé lấy những chiếc xe tay ga đắt tiền bốc đầu và phóng với tốc độ chóng mặt trước mặt nhiều học sinh khác trong trường. Điều đáng nói là hiện tượng này đã trở nên cực kỳ phổ biến trong hầu hết HS ở các thành phố lớn. Sự phổ biến này khiến cho việc vi phạm trở nên một chuyện... bình thường. Hiện nay phần lớn các trường THPT tại các quận nội thành Hà Nội, lượng HS đi học bằng xe máy là quá lớn. Qua các con phố như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lò Đúc... vào giờ tan trường sẽ thấy từng tốp học sinh mặc nguyên đồng phục, chở ba thậm chí chở bốn dàn hàng ngang từng tốp, chạy quá tốc độ, đánh võng rất nguy hiểm trước con mắt bao người.

 

Còn tại TP. HCM, đúng giờ tan học 11h30 ngày 28.11, phóng viên Lao Động có mặt trước cổng trường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh (gần giao lộ đường Hoàng Hoa Thám và Phan Đăng Lưu). Một tốp học sinh gồm 5 nam và 3 nữ tụ tập trước cổng trường, sau đó tốp học sinh này băng qua bên kia đường, đối diện nhà trường vào một trụ sở Cty để lấy xe gắn máy gửi bên trong. Tốp học sinh phốc lên những chiếc xe tay ga loại 110-125 phân khối phóng đi với tốc độ cao. Điều đáng nói là có học sinh nam chở theo 3 người bạn học, đều mặc áo học sinh, đầu không đội mũ bảo hiểm, rồ ga rồi lạng lách đánh võng ngay trên mặt đường đông đúc xe cộ.


Theo đại diện lực lượng cảnh sát giao thông thì có thể khẳng định ngay rằng những HS này không chỉ đương nhiên vi phạm vì chưa đủ tuổi quy định; song chưa dừng ở đó, họ còn ngang nhiên vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, chở vượt quá số lượng người quy định như 3-4 người/xe, thậm chí là họ ngang nhiên vượt đèn đỏ, bất chấp đường ngược chiều...

Không xuể hay không quyết tâm xử

Ngay đầu năm học, Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường, đưa vào nội quy và yêu cầu học sinh cam kết về việc cấm học sinh đi xe máy đến trường. Thế nhưng việc cấm cứ cấm, cam kết vẫn cứ cam kết, nhưng vì không quản nên HS vẫn cứ đi. Khi nhà trường không cho HS gửi xe máy thì họ gửi ở ngoài. Khi được hỏi, chính những HS này đã thoải mái trả lời: Có xe thì đi, mà mình không đi thì HS khác... vẫn đi. Bố mẹ không cấm thì... khó ai cấm được(?!).

cu-tan-truong-la-len-xe-phong-nhu-chua-he-co-luat-giao-thong

Cứ tan trường là lên xe phóng như chưa hề có Luật Giao thông. Ảnh: Đ.T

 

Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cho hay tình trạng học sinh không giấy phép lái xe, nhưng vẫn điều khiển xe gắn máy phân khối lớn đến trường diễn ra rất nhiều, thậm chí khi CSGT tập trung xử lý thì lâm vào tình trạng... làm không xuể. Nhiều trường hợp đã bị lập biên bản, tạm giữ xe, HS được gia đình viết giấy cam kết không giao xe cho con em mình đi học và được chính quyền địa phương nơi cư trú chứng nhận cam kết. Tuy nhiên những việc làm này như “nước đổ lá khoai”, chỉ sau một thời gian tạm lắng thì HS lại vẫn... đi xe máy và vi phạm luật.

Cô Phan Thị Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân, HN) - bày tỏ sự tán thành việc cấm HS đi xe gắn máy đến trường. Đồng thuận quan điểm này, một giáo viên khác cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của phụ huynh. Bởi thực tế pháp luật đã cấm, nhà trường đã cấm, lực lượng CSGT đã cấm và nhiều lần xử lý... Thế nhưng phụ huynh thì lại không cấm. Thực tế thì không thể nói là... không xử lý nổi mà vấn đề là có xử lý quyết liệt hay không. Một khi có sự vào cuộc đồng bộ từ nhà trường, cơ quan chức năng, gia đình nhất là chính quyền địa phương thì chắc chắn sẽ có tác dụng.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (laodong)


Bài: Tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông vẫn tiếp diễn