Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Minh họa: với sức sáng tạo của học sinh 9x thì không gì là không thể.
Việc học sinh vẽ linh tinh vào SGK đã có từ lâu nay. Nhưng hiện nay, với sự tiện lợi của các phương tiện thông tin liên lạc, vẽ bậy vào SGK đã trở thành phong trào thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người.
Nâng tầm “nghệ thuật”
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội và diễn đàn, nhiều hội, nhóm tập hợp những người “thích vẽ bậy vào sách giáo khoa” với rất đông thành viên tham gia. Trang Facebook mang tên “Hội những người thích vẽ bậy vào sách giáo khoa” hiện nay đã thu hút tới hơn 21.000 người tham gia.
Những hình vẽ các học sinh này vẽ lên SGK thường khá ngộ nghĩnh, mang đậm phong cách 9X. Được yêu thích nhất vì dễ nhất là việc “hóa trang” cho các nhân vật, tác giả có hình minh họa trong SGK. Nói cho công bằng, nếu chỉ xem những hình ảnh này thì phải công nhận là học sinh ta quả là sáng tạo. SGK môn ngữ văn, lịch sử được những HS ưa vẽ bậy thích nhất vì có nhiều hình các nhân vật lịch sử, các nhà văn, nhà thơ... để tha hồ tô vẽ. Hình minh họa nhà văn Kim Lân trong cuốn sách ngữ văn là “một cô gái xinh đẹp”. Nguyễn Huy Tưởng bỗng đeo kính trắng và là một... DJ đang chỉnh nhạc. Cácmác và Ăngghen chở nhau đi trên chiếc xe máy. Lương y Lê Hữu Trác đeo kính đen và hút thuốc lá... Tất nhiên, SGK của các môn học khác cũng vẫn bị trưng dụng vào trò tiêu khiển này. Kể cả vốn mang tiếng khô khan như môn toán học thì đồ thị cũng được HS phát huy trí tưởng tượng để cho ra một cô gái.
Thậm chí, vẽ bậy vào SGK dưới con mắt của những học sinh này đã được “nâng cấp” lên mức được cho là nghệ thuật. Hay lãng mạn hơn là xem ảnh vẽ linh tinh là “nhớ lại thời cắp sách đến trường”.
Cần ngăn chặn
Tuy nhiên, bên cạnh những hình vẽ ngộ nghĩnh, trang trí, hóa trang cho nhân vật, tác giả có hình minh họa trong SGK, thì cũng có không ít hình mang tính nhạy cảm, bậy bạ thật sự. Mất thời gian, không tập trung nghe giảng là điều dễ nhận thấy. Như có HS trưng bức vẽ ra và khoe “em mất cả giờ toán để hoàn thành cái này”.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - nhận xét, việc học trò vẽ vào sách vở là chuyện đã có từ lâu. Vì vậy, ngay từ đầu các năm học, bao giờ trường cũng nhắc nhở học sinh 2 vấn đề: Thứ nhất là SGK không phải chỉ các em dùng mà còn để cho các bạn khóa sau dùng. Cuối năm chi đoàn tổ chức vận động học sinh ủng hộ SGK cũ. Thứ hai, nếu dùng bút để đánh dấu những chỗ cần ghi nhớ thì được, nhưng vẽ linh tinh như vẽ râu, vẽ kính thì đó là trò trẻ con. Học sinh cấp 3 đã lớn, có ý thức rồi thì phải ứng xử đẹp, lịch sự, không làm những việc đó. Trong trường thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng vẽ bậy, nhưng khi phát hiện thì giáo viên rút kinh nghiệm với học sinh ngay.
Về việc học sinh rủ nhau lập hội rồi thi nhau vẽ bậy, chia sẻ hình ảnh trên mạng như một thú vui, theo thầy Lâm, phản ánh hai thứ. Đó là nhận thức của các em về cái đẹp không chuẩn xác. Và thứ hai là cách sống tùy tiện, không theo chuẩn mực văn hóa. Các trường học cần có ý thức giáo dục học sinh về vấn đề này, không nên để việc vẽ bậy thành “bệnh dịch” lan tràn.
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (laodong)
Bài: Thú vui vẽ bậy vào sách giáo khoa của học sinh